Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 02/05/2016-16:52:00 PM
Hội thảo Khởi động đợt khảo sát lần 2 tình hình thực hiện cam kết toàn cầu về hợp tác phát triển hiệu quả năm 2016
(MPI) – Để chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao lần thứ 2 Nhóm quan hệ đối tác toàn cầu về hợp tác phát triển hiệu quả (GPEDC) dự kiến tổ chức tại Narobi, Kenya vào tháng 11/2016, ngày 26/4/2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo Khởi động đợt khảo sát lần 2 tình hình thực hiện cam kết toàn cầu về hợp tác phát triển hiệu quả năm 2016, theo dõi tiến độ đạt được trong việc thực hiện các cam kết phát triển tại Busan năm 2011.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Minh Trang (MPI Portal)

Hội thảo do ông Cao Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Điều phối viên quốc gia cuộc khảo sát chủ trì với sự tham dự của các nhà tài trợ tại Việt Nam, đại diện các bộ, ngành liên quan, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và đại diện các tổ chức xã hội nghề nghiệp tại Việt Nam cùng các chuyên gia tư vấn.

Nhóm Quan hệ đối tác toàn cầu về hợp tác phát triển có hiệu quả (GPEDC) được thiết lập tại Diễn đàn cấp cao lần thứ 4 về hiệu quả viện trợ (HLF-4) tổ chức tại Busan, Hàn Quốc năm 2011 với sự tham gia của 161 quốc gia và 54 tổ chức quốc tế. Đây là một diễn đàn chính trị tập hợp tất cả các nhân tố phát triển bao gồm các tổ chức quốc tế, chính phủ các nước, đại diện quốc hội, các tổ chức xã hội dân sự, khu vực tư nhân… trên toàn cầu. GPEDC đã đưa ra các cam kết toàn cầu về hợp tác phát triển hiệu quả, tạo điều kiện thúc đẩy các đối tác phát triển đóng góp vào quá trình thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (SDGs).

Để theo dõi tiến độ thực hiện các cam kết tại Busan, GPEDC thực hiện các cuộc khảo sát ở quốc gia và toàn cầu 2 năm một lần trước thềm Hội nghị cấp cao. Cuộc khảo sát lần 1 được thực hiện năm 2013 với sự tham gia của 46 quốc gia tiếp nhận viện trợ và 77 quốc gia và tổ chức hỗ trợ phát triển. Kết quả của cuộc khảo sát được trình bày tại Hội nghị cấp cao lần thứ 1 của GPEDC tại Mexico vào tháng 4, năm 2014. Tiến tới chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao lần thứ 2 vào tháng 11 tới tại Nairobi, Kenya, GPEDC đang tiến hành cuộc khảo sát lần 2 để đánh giá tiến độ đạt được về hợp tác phát triển kể từ khi GPEDC được thành lập tại Busan năm 2011. Cuộc khảo sát này đồng thời xác định những thách thức và giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả hợp tác phát triển ở cấp quốc gia và toàn cầu.

Là một trong những quốc gia đi tiên phong trong việc thực hiện các cam kết về đối tác toàn cầu, Việt Nam đã tích cực tham gia khảo sát lần 1 năm 2013 và hiện nay đang tham gia khảo sát lần 2 năm 2016. Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là cơ quan đầu mối, chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và các đối tác phát triển triển khai thực hiện các cam kết đối tác về hợp tác phát triển có hiệu quả tổ chức Hội thảo khởi động Cuộc khảo sát lần 2 – năm 2016 nhằm phổ biến cho các đối tác phát triển ở Việt Nam (các cơ quan chính phủ, các nhà tài trợ, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội, khu vực tư nhân,…) về khung khổ, phương pháp luận, cách tiếp cận và quá trình thực hiện khảo sát để các đối tác phát triển chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho đợt khảo sát này.

Ông Cao Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Minh Trang (MPI Portal)

Tại Hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại Cao Mạnh Cường nhấn mạnh 4 nguyên tắc của hợp tác phát triển hiệu quả, đó là: (i) phát huy vai trò làm chủ của quốc gia đối với những ưu tiên phát triển; (i) tập trung vào các kết quả phát triển; (iii) huy động sự tham gia rộng rãi vào quá trình phát triển; và (iv) minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Mục tiêu của Cuộc khảo sát năm 2016 của GPEDC là tiếp tục theo dõi tiến độ thực thi cam kết hợp tác phát triển hiệu quả ở Việt Nam, cung cấp cái nhìn về tình hình thực hiện dựa trên 8 chỉ số theo dõi đối với các mục tiêu 2015, hỗ trợ trách nhiệm giải trình chung, khuyến khích các bên liên quan hành động theo các cam kết, tăng cường đối thoại trên diện rộng cấp nhà nước và truyền tải thông điệp đối thoại toàn cầu, học hỏi và khuyến khích các hiệp định về hành động ưu tiên.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã gửi tới các đại biểu tham dự Hội thảo bảng câu hỏi khảo sát được xây dựng riêng cho từng chỉ số và từng đối tượng tham gia. Các chỉ số đánh giá bao gồm (i) Hợp tác phát triển có tập trung vào các kết quả nhằm đáp ứng các ưu tiên phát triển của các nước đang phát triển hay không? (ii) Các tổ chức xã hội có được chính phủ và các nhà tài trợ tạo điều kiện để huy động tối đa sự tham gia và đóng góp vào phát triển? (iii) Sự tham gia và đóng góp vào phát triển của khu vực tư nhân; (iv) Tính dự báo trước các nguồn vốn hợp tác phát triển; (v) Viện trợ có được giám sát bởi quốc hội hay không? (vi) Chia sẻ trách nhiệm chung giữa các nhân tố phát triển có được tăng cường thông qua các lần đánh giá toàn diện; (vii) Mức độ bình đẳng giới và tăng quyền cho nữ giới; (viii) Hệ thống thể chế về tài chính, đấu thầu của các nước đang phát triển có được tăng cường và sử dụng bởi các nhà tài trợ hay không./.

Nguyễn Hương - Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2047
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)