Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 28/04/2016-16:10:00 PM
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng năm 2016 tỉnh Kiên Giang

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

a. Nông nghiệp:Sản xuất nông nghiệp trong tháng 4 tập trung chống hạn và thu hoạch dứt điểm diện tích lúa, hoa màu vụ Đông xuân, chuẩn bị tốt gieo trồng lúa vụ Xuân hè, Hè thu theo đúng lịch thời vụ.

*Vụ Đông xuân:Diện tích gieo sạ 301.078 ha, đạt 98,71% kế hoạch, giàm 1,29% so KH và giảm 2,04% (6.266 ha) so cùng kỳ, đến nay (15/4/2016) đã thu hoạch được 293.185 ha, đạt 95,39% so với cùng kỳ, năng suất ước tính 63,50 tạ/ha.

Diện tích lúa Đông xuân do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiễm mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, làm diện tích lúa bị thiệt hại: 6.505 ha (An Biên 6.299 ha, U Minh Thượng 206 ha) trong đó thiệt hại không cho thu hoạch 3.202ha.

* Vụ Xuân hè: Mặc dù ngành chức năng khuyến cáo nông dân không nên sản xuất vụ Xuân hè để chuẩn bị cho việc cày ải, phơi đất chuẩn bị vụ hè thu, hiện vẫn có huyện Gò Quao nông dân đã gieo sạ với diện tích 1.456 ha, đạt 14,80% so cùng kỳ.

* Vụ Hè thu:Tính đến thời điểm này toàn tỉnh mới chỉ xuống giống được 112.129 ha, đạt 37,13% so với kế hoạch, tập trung ở các huyện: Giồng Riềng 40.443 ha, Tân Hiệp 35.418 ha, Giang Thảnh 17.000 ha, Hòn Đất 10.000 ha, Châu Thành 7.310 ha, Rạch Giá 658 ha và Gò quao 1.300 ha.

Tình hình nhiễm sâu bệnh trên lúa hè thu với diện tích 2.234 ha, giảm 15,41% so cùng kỳ năm trước, chủ yếu là bệnh đạo ôn lá diện tích nhiễm là 1.720 ha xuất hiện ở huyện Giồng Riềng và Giang Thành, còn lại là bệnh Bù lạch, rầy nâu, vàng lùn…Tuy nhiên, do tình hình thời tiết nắng nóng, khô hạn kéo dài có thể ảnh hưởng đến thời kỳ sinh trưởng của cây lúa và sâu bệnh phát sinh. Vì vậy, đề nghị các ngành chức năng cần hướng dẫn bà con nông dân thăm đồng thường xuyên để nhằm phát hiện sớm, phòng trừ sâu bệnh kịp thời.

* Cây màu:Tính từ đầu năm trên toàn tỉnh đã trồng được các loại cây màu chủ yếu như: Dưa hấu trồng được 760ha, bằng 80,25% so cùng kỳ; khoai lang 765ha, tăng 49,71%; rau đậu các loại 3.733 ha, tăng 11,63% so cùng kỳ năm trước...

* Chăn nuôi:Đàn gia súc gia cầm trong tỉnh không có biến động lớn, số lượng đàn bò, đàn heo, đàn gia cầm giá đang ổn định ở mức khá cao, chăn nuôi tương đối có hiệu quả nên qui mô đàn đang có xu hướng tăng lên.

Trong tháng tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt nên chưa phát hiện ổ dịch nào. Hiện nay thời tiết nắng nóng kéo dài bất thường dễ phát sinh dịch bệnh, để phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm ngành chức năng và chính quyền các địa phương cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền cho nông dân đảm bảo vệ sinh chuồng trại chăn nuôi và tiêm phòng đầy đủ.

b. Lâm nghiệp:

Thời tiết hiện đang nắng nóng, khô hạn kéo dài kết hợp gió to, mặc dù các ngành chức năng có cảnh báo và lên kế hoạch phòng chống cháy rừng, nhưng vào đầu tháng 4 xảy ra 02 vụ cháy rừng làm thiệt hại 1,2 ha rừng tràm (huyện Giang Thành 01 vụ, Phú Quốc 01 vụ), xảy ra 6 vụ vi phạm chặt phá rừng (huyện An Minh 01 vụ, Phú Quốc 05 vụ) với diện tích khoảng 0,845 ha. Tính chung từ đầu năm đến nay, trên toàn tỉnh xảy ra 02 vụ cháy rừng với diện tích trên 1,2 ha; xảy ra 13 vụ phá rừng, tăng gấp 4 lần năm trước với trên 1,4ha rừng bị phá. Với tình hình nắng nóng gay gắt như hiện nay, tình hình cháy rừng rất dễ xảy ra, ngành lâm nghiệp cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bà con ta thường xuyên nâng cao trách nhiệm bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng hơn nữa để hạn chế việc xảy ra cháy rừng trong thời gian tới.

c. Thủy sản:

Giá trị sản xuất thủy sản(theo giá so sánh 2010): Tháng 4 ước 1.637,62 tỷ đồng, tăng 9,97% so với tháng trước và tăng 18,39% so với cùng kỳ năm trước. Bao gồm: Giá trị khai thác 1.108,60 tỷ đồng, tăng 1,73% so tháng trước và tăng 6,33% so cùng kỳ và giá trị nuôi trồng 529,01 tỷ đồng, tăng 32,44 % so tháng trước và tăng 55,31% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng giá trị sản xuất cả khai thác và nuôi trồng là 6.139,74 tỷ đồng, đạt 25,43% kế hoạch năm và tăng 11,12% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: khai thác 4.339,95 tỷ đồng, đạt 34,26% và tăng 9,74% so cùng kỳ; nuôi trồng 1.799,79 tỷ đồng, đạt 15,68% kế hoạch, tăng 14,60% so cùng kỳ năm trước.

Tổng sản lượng thủy sản(khai thác và nuôi trồng):tháng 4 ước tính đạt 50.713 tấn, tăng 2,62 % so tháng trước và tăng 2,20% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đạt 202.652 tấn, đạt 29,27% kế hoạch năm và tăng 3,16% so cùng kỳ năm trước.

Sản lượng khai thác:Tháng 4 ước tính đạt 42.943 tấn thủy hải sản các loại, tăng 1,99% (tăng 837 tấn) so tháng trước. Trong đó: cá các loại là 30.820 tấn, tăng 1,76% (tăng 534 tấn); tôm: 3.090 tấn, tăng 6,22% (tăng 181 tấn); mực: 5.331 tấn, tăng 1,99%...

Tính chung 4 tháng sản lượng khai thác đạt 166.930 tấn, bằng 33,44% kế hoạch năm và tăng 7,52% so cùng kỳ năm trước (tăng 11.670 tấn), trong đó: cá các loại được 120.179 tấn, tăng 13,20% (tăng 14.018 tấn); tôm: 11.660 tấn, giảm 10,01% (giảm 1.297 tấn); mực: 21.090 tấn, tăng 5,14% (tăng 1.031 tấn)...

Sản lượng khai thác 4 tháng đầu năm tăng trưởng ổn định một mặt do thời tiết thuận lợi, mặt khác chi phí chuyến biển và giá cả sản phẩm khai thác cũng khá ổn định nên ngư dân yên tâm bám biển dài ngày.

Sản lượng nuôi trồng:Tháng 4 ước đạt 7.770 tấn thủy sản các loại, tăng 6,25% so tháng trước (tăng 457 tấn) và giảm 9,98% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, cá các loại 2.435 tấn, giảm 25,17%; tôm thẻ chân trắng 445 tấn, giảm 6,90%; riêng tôm sú được 2.377 tấn, tăng hơn 2 lần (tăng 1.716 tấn); thủy sản khác như sò các loại 1.765 tấn, giảm 131 tấn; cua: 208 tấn, tăng 16 tấn...

Tính chung 4 tháng sản lượng nuôi trồng được 35.722 tấn, đạt 18,51% kế hoạch, bằng 86,75% (giảm 5.457 tấn) so cùng kỳ năm trước, trong đó: Cá nuôi các loại 14.041 tấn, giảm 14,19% (giảm 2.321 tấn); tôm các loại 8.577, tăng 54,82% (tăng 3.037 tấn), trong đó: tôm sú được 4.643 tấn, tăng 62,57% (tăng 1.787 tấn); tôm thẻ chân trắng 2.324 tấn, giảm 13,41%; riêng thủy sản khác như: sò nuôi được 11.491 tấn, giảm 4.562 tấn; cua: 973 tấn, giảm 62 tấn ...

Sản lượng cá nuôi nước ngọt trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm giảm nhiều do thời tiết khô hạn kéo dài, nước mặn vào sâu trong đất liền làm giảm diện tích thả nuôi. Riêng sản lượng thủy sản khác giảm mạnh từ lượng sò nuôi của huyện Kiên Lương và Hòn Đất.

Các cơ sở nuôi tôm công nghiệp vùng Tứ giác Long Xuyên cũng như các vùng khác trong tỉnh đã tích cực cải tạo, thả giống sớm hơn mọi năm. Diện tích tôm lúa thả nuôi sớm phát triển tốt đang cho thu hoạch. Hiện một số nơi nông dân đã bắt đầu có tôm thu hoạch, chủ yếu là ở những khu vực ven biển như An Minh (2.897 tấn); Vĩnh Thuận (2.238 tấn); Kiên Lương (1.639 tấn)...

Tính từ đầu vụ đến nay, diện tích tôm thả nuôi được 100.933 ha, đạt 98,25% kế hoạch năm, tăng 9,17% so cùng kỳ năm trước. Trong đó diện tích tôm công nghiệp đang thả nuôi được 791 ha, trong đó có 690 ha tôm thẻ chân trắng. Theo Chi cục chăn nuôi và Thú y tỉnh, do thời tiết nắng nóng dài ngày đã ảnh hưởng đến phát triển của tôm nuôi, tôm chậm lớn và xuất hiện tôm chết cục bộ ở một số huyện. Tính đến ngày 14/4/2016 đã có 9.786,11 ha diện tích nuôi tôm bị thiệt hại, trong đó thiệt hại do đốm trắng là 285,7 ha, thiệt hại do bệnh hoại tử gan, tụy là 32,88 ha; thiệt hại do bệnh còi là 34 ha, thiệt hại do biến động bất lợi của các yếu tố môi trường là 9.433,43 ha…hiện các nơi xảy ra dịch bệnh đã được áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp không để lây lan. Hiện nay, do thời tiết nắng nóng kéo dài và hiện tượng xâm nhập mặn sâu nên tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi diễn biến phức tạp. Các ngành chuyên môn cần tăng cường giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh để kịp thời phát hiện, xử lý nhằm giúp người dân hạn chế thiệt hại xảy ra.

2. Công nghiệp:

Chỉ số sản xuất công nghiệp:Trong tháng 4, chỉ số sản xuất toàn ngành tăng 6,87% so tháng trước và tăng 15,46% so cùng kỳ năm trước. Ngành tăng cao nhất là chế biến, chế tạo tăng 7,03%, trong đó: ngành chế biến, bảo quản thủy sản tăng 10,82%, ngành sản xuất xi măng tăng 8,39; kế đó là ngành sản xuất phân phối điện, khí đốt, nước đá tăng 5,84%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 5,89% và ngành khai khoáng tăng 4,39%...

Tính từ đầu năm đến nay, chỉ số sản xuất toàn ngành tăng 9,49% so cùng kỳ năm trước, ngành tăng cao là ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 12,96% và ngành khai khoáng tăng 12,46%. Kế đến là ngành chế biến, chế tạo tăng 9,33%, trong đó: ngành sản xuất xi măng tăng 15,73%, xay xát tăng 10,09%; ngành chế biến, bảo quản thủy sản tăng 9,81%; ngành sản xuất phân phối điện, khí đốt, nước đá tăng 6,53%;

Giá trị sản xuất công nghiệp(theo giá so sánh 2010): Tháng 4, ước tính giá trị sản xuất công nghiệp đạt 2.819,72 tỷ đồng, tăng 6,39% so tháng trước, trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 2.685,28 tỷ đồng, tăng 6,47%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 80,10 tỷ đồng, tăng 5,50%; ngành khai khoáng đạt 36,55 tỷ đồng, tăng 2,93%. Tính chung 4 tháng, giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành được 10.399,05 tỷ đồng, đạt 26,60% kế hoạch năm và tăng 9,32% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 9.892,28 tỷ đồng, tăng 9,34%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí 287,95 tỷ đồng, tăng 6,53%; ngảnh khai khoáng 143,40 tỷ đồng, tăng 12,48%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải 75,42 tỷ đồng, tăng 12,96% so cùng kỳ.

Một số sản phẩm công nghiệp 4 tháng đầu năm có mức tăng khá cao so cùng kỳ năm trước như: xi măng địa phương đạt 364,9 ngàn tấn, tăng 31,19%; xi măng Trung ương đạt 425,18 ngàn tấn, tăng 46,82%; cá đông 970 tấn, tăng 9,11%; bột cá 38,42 ngàn tấn, tăng 22,60%...

Chỉ số tiêu thụ: toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3/2016 tăng 14,27% so với tháng trước,trong đó ngành sản xuất bê tông và các sản phẩm từ xi măng tăng hơn 2 lần và ngành sản xuất xi măng tăng 64,99%. Tính chung 3 tháng đầu năm, chỉ số tiêu thụ ngành này tăng 21,37% so với cùng kỳ năm trước. Các ngành có chỉ số tiêu thụ 3 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước: cá đông lạnh tăng 29,86; phi lê cá tăng 36,3%; thủy sản ướp đông tăng 30,84%; sản xuất xi măng Porland đen tăng 17,47% ..

Chỉ số tồn khotại thời điểm 1/4/2016 giảm 31,12% so với cùng thời điểm năm 2015. Một số ngành có chỉ số tồn kho giảm thấp hơn mức giảm chung như: sản xuất chế biến thực phẩm 29,11%, xay xát và sản xuất bột thô 28,04%. Riêng ngành SX xi măng có chỉ số tồn kho tăng hơn so cùng thời điểm này năm trước là 24,34%.

Chỉ số sử dụng lao độngcủa các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm tháng 1/4/2016 giảm 1,54% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 0,19%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 3,48% và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 2,86%.

3. Vốn đầu tư:

Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng 4 ước tính 315,2 tỷ đồng, so tháng trước tăng 0,50%. Bao gồm: Vốn cân đối ngân sách địa phương 141,3 tỷ đồng; vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương được 61,80 tỷ đồng; vốn khác từ ngân sách 98 tỷ đống; vốn ngoài nước (ODA) được 14,1 tỷ đồng. Lũy kế 4 tháng vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước là 1.259,79 tỷ đồng, đạt 24,6% kế hoạch năm và bằng 90,40% so cùng kỳ năm trước. Bao gồm: Vốn cân đối ngân sách địa phương 565,24 tỷ đồng; vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương được 245,61 tỷ đồng; vốn khác từ ngân sách 392,13 tỷ đồng; vốn ngoài nước ODA 56,80 tỷ đồng.

Tiến độ triển khai đầu tư tại các khu công nghiệp: Tổng số dự án đăng ký đầu tư lũy kế đến tháng 3/2016 là 21 dự án, với tổng diện tích đăng ký là 108 ha, tổng vốn đăng ký dự kiến trên 4.866 tỷ đồng, trong đó: khu công nghiệp Thạnh lộc có 19 dự án, tổng diện tích đăng ký là 74,93 ha. Trong đó đã cấp giấy chứng nhận đầu tư 13 dự án, với tổng diện tích là 53,93 ha, vốn đăng ký 3.793 tỷ đồng; hiện tại có 9 dự án đang triển khai thực hiện, giá trị đầu tư lũy kế dự kiến thực hiện là 2.130 tỷ đồng. Khu công nghiệp Thuận Yên: có 2 dự án. Trong đó, đã cấp giấy chứng nhận đầu tư 2 dự án, với tổng diện tích đăng ký là 33,13 ha, vốn đăng ký 587,05 tỷ đồng (Dự án Nhà máy SX bột giấy Tuấn Thành và Dự án Nhá máy gạch Tuynel); dự án nhà máy gạch Tuynel đang triển khai thực hiện, giá trị đầu tư ước khoảng 120 tỷ đồng.

Về hạ tầng kỹ thuật tại các khu công nghiệp: các hạng mục thoát nước mưa đường số 1, số 2 và số 4 trong khu công nghiệp Thạnh Lộc tiếp tục triển khai thi công, tổng giá trị thực hiện ước đạt 8,3 tỷ đồng đạt 63,42% giá trị HĐ, đôn đốc đơn vị thi công hoàn thành dự án. Hạng mục đường số 1 dài 412,25 m khu công nghiệp Thạnh Lộc, giá trị thực hiện đến nay ước đạt 4,3 tỷ đồng, đạt 48,51% giá trị HĐ.

4. Thu, chi ngân sách:

Tổng thu ngân sách trên địa bàn:Tháng 4 ước tính thu ngân sách 604,26 tỷ đồng, bằng 61,38% so tháng trước và bằng 70,17% so cùng kỳ năm trước. Tổng thu ngân sách 4 tháng được 3.499,81 tỷ đồng, đạt 55,64% dự toán HĐND tỉnh giao và tăng 7,71% so cùng kỳ năm 2015. Trong đó: thu nội địa 2.808,36 tỷ đồng, đạt 56,35% dự toán và tăng 32,07% so cùng kỳ, chiếm 79,06% trong tổng thu ngân sách của tỉnh. Một số các khoản thu đạt dự toán khá cao như: Thu tiền cho thuê mặt đất, mặt nước 268,33 tỷ đồng, đạt 1,76 lần so dự toán và tăng 6,68% so cùng kỳ; thu tiền sử dụng đất 760,78 tỷ đồng, đạt 95,10% dự toán, tăng 11,72% so cùng kỳ năm trước; thu khu vực công thương nghiệp ngoài nhà nước 886 tỷ đồng, đạt 59,07% dự toán và tăng 2,18 lần so cùng kỳ; thu phí trước bạ 84,15 tỷ đồng, đạt 34% dự toán và tăng 13,44%; thu thuế bảo vệ môi trường 156,26 tỷ đồng, đạt 39,07% và tăng 2,76 lần so cùng kỳ năm trước…

Tổng chi ngân sách địa phương:Tháng 4 ước tính chi ngân sách địa phương 1.055,77 tỷ đồng, tăng tăng 2,52 lần so tháng trước và tăng 31,57% so cùng kỳ. Tính từ đầu năm tổng chi ngân sách 3.227,68 tỷ đồng, đạt 31,44% dự toán năm và tăng 4,80% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: chi thường xuyên 1.943,53 tỷ đồng, đạt 33,23% dự toán năm và tăng 2,79%; chi đầu tư phát triển 890,97 tỷ đồng, đạt 33,10% dự toán năm và tăng 69,24% so với cùng kỳ.

5. Ngân hàng:

Ước đến cuối tháng 4/2016, tổng nguồn vốn hoạt động ngân hàng trên địa bàn đạt 52.800 tỷ đồng, tăng 1,07% so với tháng trước và tăng 4,92% so với đầu năm. Trong đó, số dư huy động vốn tại địa phương đạt 29.400 tỷ đồng, tăng 0,87% so với tháng trước và tăng 4,46% so với đầu năm, chiếm 55,68% tổng nguồn vốn hoạt động.

Ước doanh số cho vay tháng 4/2016 đạt 8.000 tỷ đồng. Dư nợ cho vay đến 30/4/2016 ước đạt 40.300 tỷ đồng, tăng 1,25% so với tháng trước và tăng 4,62% so với đầu năm.

Dư nợ xấu ước 560 tỷ đồng, chiếm 1,39%/tổng dư nợ

Doanh số cho vay và dư nợ cho vay tính đến 30/4/2016 của một số lĩnh vực cụ thể:

+ Doanh số cho vay xuất khẩu tháng 3/2016 đạt 1.314 tỷ đồng, tính luỹ kế từ đầu năm đạt 3.443 tỷ đồng; dư nợ 3.696 tỷ đồng, tăng 1,65% so tháng trước và tăng 18,60% so với đầu năm và chiếm 9,29% tổng dư nợ. Doanh số và dư nợ chủ yếu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu thuỷ sản và gạo gồm: Doanh số cho vay xuất khẩu gạo tháng 3/2016 đạt 569 tỷ đồng, luỹ kế từ đầu năm đạt 1.361 tỷ đồng; dư nợ 1.187 tỷ đồng, tăng 1,45% so với tháng trước và tăng 58,50% so với đầu năm; Doanh số cho vay xuất khẩu thủy sản tháng 3/2016 đạt 745 tỷ đồng, luỹ kế từ đầu năm đạt 2.082 tỷ đồng; dư nợ 2.509 tỷ đồng, tăng 1,74% so với tháng trước và tăng 5,98% so với đầu năm.

+ Cho vay Chính sách tín dụng phát triển thuỷ sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, đến thời điểm báo cáo hiện nay, các TCTD đã thực hiện ký 13 hợp đồng tín dụng cam kết cho vay đóng mới 14 tàu (số tiền cam kết giải ngân 89,42 tỷ đồng); trong đó đã thực hiện giải ngân 79,85 tỷ đồng, dư nợ đến thời điểm báo cáo là 79,85 tỷ đồng.

+ Cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP và Nghị quyết 61/NQ-CP, đã thực hiện giải ngân cho 646 HĐTD, dư nợ 317 tỷ đồng (01 DN và 645 cá nhân).

+ Hoạt động của NHCSXH: Doanh số cho vay tháng 3/2016 đạt 137 tỷ đồng, dư nợ 2.456 tỷ đồng, tăng 1,92% so với tháng trước và tăng 1,65% so đầu năm.

Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát danh sách khách hàng đang vay vốn bị thiệt hại do thiên tai nhằm kịp thời thực hiện các biện pháp hỗ trợ phù hợp nhằm giúp khách hàng khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh. Đến thời điểm 31/3/2016, có 59 khách hàng được các ngân hàng trên địa bàn thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ với số tiền là 4.193 triệu đồng.

6. Thương mại - dịch vụ:

a. Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ phục vụ tiêu dùng:

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tính tháng 4 đạt 5.338,52 tỷ đồng, tăng 4,20% so tháng trước và tăng 12,52% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng được 21.264,84 tỷ đồng, đạt 29,45% kế hoạch và tăng 10,61% so cùng kỳ năm trước. Trong đó:

* Tổng mức bán lẻ hàng hóa: Tháng 4 ước được 4.047,65 tỷ đồng, tăng 4,07% so tháng trước và tăng 8,85% so cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng ước tính 16.295,68 tỷ đồng, đạt 29,12% kế hoạch và tăng 9,26% so cùng kỳ.

*Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống:ước tính tháng 4 ước được 610,68 tỷ đồng, tăng 7,71% so tháng trước. Tính chung 4 tháng được 2.273,39 tỷ đồng, đạt 32,48% so kế hoạch và tăng 9,47% so cùng kỳ năm trước. Chia ra:

Doanh thu dịch vụ lưu trú trong tháng ước được 126,99 tỷ đồng, tăng 2,36% so tháng trước. Tính chung 4 tháng được 460,38 tỷ đồng, tăng 10,70% so cùng kỳ năm trước.

Doanh thu dịch vụ ăn uống: Thực hiện tháng 4 ước được 483,69 tỷ đồng, tăng 9,21% so tháng trước. Tính chung 4 tháng được 1.813,00 tỷ đồng, tăng 9,16% so cùng kỳ năm trước

*Doanh thu du lịch lữ hành: Tháng 4 ước tính 13,79 tỷ đồng, tăng 19,66% so tháng trước. Tính chung 4 tháng doanh thu du lịch lữ hành được 68,44 tỷ đồng, đạt 29,76% so kế hoạch và tăng 31,93% so cùng kỳ năm trước, doanh thu lữ hành tăng cao chủ yếu là tăng từ khách quốc tế.

* Doanh thu dịch vụ khác:Tháng 4 thực hiện ước đạt 666,39 tỷ đồng, tăng 1,66% so với tháng trước. Nhiều nhóm doanh thu dịch vụ tăng nhẹ như: dịch vụ hành chính và hỗ trợ tăng 6,86%; dịch vụ sửa chữa tăng 18,57%... chỉ có nhóm dịch vụ y tế và hoạt động xã hội giảm 4,27% và nhóm dịch vụ kinh doanh bất động sản giảm 0,72%, ảnh hưởng đến doanh thu hoạt động dịch vụ trong tháng tăng nhẹ so tháng trước.

Tính chung 4 tháng doanh thu các hoạt động dịch vụ đạt 2.627,33 tỷ đồng, đạt 29,19% so kế hoạch và tăng 20,41% so cùng kỳ năm trước. Đa số các hoạt động dịch vụ doanh thu đều tăng khá cao như: nhóm dịch vụ kinh doanh bất động sản tăng cao nhất 41,83%; kế đến dịch vụ y tế và trợ giúp xã hội tăng 19,90%; nhóm dịch vụ sửa chữa đồ dùng cá nhân gia đình tăng 15,89%; Riêng nhóm dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ giảm 15,84% ....

Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trườngđược ngành Công thương chỉ đạo hoạt động thường xuyên. Trong 3 tháng đầu năm 2016, Chi cục quản lý thị trường đã kiểm tra 384 vụ việc, phát hiện 147 vụ vi phạm , gồm: 96 vụ buôn bán vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu; 05 vụ vi phạm hàng giả, hàng kém chất lượng; 03 vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm và 43 vụ vi phạm khác trong kinh doanh. Đã xử lý, thu phạt, nộp Ngân sách Nhà nước 2,54tỷ đồng.

b. Xuất, nhập khẩu hàng hóa:

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu:Tháng 4 dự tính đạt 32,10 triệu USD, tăng 16,59% so với tháng trước, bằng 97,26% so cùng kỳ năm trước. Bao gồm: Hàng nông sản 20,40 triệu USD, tăng 19,96% so tháng trước; hàng thủy sản 10,548 triệu USD, tăng 15,75% so tháng trước; hàng hóa khác 1,15 triệu USD, giảm 18,40% so tháng trước.

Tính chung 4 tháng đầu năm kim ngạch xuất thực hiện được 129,35 triệu USD, đạt 29,40% kế hoạch năm, tăng 33,04% so cùng kỳ năm trước, bao gồm: Hàng nông sản 81,67 triệu USD, đạt 32,03% kế hoạch năm, tăng 72,49% so cùng kỳ; hàng thủy sản 41,12 triệu USD, đạt 26,53% kế hoạch, giảm 1,57% ; hàng hóa khác (như bột mì, mì ăn liền, bao PP, dầu ăn …) là 6,55 triệu USD, đạt 21,84% kế hoạch, bằng 80,98% so cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân kim ngạch xuất khẩu tháng 4 tăng chủ yếu do các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã có hợp đồng mới và xuất với lượng lớn. Các Công ty xuất khẩu gạo chủ lực của tỉnh dự kiến xuất trong tháng 4 được 48.877 tấn, với trị giá trên 20,4 triệu USD. Bao gồm: Công ty Du lịch- Thương mại dự kiến xuất trực tiếp 13.527 tấn với trị giá trên 5 triệu USD; Công ty cổ phần kinh doanh nông sản ước xuất 7.100 tấn với trị giá trên 3 triệu USD; Công ty xuất nhập khẩu Kiên Giang dự kiến xuất trực tiếp 28.000 tấn với trị giá trên 12 triệu USD. Công ty Cp nông lâm sản, Công ty Thuận Phát, Công ty An phú không dự kiến xuất trong tháng này.

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu:Nhập khẩu hàng hóa tháng 4 ước tính đạt 0,17 triệu USD. Tính chung 4 tháng đạt 0,571 triệu USD bằng 54,81% so cùng kỳ năm 2015.

Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu trong 4 tháng gồm: hàng thủy sản với trị giá 444 nghìn USD; chất dẻo nguyên liệu trị giá 91 nghìn USD; máy vi tính, sản phẩm điện trị giá 11 nghìn USD và máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác trị giá 25 nghìn USD.

c. Chỉ số giá:

Chỉ số giá tiêu dùng(CPI) trong tháng 04/2016 tăng 0,83% so với tháng trước. Trong đó: Khu vực thành thị tăng 0,17%, khu vực nông thôn tăng 1,24%.

Nguyên nhân ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng tháng 4/2016 là do giá xăng, dầu, chất đốt, thuốc và dịch vụ y tế tăng trong tháng, cùng với đó là các yếu tố thời tiết khô hạn tiếp tục ảnh hưởng đến các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long. Ngoài ra do nguồn cung hàng hóa dồi dào, các Bộ ngành, địa phương tăng cường quản lý điều hành bình ổn giá đã tác động tích cực đến chỉ số giá tiêu dùng trong tháng . Cụ thể:

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 so tháng trước, trong 11 nhóm hàng có 6 nhóm hàng tăng, trong đó có hai nhóm hàng tăng mạnh là: Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 7,25% (Do Bộ Y tế điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh chi trả qua BHYT theo Thông tư liên tịch số 37/TTLT/BYT-BTC ngày 29/10/2015 của liên Bộ Y tế - Tài chính); Nhóm giao thông tăng 1,66% (tác động từ giá xăng dầu tăng từ 17h ngày 5/4, giá bán lẻ ở vùng 2 mỗi lít xăng A92 được điều chỉnh lên mức 15.230 đồng, xăng A95 được điều chỉnh lên mức 15.950 đồng, các mặt hàng dầu giữ nguyên giá. Trước đó vào ngày 21/3, giá xăng được điều chỉnh tăng, giá bán lẻ xăng A92 đã tăng 680 đồng với giá bán ra 15.230 đ/lít; giá bán lẻ xăng A95 đã tăng 690 đồng với giá bán ra 15.420 đ/lít; giá bán lẻ dầu Diezen đã tăng 290 đồng với giá bán ra 10.060 đ/lít);

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4/2016 so với tháng 12/2015 (sau 4 tháng) tăng 1,82%; so với cùng kỳ (tháng 4/2015) tăng 3,01%, trong đó nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất 34,75%;kế đến nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD tăng 7,67% ; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 7,53%; nhóm văn hóa, giải trí du lịch tăng 5,82%...

Chỉ số giá vàng: Tính đến ngày 15/4/2016, chỉ số giá vàng so tháng trước giảm -0,09%, giá vàng 9999với giá bán ra 3.336.000 đ/chỉ, giá bình quân trong kỳ 3.301.000đ/chỉ (giảm 3.000 đồng/chỉ so với tháng trước). So với cùng tháng năm trước (tháng 04/2015) tăng 4,38%.

Chỉ số giá Đô la Mỹ:Tháng 4 so tháng trước giảm - 0,03%. Tính đến thời điểm điều tra 15/4/2016, giá USD được điều chỉnh giảm nhẹ tại thị trường tự do bán 2.228.000 đ/100 USD, giá bình quân trong kỳ 2.228.666 đ/100 USD (giảm 2.228 đ/100 USD so với tháng trước). So với cùng tháng năm trước tăng 3,01%.

d. Vận tải: Hoạt động vận tải đầu tháng vẫn ổn định so tháng trước, nhưng vào dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và lễ 30/4 và 1/5 được nghỉ dài ngày nên nhu cầu đi lại của nhân dân tăng lên rất cao vào thời điểm cuối tháng, ngành chức năng đã điều tiết phương tiện đảm bảo không ách tắc trong việc đi lại và lưu chuyển hàng hóa của nhân dân, đồng thời kiểm soát chặt chẽ giá cước vận tải trước, trong và sau những ngày nghỉ lễ.

Vận tải hành khách:Tháng 4 vận tải hành khách ước đạt 5,95 triệu lượt khách, tăng 5,68% so tháng trước; luân chuyển 414,90 triệu HK.km, tăng 5,39% so tháng trước. Lũy kế 4 tháng vận tải hành khách ước được 22,68 triệu lượt khách, đạt 33,09% kế hoạch và tăng 9,60% so cùng kỳ năm trước; luân chuyển 1.582,51 triệu HK.km, đạt 39,32% kế hoạch và tăng 10,00% so cùng kỳ. Bao gồm: Vận tải hành khách đường bộ 18,23 triệu lượt khách, tăng 10,74% so cùng kỳ và luân chuyển 1.270,67 triệu lượt khách.km, tăng 11,25% so cùng kỳ; Vận tải hành khách đường sông 3,8 triệu lượt khách, tăng 4,79% và luân chuyển 242,39 triệu lượt khách.km, tăng 4,87%; Vận tải hành khách đường biển 0,63 triệu lượt khách, tăng 7,24% , luân chuyển 69,45 triệu lượt khách.km, tăng 6,26% so cùng kỳ năm trước.

Vận tải hàng hóa:Tháng 4 vận tải hàng hóa ước tính đạt 799 ngàn tấn, tăng 3,50% so tháng trước; luân chuyển 107,70 triệu tấn.km, tăng 3,63% so tháng trước. Lũy kế 4 tháng vận tải hàng hóa ước tính đạt 3,18 triệu tấn, đạt 31,68% kế hoạch năm và tăng 5,25% so cùng kỳ năm trước; luân chuyển 424,47 triệu tấn.km, đạt 31,10% kế hoạch và tăng 5,55% so cùng kỳ năm trước. Bao gồm: Vận tải hàng hóa đường bộ 997 ngàn tấn, tăng 5,73% so cùng kỳ và luân chuyển 135,5 triệu tấn.km, tăng 5,36%; Vận tải hàng hóa đường sông 1,30 triệu tấn, tăng 3,90% và luân chuyển 163,75 triệu tấn.km, tăng 3,87% so với cùng kỳ; Vận tải hàng hóa đường biển 885 ngàn tấn, tăng 6,76% và luân chuyển 125,22 triệu tấn.km, tăng 8,05% so cùng kỳ năm trước.

Bưu chính - Viễn thông: Tổng số Bưu cục các cấp là 28. Trong đó, Bưu cục cấp I: 1; cấp II: 13; cấp III: 12 và 02 Ki ốt. Có 140 điểm Bưu điện - Văn hóa xã (có 21 điểm có hoạt động Internet) và 40 đại lý bưu điện; bán kính phục vụ 3,2 Km, dân số phục vụ 8.359 người/điểm; phát hành báo Trung ương 241.876 tờ; báo địa phương 172.955 tờ; phát hành báo chí công ích 244.503 tờ. Tổng doanh thu dịch vụ bưu chính trong tháng 4/2016 ước đạt 7 tỷ đồng. Về Viễn thông: Trong tháng Ngành Thông tin - truyền thông đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông đảm bảo an toàn, an ninh thông tin liên lạc; tuân thủ nghiêm các quy định về bảo vệ bí mật thông tin cá nhân người sử dụng dịch vụ và ngăn chặn việc mua bán, lưu thông SIM di động sai quy định và hỗ trợ gửi tin nhắn đến các số thuê bao di động nhằm chào mừng Lễ Khai mạc Năm Du lịch quốc giá 2016 - Phú Quốc - Đầng bằng sông Cửu Long. Tổng doanh thu dịch vụ viễn thông ước tháng 4/2016 đạt 145,3 tỷ đồng.

e. Du lịch:Trong tháng 04/2016 nhân dân trên cả nước chuẩn bị đón Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ 30/4 và 1/5 được nghỉ dài ngày, tạo điều kiện cho nhân dân tổ chức những chuyến vui chơi, du lịch… trong đó vùng biển và các quần đảo như Nam Du, Bà Lụa, Tiên Hải… của tỉnh là điểm đến lý tưởng của du khách trong và ngoài tỉnh, khi thời tiết nắng nóng kéo dài bất thường như hiện nay.

Trong tháng tổng lượt khách đến cơ sở lưu trú du lịch ước tính 537,08 ngàn lượt khách, tăng 19,38% so tháng trước, trong đó: Số lượt khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch, đạt 230,13 ngàn lượt khách, giảm 2,11% so với tháng trước; số khách quốc tế đạt 37,31 ngàn lượt khách, tăng 13,46% so với tháng trước. Khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch bao gồm: Số lượt khách từ cơ sở lưu trú du lịch phục vụ đạt 218,10 ngàn lượt khách, giảm 4,29% so tháng trước và số lượt khách du lịch đi theo tour đạt 12,02 ngàn lượt khách, tăng 66,83% so tháng trước.

Tính từ đầu năm, tổng lượt khách du lịch dự kiến 1.919,17 ngàn lượt khách, đạt 38,85% kế hoạch năm và tăng 22,75% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: Lượt khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch 837,63 ngàn lượt khách, tăng 36,44% so cùng kỳ. Số khách quốc tế đạt 137,35 ngàn lượt khách, tăng 32,50% so với cùng kỳ. Khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch bao gồm: khách cơ sở lưu trú du lịch phục vụ đạt 792,80 ngàn lượt khách, tăng 39,12% và khách du lịch đi theo tour đạt 44,83 ngàn lượt khách, tăng 1,74% so cùng kỳ năm 2015.

7. Một số tình hình xã hội

7.1. Lao động, việc làm:Tháng 4/2016 toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 2.099 lượt lao động, (trong đó: trong tỉnh 1.103 lượt lao động, ngoài tỉnh 991 lượt lao động, xuất khẩu 05 lao động). Lũy kế từ đầu năm đến nay lên 11.217 lượt lao động, đạt 34% kế hoạch, trong đó: trong tỉnh 4.294 lượt lao động, ngoài tỉnh 6.916 lượt lao động, xuất khẩu 07 lao động. Cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại các đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh 01 giấy phép, nâng tổng số từ đầu năm đến nay 09 giấy phép (trong đó: cấp mới 4, cấp lại 03 và xác nhận 02). Giải quyết trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 215 lao động (lũy kế 1.160 lao động).

Công tác đào tạo nghề: Trong tháng các cơ sở dạy nghề tổ chức dạy cho 867 người, trong đó Sơ cấp nghề 753 người, dạy nghề dưới 3 tháng 114 người. Nâng tổng số học sinh từ đầu năm lên 3.045/35.000 người, đạt 8,7% so với kế hoạch (trong đó Trung cấp nghề 164 sinh viên, Sơ cấp nghề 2.035 người, dạy nghề dưới 3 tháng 846 người).

7.2. Tình hình giáo dục: Về giáo dục Mầm non: Thành lập Đoàn đánh giá ngoài trường Mầm non Minh Hòa, huyện Châu Thành; trường Mầm non Tân Khánh Hòa, huyện Giang Thành và trường Mẫu giáo Hoa Mai, TP. Rạch Giá. Giáo dục tiểu học: Hoàn thành đánh giá ngoài trường TH Đông Hưng 1, huyện An Minh. Tiếp tục đánh giá ngoài trường TH Thị trấn 1 An Minh, huyện AM và TH Vĩnh Thắng 1, huyện Gò Quao. Kiểm tra thẩm định trường TH Vĩnh Hòa Hưng Nam 2, Định An 1, Định An 3 thuộc huyện Gò Quao đạt chuẩn quốc gia. Giáo dục trung học: Tổ chức cuộc thi Olympic Toán và tiếng Anh trên Internet cấp toàn quốc. Tổ chức tốt kỳ thi Olympic lớp 10 và lớp 11. Hướng dẫn báo cáo Tổng kết năm học 2015-2016; hướng dẫn ôn tập và kiểm tra HK2 năm học 2015-2016. Tổ chức kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học; kiểm tra công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2016. Kiểm tra kỹ thuật và thẩm định công nhận các trường THCS đạt chuẩn quốc gia năm 2016.

7.3. Tình hình văn hóa,nghệ thuật, thể thao: Trong tháng 4 hoạt động văn hóa thể thao và du lịch đã tập trung tuyên truyền, tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch phục vụ kỷ niệm 41 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2016), 130 năm ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 - 1/5/2016); đón tết Chôl-Chnăm-Thmây của đồng bào dân tộc Khmer; Lễ giỗ Quốc Tổ Hùng Vương với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đa dạng, phong phú, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. đặc biệt với vai trò là cơ quan Thường trực của Ban Tổ chức địa phương Năm Du lịch quốc gia 2016 - Phú Quốc - Đồng bằng sông Cửu Long, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Kiên Giang đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu tổ chức tốt Lễ Khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2016 - Phú Quốc - Đồng bằng sông Cửu Long với chủ đề "Khám phá đất phương Nam”.

Thể dục thể thao quần chúng:Tổ chức 02 giải thể thao trong khuôn khổ các hoạt động tại Lễ giỗ Quốc tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền hùng huyện Tân hiệp năm 2016, gồm: giải võ cổ truyền với sự tham dự của 80 vận động viên đến từ 13 huyện, thị xã, thành phố và các câu lạc bộ trong tỉnh thi đấu với nội dung quyền và đối kháng ở hạng cân nam và nữ; giải đua xe đạp thể thao với sự tham dự của 58 vận động viên đến từ 06 đơn vị trên địa bàn tỉnh. Tham gia công tác khảo sát và phối hợp với các đơn vị chuẩn bị tổ chức Giải Thuyền buồm tỉnh Kiên Giang mở rộng và vô địch Đua thuyền rồng toàn quốc năm 2016 tại huyện Phú Quốc.

Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa - Thể thao (Du lịch) các huyện, thị xã và thành phố tổ chức các giải thi đấu thể dục thểthao như: Bóng đá, bóng chuyền, quần vợt, đá cầu lưới, cầu lông, cờ tướng, bóng bàn, dẫn bóng qua cọc, ném bóng vào rổ, kéo co, thể dục dưỡng sinh, chạy xe đạp chậm và các trò chơi dân gian... nhân dịp Lễ kỷ niệm 30/4, tết cổ truyền Chôl-Chnăm-Thmây của đồng bào Khmer, thu hút đông đảo quần chúng tham gia hưởng ứng và thi đấu.

Thể thao thành tích cao: Các đội tuyển tập luyện thường xuyên theo kế hoạch. Riêng Đội tuyển Cờ vua tham dự giải vô địch Cờ vua hạng nhất quốc gia năm 2016 và đội tuyển trẻ Quần vợt tham dự giải Quần vợt vô địch nam toàn quốc năm 2016 tại thành phố Huế.

