(MPI) - Ngày 18/5/2016, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Văn phòng đại diện Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo Triển vọng kinh tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương năm 2016 và tác động đến Việt Nam. Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia Mai Thị Thu và Trưởng Đại diện IMF tại Việt Nam và Lào Jonathan Dunn đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có đại diện tổ chức quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các cơ quan, viện nghiên cứu.
|
Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia Mai Thị Thu phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Minh Trang (MPI) |
Tại Hội thảo, TS. Jonathan Dunn, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam và Lào trình bày Báo cáo về Triển vọng kinh tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương mùa xuân 2016. Theo dự báo của IMF, Châu Á – Thái Bình Dương vẫn đang là khu vực năng động nhất thế giới và có thể tăng trưởng mạnh với tốc độ 5.3% trong năm nay. Tuy nhiên, Châu Á – Thái Bình Dương đang phải đối mặt với những rủi ro như điều kiện về tài chính ngày càng thắt chặt hơn, môi trường toàn cầu ngày càng phức tạp…
Cũng tại Hội thảo, TS. Lương Văn Khôi, Trưởng Ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia trình bày Báo cáo đánh giá tác động của tình hình kinh tế thế giới và khu vực đến kinh tế Việt Nam và một số dự báo cho năm 2016.
Thảo luận tại buổi Hội thảo, các đại biểu đã đưa ra những kiến nghị chính sách trong thời gian tới: Tiếp tục cải cách thể chế và ổn định môi trường kinh tế vĩ mô để phát huy niềm tin của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và của người tiêu dùng, thúc đẩy xuất khẩu và giảm nhập siêu. Thực hiện kiểm soát lạm phát trong bối cảnh giá cả thế giới biến động khó lường, cùng với với việc giá điện và giá xăng tăng sẽ ảnh hưởng đến giá cả hàng hoá những tháng tiếp theo. Cần theo dõi chặt chẽ tác động của điều chỉnh giá y tế (dự kiến vào tháng 7) để có cơ sở xác định mức điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục phù hợp với biến động mặt bằng giá. Các bộ, ngành và địa phương cần có phương án về thời điểm điều chỉnh hợp lý, tránh điều chỉnh trong cùng tháng.
|
Ảnh: Minh Trang (MPI) |
Bên cạnh đó, điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt theo tín hiệu thị trường. Có biện pháp để quản lý chặt chẽ hạn mức tín dụng, nhất là tín dụng đối với đầu tư bất động sản. Nghiên cứu giảm dần lãi suất cho vay đầu tư sản xuất kinh doanh một cách phù hợp với diễn biến lạm phát và yêu cầu phục hồi nền kinh tế. Đồng thời, tận dụng cơ hội do hội nhập mang lại, tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng cường thu hút FDI và triển khai hiệu quả các chính sách ưu đãi cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường kinh doanh thực hiện cơ chế chọn lọc trong thu hút các dự án đầu tư nước ngoài, đặc biệt lưu ý kiểm soát chặt chẽ đối với các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu hao năng lượng lớn và ảnh hưởng lớn đến môi trường./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư