I. KINH TẾ
1. Tài chính, ngân hàng:
a. Tài chính:
Tổng thu ngân sách quý I ước đạt 3.116 tỷ đồng, đạt 38,6% so với dự toán năm; trong đó thu từ kinh tế địa phương thực hiện được 2.001,4 tỷ đồng, đạt 34,2% so dự toán và tăng 25,2% so cùng kỳ. Các khoản thu đạt cao so với cùng kỳ như: thu từ liên doanh nước ngoài tăng 50,7%, lệ phí trước bạ tăng 20,7%, thu xí nghiệp quốc doanh tăng 11,1%... Có một số khoản thu giảm so cùng kỳ như: thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh giảm 1,5%, thu thuế xuất nhập khẩu chỉ bằng 57,9% so cùng kỳ.
Tổng chi ngân sách nhà nước quý I ước đạt 2.504,6 tỷ đồng, đạt 33,3% dự toán, tăng 11,7% so cùng kỳ; trong đó chi thường xuyên trong quý I đạt 1.153 tỷ đồng, đạt 22,4% dự toán, tăng 0,5% so cùng kỳ; chi đầu tư phát triển được 720 tỷ đồng, đạt 32,7% dự toán và tăng 57,1% so cùng kỳ.
b. Tín dụng, ngân hàng:
Tổng thu tiền mặt quý I ước thực hiện được 51.050 tỷ đồng, tăng 5% so cùng kỳ; tổng chi tiền mặt thực hiện được 52.000 tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ. Nguồn vốn huy động của các ngân hàng vẫn ổn định và liên tục tăng trưởng từ đầu năm đến nay, tính đến ngày 10/3/2016 tổng vốn huy động trên địa bàn đạt 39.858 tỷ đồng, dự ước đến cuối tháng 3 đạt 40.137 tỷ đồng, tăng 2.054 tỷ đồng so đầu năm. Đến ngày 10/3/2016, tổng dư nợ cho vay đạt 29.153 tỷ đồng, dự kiến đến cuối tháng 3/2016 tổng dư nợ trên địa bàn tỉnh đạt 29.328 tỷ đồng, tăng 548 tỷ so đầu năm; trong đó dư nợ trung và dài hạn chiếm 40,6%. Đến cuối tháng 02/2016, cơ cấu dư nợ có lãi suất cho vay từ 13%/năm trở xuống chiếm 98,6% tổng dư nợ, so với cuối năm 2015 giảm 0,19%.
2. Đầu tư và xây dựng:
Vốn đầu tư toàn xã hội quý I ước thực hiện được 4.575,3 tỷ đồng, giảm 2,6% so cùng kỳ, bao gồm: vốn Nhà nước 513,5 tỷ đồng, giảm 0,8%; vốn ngoài Nhà nước 3.134,8 tỷ đồng, giảm 2,4%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là 927 tỷ đồng, giảm 4,4% so cùng kỳ.
Tổng vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý quý I là 323,3 tỷ đồng, tăng 3,5% so cùng kỳ, gồm có: vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 224,4 tỷ đồng, tăng 11,6%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 89,1 tỷ đồng, giảm 11,7%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã 9,8 tỷ đồng, giảm 5,8% so cùng kỳ.
3. Sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản:
a. Nông nghiệp:
* Vụ Đông Xuân 2015-2016: chính thức xuống giống và thu hoạch 74.182 ha, đạt 113,1% so kế hoạch, giảm 1,3% so cùng kỳ, tương ứng giảm 957 ha chủ yếu ở huyện Chợ Gạo 611 ha, Gò Công Tây 230 ha, Thị xã Cai lậy 215 ha, huyện Tân Phú Đông không xuống giống do thời tiết năm nay không thuận lợi, nước mặn đến sớm gần 2 tháng so cùng kỳ và sớm hơn một tháng so dự báo. Mực nước nội đồng khu vực cuối nguồn thấp, chất lượng nước kém, nguồn nước bị nhiễm mặn, dồn phèn, thiếu nước tưới đã ảnh hưởng trực tiếp đến trà lúa trong vùng Ngọt hóa Gò Công gây thiệt hại nặng trên 1.000 ha (trên 70%). Các địa phương đã tổ chức 365 điểm bơm chuyền, phục vụ tưới tiêu cho trên 12.444 ha lúa. Trong khi đó, các huyện phía Tây hiện đang thu hoạch với năng suất đạt từ 70-74 tạ/ha. Năng suất bình quân toàn vụ 70,5 tạ/ha, giảm 1,5 tạ/ha so cùng kỳ. Sản lượng sơ bộ đạt 522.942 tấn, giảm 3,3% tương ứng giảm 18.065 tấn so cùng kỳ.
- Về cơ cấu giống lúa: giống lúa đặc sản, chất lượng cao như: OM 4900, OM 5451, VND 95-20, Nàng hoa 9... chiếm tỉ lệ 49,7%; giống lúa thường như IR 50404 chiếm tỉ lệ 44,3%; các giống lúa khác chiếm 6%.
- Vụ Đông Xuân 2015-2016 có 03 doanh nghiệp ký kết hợp đồng liên kết sản xuất tại các huyện tổng diện tích là 3.150 ha. Đến nay, các doanh nghiệp đã thu mua 1.771 ha/14.168 tấn lúa tươi tại các huyện Cái Bè, Cai Lậy với giá 4.500- 4.900 đ/kg tùy giống. Nhìn chung tình hình thu mua còn gặp nhiều khó khăn do thời gian này lúa chín rộ, giữa các công ty và nông dân chưa thống nhất về giá thu mua, trong khi đó thương lái bên ngoài mua giá cao hơn từ 50-100đ/kg.
* Vụ Xuân Hè: Ước trong tháng 3 gieo trồng với diện tích là 27.364 ha, nâng diện tích gieo trồng 37.898 ha chủ yếu ở các huyện phía tây. Trà lúa đang trong giai đoạn mạ, đẻ nhánh và phát triển tốt.
Cùng với việc gieo sạ cây lúa, toàn tỉnh gieo trồng được 1.886 ha bắp, tăng 4% so cùng kỳ, thu hoạch 1.269 ha, tăng 2,7%, năng suất bình quân 35,7 tạ/ha tương đương cùng kỳ với sản lượng 4.529 tấn, tăng 2,9%. Cây chất bột có củ trồng được 935 ha, giảm 4,6% so cùng kỳ, trong đó diện tích khoai mỡ là 580 ha. Cây rau đậu các loại trồng được 26.723 ha, đã thu hoạch 20.052 ha, năng suất bình quân 179,9 tạ/ha, sản lượng thu hoạch 360.730 tấn, so cùng kỳ diện tích gieo trồng tăng 18,8%, năng suất thu hoạch bình quân tăng 0,7% và sản lượng tăng 8,2 %. Trong đó, có 26.681 ha rau các loại, tăng 19,1%, đã thu hoạch 20.025 ha, tăng 7,5%, năng suất bình quân 180,1 tạ/ha, tăng 0,6% với sản lượng 360.650 tấn, tăng 8,2%.
Cây lâu năm và cây ăn quả: Toàn tỉnh hiện có 87.939 ha, tăng 0,8% so cùng kỳ, trong đó có 70.589 ha cây ăn quả. Sau tết Nguyên đán giá các loại trái cây vẫn tương đối ổn định, tình hình sâu bệnh trên cây trồng không đáng kể, tuy nhiên ngành chuyên môn vẫn khuyến cáo nhà vườn theo dõi các dịch bệnh nhằm không để lan sang diện rộng trong mùa khô này. Giá một số sản phẩm cây ăn quả chủ lực như bưởi da xanh, dứa... vẫn ở mức cao và tiêu thụ thuận lợi trong dịp Tết tạo sự phấn khởi cho người nông dân. Riêng cây nhãn tiêu giá rất thấp, thậm chí trong những ngày trước Tết Nguyên đán có nơi thương lái không đến thu mua.
Theo kết quả điều tra thời điểm 01/01/2016, tổng đàn lợn 600 ngàn con, tăng 1,6% so cùng kỳ, tương ứng tăng 9,5 ngàn con do thời điểm trước và sau Tết giá lợn hơi ổn định. Trong thời gian qua, công tác quản lý chất cấm trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người sản xuất và tiêu dùng. Đàn gia cầm 8,4 triệu con, so cùng kỳ tăng 6,7%, tương ứng tăng 0,5 triệu con, chủ yếu tăng ở đàn gà 11,8%, trong đó đàn gà thịt tăng 11,8%; nguyên nhân tăng do hiện nay dịch bệnh được khống chế, giá cả sản phẩm tăng tạo thu nhập nên nông hộ tích cực phát triển và mở rộng quy mô đàn.
b. Lâm nghiệp:
Ước tính trong quý I/2016 trồng mới được 413 ngàn cây phân tán các loại, bằng 96,3 % so với cùng kỳ do thời tiết đang vào mùa nắng nóng và khô hạn mặn nên chưa trồng cây phân tán nhiều. Trong quý khai thác được 10.836 m3 gỗ, giảm 3,9% so cùng kỳ và khai thác được 35.458 m3 củi, giảm 9,1%.
c. Thủy hải sản:
Diện tích nuôi thủy sản các loại quý I thả nuôi được 8.446 ha, giảm 17,4% so cùng kỳ. Thủy sản nước ngọt nuôi được 4.067 ha, giảm 21,8% so cùng kỳ, trong đó có 98 ha cá tra nuôi thâm canh, giảm 10,9%. Thủy sản nước mặn, lợ nuôi được 4.379 ha, giảm 12,9%, trong đó có 2.277 ha tôm sú, giảm 4,1% do các hộ nuôi tôm thâm canh đang cải tạo ao, đầm cho vụ nuôi mới, khi nào độ mặn và thời tiết thích hợp thì tiến hành thả giống. Tình hình dịch bệnh trong quý I: có 12,6 ha/8,3 triệu con tôm nuôi thâm canh, bán thâm canh ở huyện Tân Phú Đông bị dịch bệnh. Ngành Nông nghiệp đã sử dụng 4.465 kg Chlorine/11,8 ha để xử lý môi trường nuôi.
Tổng sản lượng thủy sản quý I ước tính đạt 55.433 tấn, tăng 1,5% so cùng kỳ, sản lượng nuôi trồng đạt 32.503 tấn, giảm 0,9%; sản lượng khai thác đạt 22.930 tấn, tăng 5,1%.
4. Sản xuất công nghiệp:
Chỉ số sản xuất công nghiệp quý I tăng 13,7% so với cùng kỳ. Ngành khai khoáng tăng 8,4%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,7% tập trung ở một số ngành chủ yếu sau: sản xuất chế biến thực phẩm tăng 12,3% (tăng chủ yếu do sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản tăng 19,8%), sản xuất đồ uống tăng 4,9% ; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 14%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 12,5%.
Giá trị sản xuất công nghiệp quý I theo giá so sánh 2010 thực hiện được 18.743,9 tỷ đồng, tăng 17,7% so cùng kỳ. Trong đó: khu vực kinh tế nhà nước 440,5 tỷ đồng, tăng 10,3%; khu vực kinh tế ngoài nhà nước 11.394,8 tỷ đồng, tăng 16,9%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 6.908,6 tỷ đồng, tăng 19,4%. Phân theo ngành công nghiệp: ngành công nghiệp chế biến chế tạo thực hiện 18.549,7 tỷ đồng, tăng 17,7%; ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí thực hiện 110,9 tỷ đồng, tăng 16,5%; ngành công nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý rác thải, nước thải thực hiện 83,1 tỷ đồng tăng 17,6% và ngành công nghiệp khai khoáng thực hiện 0,1 tỷ đồng, tăng 16,5% so cùng kỳ.
Có 22/32 sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng so cùng kỳ: mạch điện tử tích hợp tăng 4.085,4%; ống tuýp, ống dẫn, ống vòi khác tăng 671,4%; tàu thủy lớn chuyên chở người và hàng hóa có động cơ đẩy tăng 76%; ống và ống dẫn bằng đồng tăng 46,8%; nước đá tăng 42,1...
Có 10/32 sản phẩm công nghiệp chủ yếu giảm so cùng kỳ: dược phẩm khác chưa được phân vào đâu giảm 47,2%; bia tươi giảm 15,2%; màn bằng vải khác giảm 11,1%; bột mịn, bột thô, bột viên cá hay động vật giáp xác, thân mềm giảm 9,3%; áo sơ mi cho người lớn dệt kim hoặc đan móc giảm 9,1%...
Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 02/2016 so tháng trước tăng 66,4% và so cùng kỳ tăng 19,6%. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với cùng thời điểm năm trước là: sản phẩm gạo xay xát tăng 6,2%, sản phẩm bia đóng chai tăng 90,9%, màn bằng vải khác tăng 24,2%, sản phẩm sản xuất dược phẩm khác tăng 121,5%, sản xuất ống và ống dẫn bằng đồng tăng 76,4%... Bên cạnh đó, một số ngành có chỉ số tồn kho giảm là: thức ăn cho gia súc giảm 48,5%, thức ăn cho thủy sản giảm 60,3%, thuốc chứa pênixilin hoặc kháng sinh dạng viên giảm 91,7%...
5. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp:
Đến cuối tháng 02/2016 trên địa bàn tỉnh có 87 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký 155,1 tỷ đồng, tăng 22,5% về số doanh nghiệp và 23,6% về vốn đăng ký so cùng kỳ. Bên cạnh đó, có 28 doanh nghiệp đăng ký tăng vốn, tăng 95,4 tỷ đồng so cùng kỳ tăng 21,7% về số lượng doanh nghiệp nhưng giảm 83% số vốn đăng ký bổ sung. Ngoài ra, có 16 doanh nghiệp giải thể, tăng 08 doanh nghiệp so cùng kỳ.
Đã giải thể 02 hợp tác xã là hợp tác xã xoài An Hữu và hợp tác xã An Thái Đông. Đến cuối tháng 02/2016, toàn tỉnh hiện có 01 Liên hiệp hợp tác xã, 94 hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân và 1.452 tổ hợp tác; trong đó có 573 tổ hợp tác kinh tế hoạt động trên các lĩnh vực theo đúng Nghị định 151/NĐ-CP ngày 10/10/2007 của Chính phủ. Hiện tại có 08 hợp tác xã đang ngưng hoạt động, chiếm 9,6% tổng số hợp tác xã.
6. Thương mại, dịch vụ và giá cả:
a. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội:
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội quý I ước thực hiện được 12.891 tỷ đồng, tăng 5,8% so cùng kỳ. Chia ra: kinh tế nhà nước thực hiện 1.201 tỷ đồng, tăng 6,6%; kinh tế ngoài nhà nước đạt 11.648 tỷ đồng, tăng 5,6%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 42 tỷ đồng, tăng 22,1%. Phân theo ngành kinh tế: thương nghiệp đạt 10.421 tỷ đồng, tăng 5%; lưu trú đạt 19 tỷ đồng, tăng 5,1%; ăn uống đạt 1.100 tỷ đồng, tăng 6,6%; du lịch lữ hành đạt 16 tỷ đồng, tăng 2,9%; dịch vụ đạt 1.335 tỷ đồng, tăng 11,1% so cùng kỳ.
Về công tác xúc tiến thương mại: Trung tâm xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch Tỉnh tổ chức Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao Tiền Giang 2015 diễn từ ngày 29/12/2015 đến ngày 03/01/2016 tại đường Hùng Vương, xã Đạo Thạnh, thành phố Mỹ Tho. Hội chợ có quy mô 250 gian hàng với 100 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia với nhiều chủng loại hàng hóa phong phú, chất lượng tốt của các doanh nghiệp có uy tín của Việt Nam nói chung và Tiền Giang nói riêng. Qua 6 ngày diễn ra, hội chợ thu hút hơn 180.000 lượt người đến tham quan mua sắm, doanh thu khoảng 7,5 tỷ đồng.
b. Xuất - Nhập khẩu:
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa quý I đạt 435,3 triệu USD, tăng 17,1% so cùng kỳ; chia ra: kinh tế nhà nước thực hiện đạt 3 triệu USD, giảm 40%; kinh tế ngoài nhà nước đạt 136,2 triệu USD, tăng 3,2%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 296,2 triệu USD, tăng 26% so cùng kỳ. Trị giá xuất khẩu hàng hóa phân theo ngành sản xuất chính bao gồm 2 ngành: công nghiệp chế biến chế tạo và thương nghiệp bán buôn bán lẻ; trong đó hàng hóa xuất khẩu tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp chế biến chế tạo, ước tính quý 1 xuất 420,1 triệu USD, tăng 15,9% so cùng kỳ, trong đó ngành sản xuất chế biến thực phẩm đạt 70,8 triệu USD, tăng 2,8%, ngành sản xuất trang phục đạt 78,3 triệu USD, tăng 4,0%, ngành sản xuất da và sản phẩm có liên quan đạt 200 triệu USD, tăng 30,2%, ngành sản xuất kim loại đạt 58 triệu USD, tăng 14,4%. Ngành thương nghiệp đạt 15,22 triệu USD tăng 57,6% so cùng kỳ .
- Hàng thủy sản: ước tính quý 1 xuất 31.575 tấn, tăng 19,2% so cùng kỳ, về giá trị đạt 64,7 triệu USD, tăng 3% so cùng kỳ. Hạn hán và xâm nhập mặn đang vào giai đoạn khốc liệt, khi diện tích sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại cứ tăng từng ngày, cùng với lúa gạo, rau màu, vườn cây ăn trái… thì hàng loạt hộ nuôi thủy sản đang đối mặt với nhiều khó khăn, trong khi đó thị trường xuất khẩu cá tra đang hồi phục rất nhanh về sản lượng lẫn giá bán nên đã xảy ra tình trạng cung không đủ cầu, nhất là với các đơn hàng đi những thị trường trọng điểm như Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc. Từ những nguyên nhân trên dẫn đến giá cá tra biến động mạnh, đầu tuần giá cá tra xuất khẩu ở mức 20.500 đồng/kg thì đến ngày 15/3, giá cá được thị trường đẩy lên 21.500 đồng. Những hợp đồng bắt cá đến đầu tháng 4 tới đây được giao dịch ở mức 22.000 đồng/kg nhưng người dân vẫn chưa ký với doanh nghiệp do lo ngại không đủ nguyên liệu cung cấp.
- Hàng rau quả: ước tính quý 1 xuất 1.498 tấn, tăng 36,1% so cùng kỳ, về giá trị đạt 2,3 triệu USD, tăng 62% so cùng kỳ. Trong quý 1, thị trường xuất khẩu hàng rau quả nông sản nói chung và trái cây nói riêng vẫn chưa ổn định.
- Mặt hàng gạo: ước tính quý 1 xuất 34.062 tấn, tăng 70,7% so cùng kỳ, về trị giá đạt 15,2 triệu USD, tăng 58,2% so cùng kỳ. Thời điểm này đang vào mùa thu hoạch vụ lúa Đông Xuân 2015 - 2016, như mọi năm Hiệp hội lương thực Việt Nam thường đề nghị Chính phủ thực hiện mua tạm trữ lúa gạo cho nông dân, năm nay với diễn biến thị trường xuất khẩu tương đối thuận lợi, nhu cầu nhập khẩu của một số nước châu Á (thị trường nhập khẩu gạo chính của Việt Nam), tăng mạnh. Trong khi đó lượng gạo tồn kho của doanh nghiệp ở mức thấp, hợp đồng xuất khẩu chờ thực hiện còn nhiều và dự báo có một lượng lớn lúa hàng hóa bị thiệt hại do hạn và xâm nhập mặn... do đó áp lực tiêu thụ lúa đông xuân2015-2016 không cao như mọi năm. Với tình hình trên giá lúa gạo xu hướng tăng mạnh; cụ thể giá thu mua của công ty lương thực tỉnh như sau: lúa hè thu IR50404 khô vụ Đông xuân giá từ 5.700 - 5.800 đồng/kg tăng 300 đồng, gạo nguyên liệu IR 50404 giá 6.950 - 7.050 đồng/kg tăng 250 đồng, gạo thành phẩm vụ Đông xuân loại 5% tấm giá 8.000 - 8.050 đồng/kg tăng 500 đồng, loại 10% tấm giá 7.900 - 7.950 đồng/kg tăng 450 đồng, loại 25% tấm giá 7.700 - 7.750 đồng/kg tăng 350 đồng so tháng trước. Với giá lúa và gạo đang cao, các đơn hàng xuất khẩu tăng trưởng ổn định, trong khi đó lượng gạo tồn kho các doanh nghiệp thấp so năm 2015; đến ngày 16/3 lượng gạo tồn kho của công ty lương thực Tiền Giang và công ty Việt Hưng 63.635 tấn quy gạo.
- Hàng dệt may: ước tính quý 1 xuất 31.290 ngàn sản phẩm, tăng 115,9%, về trị giá đạt 78,3 triệu USD, tăng 4,1% so cùng kỳ. Nhiều doanh nghiệp dệt may không khỏi lo ngại trước những khó khăn thách thức trong việc xuất khẩu hàng may mặc.
Ngoài các mặt hàng chủ yếu, trị giá xuất khẩu mặt hàng giày dép, sản phẩm bằng nhựa, túi xách, ống đồng đang phát triển mạnh. Ước tính quý 1 trị giá xuất khẩu giày dép các loại đạt 90,27 triệu USD tăng 36,8%, túi xách sản phẩm bằng nhựa đạt 116,6 triệu USD tăng 29,0%, sản phẩm kim loại đạt 54,61 triệu tăng 7,5% so cùng kỳ.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa thực hiện 238,8 triệu USD, giảm 17,9% so cùng kỳ; trong đó: kinh tế ngoài nhà nước thực hiện 33,5 triệu USD, giảm 48,2%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện 205,3 triệu USD, giảm 9,2% so cùng kỳ. Giá trị hàng nhập khẩu tập trung chủ yếu ngành công nghiệp chế biến chế tạo chiếm 99,1% trị giá nhập khẩu, giá trị đạt 236,8 triệu USD, giảm 17,9% so cùng kỳ; trong đó trị giá hàng nhập khẩu cho ngành sản xuất chế biến thực phẩm đạt 31,7 triệu USD, giảm 26,7%, ngành may mặc đạt 47,5 triệu USD, giảm 55,1%, sản xuất da và các sản phẩm liên quan đạt 113,9 triệu, tăng 40,5%.
c. Vận tải:
Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải quý I thực hiện 469,4 tỷ đồng chủ yếu thuộc thành phần kinh tế ngoài nhà nước, tăng 4,3% so cùng kỳ. Vận tải đường bộ thực hiện 288,8 tỷ đồng, tăng 4%; vận tải đường sông thực hiện 168,1 tỷ đồng, tăng 4,5%; vận tải đường biển thực hiện 12,4 tỷ đồng, tăng 10%.
Vận chuyển hành khách đạt 8.183 ngàn lượt khách, giảm 3,3% và luân chuyển được 294.048 ngàn lượt khách.km, giảm 2,5% so cùng kỳ, trong đó vận chuyển của cơ sở kinh tế cá thể đạt 5.808 ngàn lượt khách và luân chuyển được 222.606 ngàn lượt khách.km. Vận tải đường bộ thực hiện 6.056 ngàn lượt khách, giảm 4,8% và luân chuyển được 289.852 ngàn lượt khách.km, giảm 2,2% so cùng kỳ. Vận tải đường sông thực hiện 2.127 ngàn lượt khách, tăng 1,1% và luân chuyển được 4.196 ngàn lượt khách.km, giảm 19,6%.
Vận chuyển hàng hóa đạt 3.390 ngàn tấn, giảm 2,1% và luân chuyển được 332.723 ngàn tấn.km, tăng 3,8% so cùng kỳ; trong đó cơ sở kinh tế cá thể đạt 1.333 ngàn tấn và luân chuyển được 109.585 ngàn tấn.km. Vận tải đường bộ thực hiện 926 ngàn tấn, giảm 11,1% và luân chuyển được 83.814 ngàn tấn.km, giảm 4,8% so cùng kỳ. Vận tải đường sông thực hiện 2.464 ngàn tấn, tăng 1,7% và luân chuyển được 248.909 ngàn tấn.km, tăng 7,1%.
* Phương tiện giao thông: Tổng số xe đang quản lý trên địa bàn tỉnh 950.483 chiếc, trong đó mô tô xe máy: 927.273 chiếc, 23.386 xe ô tô, 107 xe ba bánh và 77 xe khác.
d. Bưu chính viễn thông:
Doanh thu dịch vụ bưu chính, viễn thông đạt 446,2 tỷ đồng, tăng 0,8% so cùng kỳ; trong đó: bưu chính doanh thu đạt 12,4 tỷ đồng, tăng 1,9%; viễn thông đạt 433,8 tỷ đồng, tăng 0,7%. Tổng số thuê bao điện thoại có trên mạng đến cuối tháng 3 năm 2016 là 162.043 thuê bao (chỉ tính thuê bao cố định và di động trả sau). Thuê bao điện thoại bình quân đạt 9,38 thuê bao/100 dân. Trong quý I số thuê bao điện thoại giảm 1.100 thuê bao (cố định giảm 700 thuê bao, di động trả sau giảm 400 thuê bao). Tổng số thuê bao Internet trên mạng ước tính đến tháng 3 năm 2016 là 78.522 thuê bao. Mật độ Internet bình quân ước đạt 4,55 thuê bao/100 dân. Số thuê bao điện thoại di động có sử dụng internet (3G) đến cuối tháng 2 năm 2016 là 295.970 thuê bao.
e. Du lịch:
Ước tính lượng khách du lịch đến tỉnh trong quý I đạt 390,5 ngàn lượt, tăng 1,6% so cùng kỳ, trong đó khách quốc tế đạt 130,4 ngàn lượt, giảm 2,3% so cùng kỳ. Doanh thu hoạt động lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành đạt 1.134,4 tỷ đồng, tăng 6,5%; trong đó doanh thu dịch vụ lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch chiếm 1,4%.
Quý 1 là thời điểm diễn ra Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, cán bộ, viên chức, người lao động được nghỉ liên tục 9 ngày, do thời gian nghỉ kéo dài nên lượng khách du lịch trong tỉnh và đến Tiền Giang tăng mạnh so với ngày thường và tăng so năm 2015. Các điểm vui chơi, giải trí như: các câu lạc bộ văn hóa, đội chiếu phim, rạp chiếu bóng Định Tường, rạp hát Thầy Năm Tú,… đã tổ chức nhiều buổi sinh hoạt với nhiều hình thức: đờn ca tài tử, hát với nhau, khiêu vũ, hát karaoke, văn nghệ quần chúng, thu hút hàng vạn lượt người đến sinh hoạt và dự xem. Các khu di tích, lịch sử trên địa bàn tỉnh đã đón 46.850 lượt khách tham quan, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2015.
Về hoạt động xúc tiến du lịch: Trong quý 1, Trung tâm xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch nhận được 14 cuộc gọi đến tổng đài Hỗ trợ khách du lịch đề nghị hỗ trợ thông tin du lịch Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác, du lịch tại Thới Sơn; thông tin về du lịch Trà Vinh, Xẻo Quýt - Đồng Tháp; tư vấn về du lịch tại Tiền Giang; số điện thoại khu di tích chiến thắng Ấp Bắc, Trại rắn Đồng Tâm, xe khách Phương Trang, Khu du lịch Đại Nam, Nhà khách Chương Dương,... Trạm hướng dẫn du lịch Thới Sơn: Trong quý có 22 lượt khách du lịch ghé trạm hỏi các điểm du lịch tại Thới Sơn.
f. Chỉ số giá:
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 năm 2016 tăng 0,63% (thành thị tăng 0,65%, nông thôn tăng 0,62%) so với tháng trước; so với cùng tháng năm trước tăng 2,15%; so với tháng 12 năm trước tăng 0,68%. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý I so cùng kỳ năm trước tăng 1,73%. Nhằm đảm bảo việc ổn định thị trường giá cả, Ủy ban tỉnh ban hành Kế hoạch số 660/KH-UBND ngày 25/12/2015 về việc dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016 với tổng giá trị hàng hóa phục vụ toàn tỉnh khoảng 48,7 tỷ đồng gồm: gạo, đường, dầu ăn, bột ngọt, thịt gia súc, thịt gia cầm; từ đó tác động đến giá cả hàng hóa và dịch vụ trên thị trường Tết khá ổn định, không có tình trạng đầu cơ gâm hàng gây khan hiếm hàng tăng giá đột biến, góp phần kiềm hãm tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng. Đối với các mặt hàng tham gia bình ổn giá, giá bán tại cửa hàng thấp hơn giá ngoài thị trường từ 3 - 5%. Thị trường chợ hoa Tết năm nay khá nhiều chủng loại, giá cả các loại hoa so với Tết năm 2015 không có biến động nhiều. Cụ thể từ ngày 25 đến ngày 28 Tết, giá hoa vạn thọ loại cây thấp giá phổ biến từ 15-20 ngàn đồng/chậu, loại cây cao: 40-50 ngàn đồng/chậu; hoa cúc từ 20-30 ngàn đồng/chậu, cây quất cao 1,2m giá 200-250 ngàn đồng/cây, cành mai vàng cao 1,2m giá từ 50 - 120 ngàn đồng/cành, nhưng đến ngày 29 tết giá các loại hoa kiểng như: vạn thọ, hoa cúc giá bán giảm nhẹ. Cụ thể: hoa vạn thọ, hoa cúc giá giảm xuống còn 10-15 ngàn đồng/chậu...
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 03 nhóm tăng: thuốc và dịch vụ y tế tăng 20,5%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,07%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,6%. Có 02 nhóm hàng ổn định (bưu chính viễn thông và giáo dục). Riêng tháng này là tháng sau Tết nên có đến 06 nhóm hàng chỉ số giá giảm: hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,17% (trong đó: lương thực tăng 0,2%, thực phẩm giảm 0,3% và ăn uống ngoài gia đình giảm 0,01%); đồ uống và thuốc lá giảm 0,8%; may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,6%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,13%; thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,01% và nhóm giao thông giảm 4%. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 năm 2016 tăng chủ yếu là do:
- Từ ngày 01/3/2016 giá dịch vụ y tế tăng 24,7% do thực hiện Công văn số 145/SYT-KHTC ngày 14/01/2016 của Sở Y tế tỉnh Tiền Giang về việc thực hiện giá thu các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC của Bộ Y tế và Bộ Tài chánh.
- Hiện nay địa phương đang vào giai đoạn cuối vụ thu hoạch lúa vụ Đông xuân 2015-2016; mặt khác các thương lái thu gom lúa gạo để đáp ứng cho các hợp đồng xuất khẩu gạo sang Indonexia và Philippine, dẫn đến giá gạo thị trường nội địa tăng lên.
Bên cạnh đó, tháng 03/2016 là tháng sau Tết, sức mua giảm nên có nhiều yếu tố làm giảm CPI như: nhóm đồ uống thuốc lá, may mặc, thiết bị và đồ dùng trong gia đình... cùng với đó giá xăng dầu, gas, vé xe ô tô khách và giá cước xe taxi giảm liên tục, góp phần kiềm hãm tốc độ tăng chung chỉ số giá tiêu dùng tháng 3/2016 tăng 0,63% so tháng trước.
II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
1. Lao động, giải quyết việc làm:
Giải quyết việc làm: tư vấn cho 3.593 lượt lao động (đạt 20% kế hoạch năm), giới thiệu việc làm cho 655 lượt lao động (đạt 13,1% kế hoạch năm) và đã giới thiệu cho 479 lao động có được việc làm ổn định. Năm 2016, tổng nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm 84.140 triệu đồng, trong đó vốn Trung ương là 67.475triệu đồn. Tính đến cuối tháng 02/2016, đã giải ngân cho 45 hộ vay, với doanh số cho vay là 1.013 triệu đồng, thu nợ 2.181 triệu đồng, dư nợ 80.656 triệu đồng với 6.439 hộ còn dư nợ.
Xuất khẩu lao động: tư vấn xuất khẩu lao động cho 186 lượt lao động và có 33 lượt lao động đăng ký tham gia; từ đầu năm đến nay có 40 lao động xuất cảnh lao động sang Nhật Bản đạt 26,7% kế hoạch năm.
Giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp: tiếp nhận 1.806 người đăng ký thất nghiệp, trong đó có 2.022 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp với tổng số tiền chi trả tương đương 15,7 tỷ đồng.
Quý I/2016 đã vận động ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được 1.072 triệu đồng, đạt 11% kế hoạch năm, tổ chức bàn giao đưa vào sử dụng 06 ngôi nhà tình nghĩa với tổng kinh phí 245 triệu đồng đạt 5% kế hoạch năm
2. Đời sống dân cư và an sinh xã hội:
Quý 1 năm 2016 là thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Trong điều kiện kinh tế Tiền Giang cũng như cả nước còn gặp nhiều khó khăn, giá cả nhiều biến động, thời tiết bất thường, dịch bệnh… luôn có nguy cơ tái phát và lây lan trên diện rộng, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất và đời sống nhân dân. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội lập kế hoạch tổ chức thăm hỏi, tặng quà và trợ cấp cho 67.504 đối tượng hộ chính sách, người có công, 17.270 hộ nghèo và 1.693 người cao tuổi.
Có 242.251 suất quà tặng trong dịp Tết với tổng trị giá hơn 57 tỷ đồng. Bên cạnh đó Ủy ban Mặt trận tổ quốc các cấp tổ chức xây dựng và bàn giao 31 căn nhà cho người nghèo, mỗi căn trị giá 20 - 30 triệu đồng.
3. Giáo dục - đào tạo:
Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận các huyện, thành, thị đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non và tiểu học 2015 và đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận tỉnh Tiền Giang đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non và tiểu học năm 2015.
Tổ chức cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh có 82 sản phẩm dự thi, 54 sản phẩm đạt giải lĩnh vực, chung cuộc có 9 sản phẩm đạt giải, chọn 6 sản phẩm dự thi cấp Quốc gia. Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia THPT đạt 10 giải, giảm 2 giải so với năm 2015, xếp hạng thứ ba khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sau Cần Thơ đạt 24 giải và Đồng Tháp đạt 19 giải.
Báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo phương án tổ chức cụm thi trung học phổ thông quốc gia năm 2016 tỉnh Tiền Giang cho các thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp cùng với thí sinh dự thi tại cụm thi do trường Đại học chủ trì trên địa bàn tỉnh.
4. Chăm sóc sức khỏe:
Bệnh truyền nhiễm: so cùng kỳ tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và có chiều hướng tăng ở một số bệnh như: sốt xuất huyết tăng 293,4%; quai bị tăng 19,6%, tiêu chảy tăng 11,8%, viêm gan virus tăng 08 cas; đặc biệt có 03 bệnh cùng kỳ không phát sinh, chỉ mới ghi nhận trong quý 1 năm 2016, gồm: viêm não virus 02 cas, Rubella 01 cas, xoắn khuẩn vàng da 01 cas. Các bệnh còn lại có số cas mắc giảm hoặc không phát sinh như thương hàn giảm 33,3%, thủy đậu giảm 46%, tay - chân - miệng giảm 11,6%, cúm giảm 15 cas.
Ngộ độc thực phẩm: trong tháng 3 trên địa bàn xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo xảy ra 01 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể với 37 người mắc (bếp ăn tập thể Công ty trách nhiệm hữu hạn Daechang Vina); nguyên nhân ngộ độc: nghi ngờ thức ăn nhiễm vi sinh. Tính đến thời điểm này toàn tỉnh đã xảy ra 03 vụ ngộ độc thực phẩm với tổng số người mắc 133 người; tăng 02 vụ so với cùng kỳ năm 2015; có 2.870/3.036 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm được kiểm tra đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, đạt tỷ lệ 94,5%.
Công tác khám chữa bệnh vẫn thường xuyên quá tải bệnh viện tuyến tỉnh, số lượt người khám bệnh 1.319.712 lượt người, tăng 2,4% so cùng kỳ; trong đó: số lượt người điều trị nội trú 57.341 lượt người, tăng 14,3%; công suất sử dụng giường bệnh bình quân của các cơ sở điều trị đạt 92%, bệnh viện tuyến tỉnh đạt 112%, các bệnh viện chuyên khoa đạt 87,1%, bệnh viện tuyến huyện đạt 52,6%, các phòng khám đa khoa khu vực 49%.
5. Văn hóa - thể thao - phát thanh truyền hình:
Công tác tuyên truyền, cổ động trực quan trong dịp Tết Nguyên Đán Bính Thân năm 2016 được chú trọng, nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân vào những ngày Tết, đặc biệt chào mừng 86 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng thành công tốt đẹp. Tổ chức 16 cuộc trưng bày triển lãm với nhiều nội dung như: triển lãm thành tựu kinh tế, văn hoá-xã hội, an ninh-quốc phòng; triển lãm ảnh nghệ thuật; trưng bày kiểng bonsai; triển lãm hình ảnh, hiện vật với nội dung nói về Đảng, Bác Hồ và Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh… phục vụ trên 800.000 lượt người xem. Các hoạt động đón Xuân vui Tết tổ chức được diễn ra lành mạnh, 4 điểm bắn pháo hoa trên địa bàn tỉnh được đảm bảo an toàn, tình hình an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ được đảm bảo; công tác đưa đón khách du lịch qua bến tàu an toàn tuyệt đối, các điểm bán hàng tại khu du lịch tương đối bình ổn giá, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tình hình karaoke di động, nhạc sống được quản lý tốt, không còn diễn ra nhiều như thời gian trước Tết gây bức xúc trong nhân dân.
Trung tâm Thể dục Thể thao tỉnh phối hợp Báo Ấp bắc tổ chức giải Việt dã truyền thống Báo Ấp Bắc lần thứ 33; Đội cử tạ tham dự giải vô địch cử tạ trẻ thành phố Hồ Chí Minh mở rộng lần V - năm 2016, đạt hạng Nhì toàn đoàn.
6. Tai nạn giao thông:Theo báo cáo của ngành Công an đến hết 15/2:
Giao thông đường bộ: tai nạn xảy ra 83vụ, làm chết 47 người, làm bị thương 64 người; so cùng kỳ tai nạn tăng 28 vụ, số người chết tăng 25 người, số người bị thương tăng 13 người. Vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ xảy ra 11.936 vụ, so cùng kỳ giảm 3.170 vụ, phạt tiền 3.496 vụ với số tiền 5.820 triệu đồng.
Giao thông đường thủy: từ đầu năm đến nay xảy ra 02 vụ tai nạn, tương đương so cùng kỳ. Vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy xảy ra 2.743 vụ, so cùng kỳ tăng 525 vụ, phạt tiền 2.235 vụ với số tiền phạt 233 triệu đồng.
7. Tình hình cháy nổ, môi trường:
Phòng chống cháy, nổ: tổng số vụ cháy xảy ra trong quý I là 08 vụ, giảm 04 vụ so với cùng kỳ, tổng tài sản thiệt hại ước tính khoảng 2,7 tỷ đồng, không có thiệt hại về người.
Môi trường: trong quý I đã phát hiện và xử lý 09 vụ, chủ yếu về Tài nguyên khoáng sản với tổng số tiền xử phạt là 734,5 triệu đồng./.
Cục Thống kê tỉnh Tiền Giang