(MPI Portal) – Ngày 23/12/2015, Trung tâm thông Thông tin và dự Dự báo Kinh kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội thảo “Nghiên cứu các đối tác chủ yếu trong thành viên TPP nhằm thúc đẩy đầu tư thương mại vào Việt Nam khi Hiệp định TPP được ký kết”.
Tham dự Hội thảo có GS.TS. Nguyễn Mại, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban hợp tác và đầu tư, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài, TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TS. Lê Quốc Phương, đại diện Bộ Công thương cùng nhiều đại biểu đến từ một số đơn vị thuộc Bộ, hiệp hội, doanh nghiệp, các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước.
|
Bà Mai Thị Thu, Giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia
phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal) |
Mở đầu Hội thảo, bà Mai Thị Thu, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho biết, Hội thảo nhằm tiếp thu các góp ý từ các chuyên gia, các nhà khoa học, các đại biểu để hoàn thiện Đề án “nghiên cứu các đối tác chủ yếu trong thành viên TPP nhằm thúc đẩy đầu tư thương mại vào Việt Nam khi Hiệp định TPP được ký kết”.
Tại Hội thảo, đại diện nhóm nghiên cứu, Ths. Nguyễn Như Hoàng đã trình bày tóm tắt những kết quả nhóm nghiên cứu đã thực hiện trong 6 tháng qua. Mục tiêu của nghiên cứu lần này nhằm đánh giá lợi thế so sánh các nước TPP tiềm năng trong đầu tư và thương mại, đồng thời nghiên cứu về sự chuẩn bị của Việt Nam từ góc độ nhà nước và doanh nghiệp, để từ đó đề xuất một số giải pháp chính sách cải thiện môi trường đầu tư, tăng khả năng cạnh tranh.
Nhóm nghiên cứu đã khảo sát 500 doanh nghiệp Việt Nam bằng thư điện tử và có 110 doanh nghiệp trả lời trong đó 50% doanh nghiệp không biết về TPP, 40% doanh nghiệp không biết TPP có ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hay không, 7% doanh nghiệp cho rằng TPP có ảnh hưởng tiêu cực và 53% doanh nghiệp cho rằng TPP có ảnh hưởng tích cực nhưng vẫn có thách thức đối với doanh nghiệp. 67,3% doanh nghiệp chưa có kế hoạch cụ thể gì khi TPP được ký kết, 85% doanh nghiệp mong Chính phủ cung cấp thông tin về lộ trình thực hiện TPP và hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các cam kết trong TPP, 90% doanh nghiệp mong muốn Chính phủ ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền sử dụng đất, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Nghiên cứu cũng chỉ ra những cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam như: thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), tái cơ cấu ngành thu hút FDI (nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ), tiếp cận thị trường để mở rộng xuất khẩu, mở cửa thương mại và dịch vụ, nâng cao chất lượng đấu thầu và bình đẳng, tạo ra áp lực cho đổi mới. Bên cạnh những cơ hội nêu trên, các doanh nghiệp sẽ gặp những khó khăn, thách thức như: sự chuẩn bị và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, minh bạch hóa và hiệu quả bộ máy nhà nước, khả năng về hấp thụ vốn của nền kinh tế thấp, thách thức trong đầu tư ra nước ngoài, thách thức trong kinh doanh và phát triển ngành cùng nhiều thách thức khác trong hội nhập, đồng thời tạo ra cạnh tranh nhiều hơn với sản xuất trong nước (nông nghiệp, dệt may).
Từ những cơ hội và thách thức, nhóm nghiên cứu đã đưa ra một số giải pháp nhằm định hướng cho chính sách đầu tư và thúc đẩy đầu tư như chuyển hướng sang FDI có chọn lọc, định hướng vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng và công nghệ cao; Khuyến khích đầu tư theo hình thức PPP, tập trung vào hoạt động sản xuất ở chuỗi giá trị cao hơn, chú trọng công nghệ cao, hạn chế những dự án thâm dụng lao động, thu hút FDI vào công nghiệp hỗ trợ.
Tại Hội thảo, các đại biểu, các chuyên gia đã đánh giá cao sự nghiên cứu công phu, kịp thời của Đề án với bố cục lôgic chặt chẽ, lập luận có căn cứ, thuyết phục, đồng thời đưa ra nhiều ý kiến đóng góp để tiếp tục hoàn thiện Đề án./.
Minh Hậu
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư