Ảnh: Internet (MPI Portal) – Theo nhận định của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại buổi họp báo công bố Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á 2016 được tổ chức ngày 30/3/2016 tại Hà Nội, kinh tế Việt Nam tiếp tục đạt kết quả tốt trong bối cảnh môi trường kinh tế toàn cầu đầy biến động, dự báo kinh tế ổn định với mức tăng trưởng 6,7% sau đó sẽ tăng trưởng chậm hơn ở mức 6,5% trong năm 2017.
Theo Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2016, động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam là đầu tư trực tiếp của nước ngoài, tiêu dùng và cầu trong nước gia tăng, cùng với các chính sách hỗ trợ tăng trưởng. Sự phát triển mạnh mẽ của ngành sản xuất công nghiệp và xây dựng trong năm 2015 là yếu tố dẫn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong 7 năm vừa qua. Đầu tư trực tiếp nước ngoài hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong suốt cả chu kỳ dự báo. Lạm phát sẽ tăng trở lại nhưng sẽ vẫn ở mức khá khiêm tốn. Cán cân vãng lai dự báo sẽ thâm hụt nhẹ. Cải cách ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước tiếp tục đạt được tiến bộ mới, song có một nhu cầu mới xuất hiện là cần quản lý tốt hơn tiến trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng.
Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam Eric Sidgwick cho rằng, trong ngắn hạn, Chính phủ Việt Nam cần kiểm soát ảnh hưởng của nền kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm, đồng thời củng cố lại vùng đệm kinh tế vĩ mô để cho phép Việt Nam nâng cao sức chống chịu trước bất kỳ cú sốc kinh tế mới nào trong tương lai. Về lâu dài, cần nỗ lực nhiều hơn để giải quyết vấn đề tăng trưởng năng suất thấp của Việt Nam và hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước tăng cường khả năng hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Báo cáo nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tiến trình cải cách doanh nghiệp nhà nước sâu rộng hơn, nhằm gỡ bỏ những ảnh hưởng mà các doanh nghiệp này gây ra cho nền kinh tế và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Chính phủ cũng cần tiếp tục áp dụng các biện pháp tăng cường hệ thống ngân hàng, bao gồm một kế hoạch rõ ràng nhằm xử lý nợ xấu, vì vấn đề này sẽ cản trở sự hình thành một khu vực tài chính hiệu quả và toàn diện.
Mặc dù Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ các hiệp định thương mại tự do mới, song cũng sẽ phải chấp nhận một chi phí điều chỉnh đáng kể. Khi nền kinh tế mở cửa để đón nhận cạnh tranh nhiều hơn và các tiêu chuẩn xuất khẩu thắt chặt hơn, các doanh nghiệp trong nước sẽ phải đối mặt với các áp lực kinh doanh ngày càng gia tăng. Do vậy, để đảm bảo nền kinh tế có thể tối đa hóa lợi ích từ các hiệp định thương mại, Chính phủ cần song hành để tạo ra một nền kinh tế có năng suất cao hơn, đổi mới sáng tạo hơn để sẵn sàng thích ứng với áp lực cạnh tranh gia tăng./.
Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) là một loạt các báo cáo kinh tế hằng năm của ADB về các nước thành viên đang phát triển (DMCs). ADO cung cấp những phân tích toàn diện của ADB về kinh tế vĩ mô và các vấn đề trong sự phát triển của DMCs. Đồng thời đưa ra những đánh giá về xu thế kinh tế, triển vọng cho thế giới và cho các nền kinh tế đang phát triển Châu Á – Thái Bình Dương, các hồ sơ kinh tế, các vấn đề quản lý kinh tế, mối quan tâm chính sách phát triển, dự báo kinh tế cho DMCs và tổng quan về các vấn đề quan trọng đối với khu vực. |
Nguyễn Hương
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư