(MPI) – Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nhật Bản hiện là đối tác hàng đầu của Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực đầu tư, hợp tác kinh tế, hợp tác phát triển (ODA), thương mại và du lịch.
|
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Fumio Kishida ký Công hàm trao đổi ODA vốn vay tài khóa 2015 và Công hàm trao đổi cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại tài khóa 2015 hỗ trợ cho các nước đang phát triển và doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư ở nước ngoài của Chính phủ Nhật Bản dành cho Việt Nam ngày 06/5/2016.Ảnh: Đức Trung (MPI) |
Tính đến cuối tháng 4 năm 2016, Nhật Bản là nhà đầu tư đứng thứ 2/114 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 3.056 dự án và 39,74 tỷ USD tổng vốn đầu tư. Các dự án của Nhật Bản được triển khai trên 19 ngành, lĩnh vực, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực có thế mạnh và đang tăng cường tìm kiếm cơ hội đầu tư ra nước ngoài như: công nghiệp chế biến, chế tạo với 1.516 dự án, tổng vốn đầu tư 32,83 tỷ USD (chiếm 49.6% tổng số dự án và 82,6% tổng vốn đầu tư); Kinh doanh bất động sản với 48 dự án, tổng vốn đầu tư 1,91 tỷ USD; Xây dựng với 79 dự án, tổng vốn đầu tư 1,16 tỷ USD;...
Các dự án của Nhật Bản tại Việt Nam chủ yếu theo hình thức 100% vốn nước ngoài với 2.537 dự án, tổng vốn đầu tư 23,59 tỷ USD (chiếm 83% tổng số dự án và 59,36% tổng vốn đầu tư). Đứng thứ hai là hình thức liên doanh với 494 dự án, tổng vốn đầu tư 15,68 tỷ USD. Còn lại là các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BT, BTO và hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh. Các nhà đầu tư Nhật Bản đã đầu tư vào 52 tỉnh và địa phương trong cả nước
Các nhà đầu tư Nhật Bản đã đầu tư vào gần 1.300 dự án và khoảng 26,5 tỷ USD tổng vốn đầu tư vào các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN), chiếm khoảng 43% tổng số dự án và 67% tổng vốn đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam. Thực hiện Tuyên bố chung về phát triển toàn diện quan hệ đối tác Chiến lược vì Hòa bình và Phồn vinh ở châu Á giữa Việt Nam – Nhật Bản ký ngày 31/10/2010, hai bên thống nhất thành lập 2 KCN chuyên sâu tại Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Về đầu tư của Việt Nam sang Nhật Bản, đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã có 27 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Nhật Bản với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4,24 triệu USD, đứng thứ 41/63 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các dự án chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực dịch vụ với quy mô nhỏ và rất nhỏ, vốn đầu tư trung bình một dự án chỉ đạt 157 nghìn USD.
Để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản, hai bên cần tiếp tục phối hợp triển khai tốt Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản, đẩy mạnh hợp tác triển khai đầu tư vào các ngành lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược Công nghiệp hóa đến năm 2020 tầm nhìn 2030 trong khuôn khổ hợp tác với Nhật Bản tập trung vào 6 ngành: điện tử, máy nông nghiệp, chế biến nông, thủy sản, đóng tàu, môi trường và tiết kiệm năng lượng, sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh hình thức xúc tiến đầu tư tại chỗ để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đã được cấp phép đầu tư triển khai việc kinh doanh thuận lợi và có hiệu quả theo tinh thần của Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 29/8/2013 về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý FDI trong thời gian tới. Đồng thời, tăng cường hơn nữa các hoạt động xúc tiến đầu tư với Nhật Bản dưới nhiều hình thức như: Thành lập các bộ phận hỗ trợ chuyên biệt cho các nhà đầu tư Nhật Bản nói chung và nhà đầu tư của một số tỉnh của Nhật Bản nói riêng; Xây dựng tài liệu và trang web xúc tiến đầu tư bằng tiếng Nhật; Đẩy mạnh hợp tác với các Liên đoàn kinh tế; Đẩy mạnh kết nối các địa phương của Việt Nam với các địa phương của Nhật Bản có thế mạnh có thể bổ sung cho nhau để cùng thúc đẩy hợp tác đầu tư từ doanh nghiệp của hai bên… Khuyến khích các nhà đầu tư của Nhật Bản đầu tư vào lĩnh vực giáo dục nhằm đào tạo đội ngũ lao động có khả năng ngoại ngữ và chuyên môn phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.
Nhật Bản là nước cung cấp viện trợ phát triển lớn nhất cho Việt Nam, chiếm trên 30% tổng cam kết viện trợ của các nước cho Việt Nam. Hiện nay, viện trợ của Nhật Bản dành cho các nước bị giảm sút do kinh tế Nhật Bản phải đối mặt với khó khăn kéo dài. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là nước được ưu tiên nhận viện trợ của Nhật Bản. Hiện nay, mức viện trợ vốn vay ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam khoảng 200 tỷ Yên/năm, tập trung vào các lĩnh vực chính như: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế; Cải thiện về mặt xã hội, đời sống và rút ngắn chênh lệch; Bảo vệ môi trường; Nâng cao năng lực quản lý hành chính.
Tổng cam kết tài khóa 2014 của Chính phủ Nhật Bản đạt 112,414 tỷ Yên, tương đương khoảng 0,95 tỷ đôla Mỹ theo tỷ giá hiện nay. Trong tài khóa 2015, mức cam kết ODA vốn vay của Chính phủ Nhật Bản dành cho Việt Nam đạt khoảng 300 tỷ Yên.
Trong quan hệ hợp tác thương mại, du lịch Việt Nam - Nhật Bản, hai nước đã dành cho nhau thuế suất tối huệ quốc từ năm 1999. Năm 2015, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 28,526 tỷ USD (tăng 3,3% so với năm 2014), trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 14,1 tỷ USD (giảm 4%), nhập khẩu đạt 14,426 tỷ USD (tăng 11,6%). Nguyên nhân xuất khẩu sang Nhật giảm do sự sụt giảm giá của nhóm nhiên liệu khoáng sản, đặc biệt là dầu thô. Về du lịch, năm 2015, lượng khách du lịch Nhật Bản vào Việt Nam đạt 671.379 lượt, tăng 3,6% so với năm 2014, đứng thứ 3 sau Trung Quốc và Hàn Quốc, số khách du lịch Việt Nam vào Nhật Bản năm 2015 là 185.400 người./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư