Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 20/01/2016-14:46:00 PM
Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 tỉnh Hà Giang

Năm 2015, các cấp, các ngành thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước tuy phát triển với những tín hiệu tích cực nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn và thách thức. UBND tỉnh và các ngành, các cấp đã tập trung tổ chức thực hiện các giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách nhà nước và đạt nhiều kết quả khả quan, góp phần hoàn thành hầu hết các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, cụ thể như sau:

1. Lĩnh vực kinh tế

Kinh tế của tỉnh năm 2015 tiếp tục phát triển ở mức hợp lý và khá ổn định, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP theo giá so sánh 2010) ước đạt 10.779 tỷ đồng, tăng 5,35% so với năm 2014. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Tổng sản phẩm bình quân đầu người 19,2 triệu đồng/người/năm (tăng 4,1%). Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn 6.780,8 tỷ đồng, tăng 8,76% so với năm 2014.

a. Sản xuất nông lâm nghiệp và nông thôn

Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm gần 179 nghìn ha, tăng 1,63%; Tổng sản lượng lương thực có hạt cả năm ước đạt trên 391 nghìn tấn, tăng gần 4,7 nghìn tấn. Giá trị sản phẩm thu hoạch/ha đất cây hàng năm ước đạt 41,1 triệu, tăng 1,7 triệu đồng/ha.

Công tác phòng chống dịch gia súc, gia cầmđược quan tâm đúng mức. Theo kết quả thống kê đến tháng 10/2015, tổng đàn trâu, bò có trên 265 nghìn con; đàn lợn có trên 568 nghìn con; Gia cầm các loại trên 4 triệu con; đàn dê có khoảng 152 nghìn con và có gần 28 nghìn tổ Ong. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước trên 35,8 nghìn tấn, tăng 7,8%. Sản lượng nuôi trồng thủy sản ước gần 1,5 nghìn tấn, tăng 1,69%.

Công tác chăm sóc, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô được tăng cường;Diện tích trồng rừng mới cả năm ước đạt 33.551,5 ha, đạt 89,2% KH. Thực hiện khoanh nuôi, phục hồi rừng đạt 100% kế hoạch; tỷ lệ che phủ rừng ước đạt 54,4%. Tình hình khai thác, vận chuyển và mua bán lâm sản trái phép vẫn còn diễn biến phức tạp; từ đầu năm đến nay các ngành chức năng đã phát hiện và xử lý 305 vụ vi phạm lâm luật, giảm 4 vụ so với 2014, tịch thu 34,8 m3 gỗ, xử phạt hành chính 1,62 tỷ đồng. Toàn tỉnh đã xảy ra 42 vụ cháy rừng, làm thiệt hại 156 ha rừng.

Thiệt hại do thiên tai vẫn ở mức cao trên 138 tỷ đồng, 10 người chết, 07 người bị thương. Ngoài ra, các đợt nắng nóng kéo dài gây khô hạn và ảnh hưởng đến năng suất trên 3 nghìn ha.

Chương trình xây dựng nông thôn mới được quan tâm chỉ đạo quyết liệt; đến hết năm 2015 toàn tỉnh có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 02 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, 29 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí, 122 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí, có 13 xã dưới 5 tiêu chí; bình quân mỗi xã đạt 7,6 tiêu chí. Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình khoảng 492 tỷ đồng, trong đó đã huy động từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân được gần 50 tỷ đồng.

b. Sản xuất công nghiệp, xây dựng

Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế ước đạt trên 3.707 tỷ đồng, đạt 94,5% kế hoạch, một số sản phẩm tăng khá, như: điện sản xuất tăng 5,7%; sản phẩm in các loại tăng 22,5%; xe tải dưới 5 tấn tăng 19,3%... Tuy nhiên một số sản phẩm giảm như: Khai thác Quặng sắt và tinh quặng sắt giảm 19%, quặng mangan giảm 83,9%, quặng chì giảm 32,1%, Antimol giảm 34,6%...Trước tình hình khó khăn của các doanh nghiệp, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ngành, các cấp kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phục hồi lại sản xuất.

Công tác khuyến nông, dạy nghề, cấy nghề được quan tâm, các ngành nghề được đầu tư khôi phục, phát triển gắn với hình thành các làng nghề, hợp tác xã thủ công nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực. Đến hết năm 2015, toàn tỉnh có 28 làng nghề được công nhận.

Giá trị sản xuất xây dựng ước đạt 2.922 tỷ đồng, tăng 5,5% so với năm 2014. Các công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI được thực hiện đúng tiến độ. Tỉnh đã tập trung chỉ đạo rà soát, lập phương án xử lý nợ đọng XDCB theo đúng Chỉ thị số 07/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Triển khai lập kế hoạch đầu tư công trung hạn theo đúng quy định. Lựa chọn một số dự án trọng điểm triển khai thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công tư theo Nghị định số 15/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

c. Thương mại, dịch vụ và du lịch

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn ước đạt 6.447,4 tỷ đồng, đạt 99,2% kế hoạch . Chỉ số giá tiêu dùng tính chung 11 tháng tăng 0,63% so với cùng kỳ. Công tác quản lý thị trường được duy trì thường xuyên, kết quả cho thấy tình hình thị trường đãcó nhiều diễn biến tích cực, góp phần tích cực phát triển sản xuất và ổn định đời sống nhân dân.

Chương trình phát triển kinh tế biên mậu bước đầu đạt được kết quả tích cực. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu 10 tháng đạt 168,8 triệu USD; ước cả năm đạt 250 triệu USD, bằng 62,5% KH.

Các đơn vị kinh doanh vận tải hoạt động ổn định, đã đưa bến xe khách phía nam của tỉnh đi vào hoạt động; công tác kiểm tra tải trọng xe được thực hiện nghiêm túc. Doanh thu vận tải ước đạt 412,4 tỷ đồng, tăng 4,97% so với năm 2014.

Hoạt động bưu chính, viễn thông phát triển mạnh, đảm bảo thông tin liên lạc được thông suốt; có 930 trạm thu phát sóng (BTS); tỷ lệ phủ sóng thông tin di động đến 98% tổng số xã; mật độ điện thoại đạt 70 thuê bao/100 dân; Internet đạt 5 thuê bao/100 dân.

Hoạt động du lịch đã đạt những kết quả khá nổi bật, công tác quảng bá du lịch được đổi mới cả về hình thức và nội dung giúp du khách có những thông tin và trải nghiệm tốt. Lượng khách du lịch đến với Hà Giang tăng cao so với cùng kỳ năm trước, ước năm 2015 đạt gần 763 nghìn lượt khách, tăng 17,3% so với năm 2014. Chất lượng dịch vụ du lịch và tình hình an ninh trật tự tại các điểm du lịch cơ bản được đảm bảo.

d. Tài chính, tín dụng

Tổng thu ngân sách địa phương cả năm ước đạt 10.102 tỷ đồng, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước 1.597,5 tỷ đồng, đạt 103% kế hoạch tỉnh giao, tăng 12,6% so với năm 2014. Tổng chi ngân sách địa phương 9.896 tỷ đồng, đạt 100% dự toán.

Hoạt động ngân hàng, các tổ chức tín dụng tăng trưởng khá, đảm bảo an toàn, hiệu quả. Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng đến 31/10/2015 đạt 12.490 tỷ đồng, ước cả năm đạt 12.600 tỷ đồng. Tổng dư nợ đạt 11.805, ước cả năm đạt 12.255 tỷ đồng, đạt KH đề ra. Nợ xấu ước đến cuối năm 45,1 tỷ đồng, chiếm 0,4% tổng dư nợ, giảm 18,7%. Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp được thực hiện tốt, doanh số cho vay đạt gần 704 tỷ đồng với 225 đối tượng; mặt bằng lãi suất ổn định; tỷ giá tăng 4,4% so với năm 2014.

e. Đầu tư phát triển, đăng ký kinh doanh và thu hút đầu tư:

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước 6.780,8 tỷ đồng, tăng 8,76% so năm 2014, cơ cấu vốn đầu tư phát triển chuyển dịch theo hướng tích cực, vốn khu vực nhà nước ước đạt 3.446 tỷ đồng, giảm 1,53% so với cùng kỳ; vốn ngoài nhà nước thực hiện 3.334,2 tỷ đồng, tăng 22,1% so với cùng kỳ.

Tổng kế hoạch vốn đầu tư từ NSNN cho các dự án đầu tư XDCB của Tỉnh năm 2015 là 2.058,3 tỷ đồng. Các nguồn vốn tính đến nay đã giải ngân khoảng trên 95% kế hoạch.

Công tác cấp và điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được thực hiện theo đúng trình tự quy định. Hiện nay, toàn tỉnh có 1.347 doanh nghiệp, 770 hợp tác xã với 9.300 xã viên và 6.345 tổ hợp tác.

Triển khai thực hiện 03 dự án ODA với tổng mức đầu tư khoảng 20,84 triệu USD; tiếp nhận bổ sung vốn dự án đầu tư từ nguồn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ai Len cho các xã đặc biệt khó khăn với tổng vốn 23 tỷ đồng. Thực hiện tốt 27 dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi.

f. Khoa học công nghệ, Tài nguyên môi trường

Trong năm triển khai thực hiện 47 đề tài, dự án nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ; đang triển khai 10/13 nhiệm vụ mới. Tổ chức nghiệm thu 13 đề tài; kiểm tra đánh giá khối lượng công việc 34 đề tài.

Đã rà soát, điều chỉnh quy định về bồi thường hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh; đã tiến hành cấp 119.949 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Chỉ thị số 1474/CT-TTg. Tổ chức tư vấn địa điểm giao đất cho 23 tổ chức; cho thuê đất 29 hồ sơ với tổng diện tích 402,2 ha; tổng hợp 137 dự án có nhu cầu sử dụng đất năm 2016. Công tác quy hoạch và quản lý các quy hoạch về khoáng sản, tài nguyên nước, bảo vệ tài nguyên môi trường triển khai thực hiện tốt.

2. Lĩnh vực văn hóa - xã hội

a. Giáo dục - Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực

Chất lượng giáo dục tiếp tục được cải thiện, tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 82,25%; tốt nghiệp THCS đạt tỉ lệ 99,15%. Mạng lưới trường, lớp học tiếp tục được củng cố, nhất là việc các trường chuẩn quốc gia. Toàn tỉnh hiện có 854 trường học và cơ sở giáo dục; 132/142 trường đạt chuẩn quốc gia chiếm 93%; tỷ lệ huy động vào các cấp học đạt cao. Các chính sách hỗ trợ học sinh được triển khai kịp thời, đúng đối tượng. Phổ cập giáo dục tiểu học, chống mù chữ, phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở được duy trì tốt, 11/11 huyện , thành phố được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Các trung tâm học tập cộng đồng được củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động.

b. Công tác Y tế

Công tác phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tiếp tục được tăng cường; thường xuyên giám sát dịch tễ.Tiếp tục thực hiện chấn chỉnh tinh thần, thái độ phục vụ, nâng cao y đức; tổ chức khám, chữa bệnh lưu động phục vụcác xã khó khăn trong tỉnh; tổ chức kiểm tra vệ sinh, an toàn thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh; tổ chức tiêm chủng mở rộng cho các cháu trong độ tuổi và phụ nữ có thai. Hiện trung bình có 10 bác sỹ/vạn dân (trung bình cả nước 8,2%) và 0,8 dược sỹ/vạn dân; 28,2 giường bệnh công lập/vạn dân, công suất sử dụng giường bệnh trên 95,5%; 100% trạm y tế xã có bác sỹ luân phiên đến trực, thăm khám bệnh cho nhân dân. Đến cuối năm 2015 có thêm 25 xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã.

Thực hiện tốt công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 22,1%; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên ước 1,64%; mức giảm tỷ suất sinh ước đạt 0,5‰, tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm còn 16,7%; ngộ độc thực phẩm 05 vụ (tăng 01 vụ so với cùng kỳ) với 56 người mắc, tử vong 03 người do ngộ độc.

c. Văn hoá, thể thao; thông tin truyền thông

Các hoạt động văn hoá, văn nghệdiễn ra sôi nổi, rộng khắp, tạo không khí thi đua trong các tầng lớp nhân dân. Đẩy mạnh công tác trùng tu, tôn tạo các di tích trên địa bàn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, gắn với xây dựng nông thôn mới chuyển biến tích cực; tỷ lệ hộ gia đình văn hóa toàn tỉnh đạt 56,5%, tỷ lệ thôn, tổ dân phố văn hóa đạt 33,8%. Toàn tỉnh hiện có 90/195 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa; 33 làng văn hóa du lịch cộng đồng. Phong trào thể dục, thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao tiếp tục phát triển.

Hệ thống bưu chính viễn thông phát triển mạnh; hoạt động của các cơ quan báo chí có nhiều đổi mới, nội dung tuyên truyền bám sát các nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Chương trình phát thanh, truyền hìnhngày càng nâng cao về nội dung và chất lượng.

d. Công tác giảm nghèo, an sinh xã hội và công tác dân tộc

Công tác giảm nghèo được triển khai đồng bộ, ước cả năm có 8.240 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 18,21% (giảm 5% so với năm 2014). Các chương trình đào tạo nghề và giải quyết việc làm được thực hiện hiệu quả. Các chế độ chính sách và phong trào "đền ơn đáp nghĩa", hoạt động từ thiện được thực hiện thường xuyên, đúng đối tượng; hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, cứu đói giáp hạt đảm bảo kịp thời.

Các Chương trình MTQG; chương trình hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai có hiệu quả, với tổng vốn đầu tư của 13 chương trình 784.595 triệu đồng. Các Chương trình MTQG được thực hiện đúng quy định, đạt hiệu quả và lồng ghép nguồn vốn được giao theo đúng mục tiêu, nhiệm vụ của từng chương trình.

3. Công tác nội chính

a. Về cải cách hành chính

Công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách các thủ tục hành chính được thực hiện đồng bộ, quyết liệt. Hoàn thành Đề án vị trí việc làm. Triển khai có hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước. Triển khai kế hoạch hành động cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

b. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo

Công tác tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, tố cáo được quan tâm chú trọng; đã tiếp 637 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh; tiếp nhận 1.282 đơn, đủ điều kiện xử lý 946 đơn, thuộc thẩm quyền giải quyết 35 vụ, đã giải quyết 19 vụ. Tổ chức thanh tra trên 200 cuộc, kiến nghị xử lý thu hồi nộp ngân sách nhà nước 18,27 tỷ đồng.

c. Công tác phòng, chống tham nhũng

UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương hoàn thành việc kê khai tài sản, thu nhập lần đầu và kê khai bổ sung theo qui định. Các cơ quan hành chính nhà nước trong tỉnh tiếp tục thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy chính quyền địa phương. Các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm túc việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc tham nhũng, xử lý nghiêm minh những người vi phạm.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI NĂM 2016

1. Mục tiêu tổng quát

Tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường thu hút đầu tư, phát triển các ngành, lĩnh vực, địa bàn trọng điểm gắn với tái cơ cấu kinh tế, trọng tâm là tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tiếp tục phát triển văn hóa xã hội, bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống nhân dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng lãng phí. Tăng cường quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

2. Nhiệm vụ chủ yếu

- Căn cứ Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Giang đến năm 2030, các huyện, thành phố tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch. Tập trung triển khai xây dựng quy hoạch phát triển vùng động lực theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, gắn với xây dựng cơ chế phân cấp, ủy quyền thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước cho vùng động lực. Triển khai thực hiện kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực bảo đảm sự phát triển tổng thể, đồng bộ.

- Khai thác, phát huy mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Tập trung triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện 2 khâu đột phá, 5 chương trình trọng tâm.

-Triển khai thực hiện nghiêm túc Luật đầu tư công; Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 05 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020; Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 30/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn vốn đầu tư công. Chủ động tìm kiếm các nguồn vốn ODA, vốn tài trợ nước ngoài và các nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương để tập trung ưu tiến đầu tư các dự án trọng điểm, có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội. Khắc phục triệt để tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, kém hiệu quả.

-Nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất và đời sống. Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực có chất lượng. Chú trọng chăm sóc sức khỏe nhân dân, công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Đẩy mạnh phong trào "xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", gắn với phong trào "chung tay xây dựng nông thôn mới".

-Thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ; tạo việc làm cho người lao động; thực hiện tốt các chính sách bảo đảm an sinh xã hội và chính sách đối với người có công, hộ nghèo, đối tượng xã hội.

-Quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, chú trọng công tác lập và quản lý quy hoạch, kế hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Thực hiện có hiệu quả Chương trình quốc gia về ứng phó biến đổi khí hậu. Nâng cao nhận thức của toàn xã hội về công tác bảo vệ môi trường; tăng cường kiểm soát và có biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu.

- Thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính của Chính phủ;từng bước nâng cao chất lượng cơ chế một cửa liên thông theo hướng hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức và công dân. Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Sắp xếp, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảo tinh gọn, hợp lý, tăng hiệu quả hoạt động./.


Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Giang

    Tổng số lượt xem: 1712
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)