7.4. Tình hình y tế:Trong tháng 4,bệnh Tay chân miệngghi nhận 31 trường hợp mắc, giảm 16 trường hợp so với tháng trước. Trong đó tập trung nhiều ở Tp.Rạch Giá (6), Vĩnh Thuận (5), Hà Tiên (4), Châu Thành (3), An Biên (3), Phú Quốc (3), Hòn Đất (2), Giồng Riềng (2). Tính từ đầu năm đến nay đã có 432 trường hợp, không có tử vong; so với cùng kỳ năm 2015 tăng 209 trường hợp.

Các bệnh truyền nhiễm khácmắc trong tháng:Bệnh tiêu chảyghi nhận 511 trường hợp mắc. So với tháng trước giảm 73 trường hợp. Từ đầu năm đến nay đã có 2014 trường hợp.Bệnh Thương hàn và Phó Thương hànghi nhận 1 trường hợp mắc. So với tháng trước, giảm 1 trường hợp. Tính từ đầu năm đến nay đã có 9 trường hợp mắc .Bệnh Thủy đậughi nhận 13 trường hợp mắc. So với tháng trước giảm 4 trường hợp. Tính từ đầu năm đến nay đã có 41 trường hợp mắc.Quai bịghi nhận 9 trường hợp mắc. So với tháng trước tăng 3 trường hợp. Tính từ đầu năm đến nay đã có 39 trường hợp. Trong tháng không ghi nhận ca sởi nào, còn các bệnh truyền nhiễm khác trong tháng có xu hướng giảm.

Chương trình phòng chống sốt xuất huyết:Trong tháng toàn tỉnh ghi nhận có 64 trường hợp mắc, tăng 24 trường hợp so với tháng trước. Các địa phương có số mắc trong tháng là Tp.Rạch Giá (30), Phú Quốc (9), Giồng Riềng (5), Hòn Đất (4), Châu Thành (4), An Biên (3), Hà Tiên (2), Kiên Lương (2), Gò Quao (2), An Minh (2), Vĩnh Thuận (1). Lũy kế từ đầu năm đến nay đã có 251 trường hợp, không có tử vong; so với cùng kỳ năm 2015 tăng 162 trường hợp.

Chương trình phòng, chốngcác bệnh xã hội và bệnh nguy hiểm cho cộng đồng:Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tư vấn, khám phát hiện sớm và điều trị có hiệu quả, quản lý chặt chẽ các bệnh phong, lao, tâm thần. Trong tháng 4 phát hiện 01 BN phong, 227 BN lao, 07 BN tâm thần phân liệt và 08 BN động kinh. Số quản lý đến nay là 461 BN phong, 3.441 BN lao, 2.265 BN tâm thần phân liệt và 2.820 BN động kinh.

Chương trình phòng, chống HIV/AIDS: Trong tháng thực hiện xét nghiệm 6.143 người, phát hiện mới 11 cas HIV dương tính. Tính đến thời điểm 31/3/2016, số người còn sống ở địa phương nhiễm HIV là 1.888 người, trong giai đoạn AIDS là 1.311 người. Trong tháng, điều trị ARV cho 2 bệnh nhân HIV/AIDS, tích lũy số bệnh nhân điều trị là 44 người, trong đó trẻ dưới 15 tuổi là 0.

Công tác An toàn vệ sinh thực phẩm: Tiến hành thẩm định, cấp 83 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện VSATTP, ký 26 Bản cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thực hiện thanh tra, kiểm tra 1.484 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Trong tháng, xảy ra 01 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại huyện Kiên Lương với 44 cas mắc, không có tử vong. Ghi nhận có 37 cas ngộ độc thực phẩm mắc lẻ (36 cas ngộ độc rượu, 01 cas ngộ độc do sò, ốc).

7.5. Tình hình an toàn giao thông:tính từ ngày 16/3/2016 đến 15/4/2016 trên toàn tỉnh xảy ra 23 vụ tai nạn giao thông, làm 11 người chết, 19 người bị thương. Trong đó: Số vụ TNGT nghiêm trọng là 19 vụ, làm 11 người chết và 13 người bị thương. So với tháng trước số vụ TNGT tăng 07 vụ, số người chết tăng 02 người, số người bị thương tăng 07 người. Tính từ đầu năm, xảy ra 97 vụ tai nạn giao thông, làm 59 người chết, 81 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, giảm 14 vụ; tăng 14 người chết và giảm 42 người bị thương. Tình hình tai nạn giao thông từ đầu năm đến nay có xu hướng tăng về số vụ tai nạn nghiêm trọng và tăng số người chết, nguyên nhân chủ yếu là do ý thức của những người tham gia giao thông không tuân thủ quy định an toàn giao thông như lấn đường, sử dụng rượu bia, không chú ý quan sát…đề nghị các ngành chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền kết hợp với kiểm tra thường xuyên để đảm bảo an toàn giao thông và nâng cao văn hóa giao thông cho người dân khi tham gia giao thông.

7.6. Tình hình cháy, nổ: Từ ngày 16/03/2016 đến 15/04/2016 toàn tỉnh xảy ra 10 vụ cháy, trong đó có 04 vụ cháy rừng (gồm các huyện U Minh Thượng, Kiên Lương, Phú Quốc), làm bị thương 01 người, thiệt hại do cháy gây ra ước tính 1 tỷ 876 triệu đồng, không có thiệt hại về người. không có vụ nổ nào xảy ra. Nguyên nhân cháy: Do chập điện: 01vụ, bất cẩn trong đốt rác 01 vụ, bất cẩn trong đun nấu 01 vụ, bất cẩn trong sản xuất than trấu 01 vụ, đốt rẩy, đốt rừng cháy lan 03 vụ, 03 vụ đang trong quá trình điều tra.

Địa bàn xảy ra cháy ở các huyện như: Phú Quốc: 01 vụ; thị xã Hà Tiên: 01 vụ; U Minh Thượng 03 vụ; Kiên Lương: 01 vụ; Châu Thành: 01 vụ; Giồng Riềng: 01 vụ; Gò Quao: 01 vụ; Hòn Đất 01 vụ.

Số lũy kế từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 26 vụ cháy, không có vụ nổ xảy ra, bị thương 04 người và không có thiệt hại về người. Thiệt hại ước tính lũy kế 17 tỷ 275 triệu đồng./.


Website Cục Thống kê tỉnh Kiên Giang

    Tổng số lượt xem: 1351
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)