Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 25/07/2016-18:17:00 PM
Họp báo Diễn đàn M&A Việt Nam 2016 (Xem tin ảnh)
(MPI) – Ngày 25/7/2016, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Diễn đàn Mua bán – Sáp nhập doanh nghiệp (M&A) Việt Nam 2016 dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Họp báo nhằm cung cấp các thông tin chính thức về Diễn đàn.

Diễn đàn M&A thường niên lần thứ 8 do Báo Đầu tư và Công ty AVM Việt Nam phối hợp tổ chức với chủ đề “M&A trong không gian kinh tế mở” sẽ diễn ra ngày 18/8/2016, tại thành phố Hồ Chí Minh. Đồng hành cùng sự phát triển của thị trường, trong 7 năm qua, Diễn đàn tổ chức đã thu hút sự tham dự của hơn 300 diễn giả là các chuyên gia hàng đầu về M&A của Việt Nam và quốc tế, trên 3.000 lãnh đạo cấp cao của các công ty nước ngoài, quỹ đầu tư quốc tế, tổng công ty nhà nước và tập đoàn tư nhân đang hoạt động tại Việt Nam.

Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư phát biểu tại Họp báo. Ảnh: Đức Trung (MPI)

Với sự tham dự của nhiều chuyên gia, diễn giả hàng đầu về M&A cả trong nước và quốc tế, Diễn đàn sẽ trao đổi, đánh giá những mặt tích cực và hạn chế của M&A tại Việt Nam trong năm qua, những cơ hội và thách thức mới trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, chia sẻ kinh nghiệm và kết nối cơ hội hợp tác - đầu tư trong nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy thị trường M&A phát triển lành mạnh.

Phát biểu tại buổi Họp báo ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư cho biết, M&A nổi lên như một kênh huy động vốn hiệu quả, góp phần làm đa dạng hóa các kênh thu hút vốn của nền kinh tế Việt Nam, thúc đẩy quá trình tái cấu trúc kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, thông qua các thương vụ M&A, năng lực quản trị của nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã được nâng cao.

Năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, hoạt động M&A diễn ra sôi động. Giá trị các thương vụ trong năm 2015 đạt 5,2 tỷ USD và nửa đầu năm 2016 đạt trên 3 tỷ USD với nhiều thương vụ M&A có quy mô lên đến tỷ USD, có tác động lớn đến nhiều ngành kinh tế.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho rằng, Diễn đàn về M&A có uy tín hàng đầu Việt Nam. Tại Diễn đàn, lãnh đạo các cơ quan Chính phủ, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế cùng nhau trao đổi, đánh giá thực trạng và xu hướng M&A tại Việt Nam, khung khổ pháp lý, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm và kết nối cơ hội hợp tác, đầu tư trong nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Diễn đàn đã góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện khung khổ pháp lý, chính sách về M&A, cũng như thúc đẩy hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và kết nối đầu tư giữa các đối tác trong nước và nước ngoài. Diễn đàn M&A 2016 được tổ chức trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam bước sang một chu kỳ phát triển mới trong một không gian kinh tế mới, với những thuận lợi và thách thức đan xen.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông phát biểu tại Họp báo.
Ảnh: Đức Trung (MPI)

Thứ nhất, năm 2016 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Trong đó Việt Nam tiếp tục đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,5 - 7%/năm, cơ cấu lại tổng thể và đồng bộ nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh và đảm bảo phát triển bền vững. Đây cũng là năm mở đầu nhiệm kỳ mới của Quốc hội và Chính phủ mới.

Thứ hai, các chuyển động chính sách gần đây như Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp bắt đầu đi vào cuộc sống sau 1 năm có hiệu lực và hàng chục nghị định quy định chi tiết thi hành các luật mới này đã được trình Chính phủ ban hành đang tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư - kinh doanh. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính...

Thứ ba, tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam đang và sẽ diễn ra sâu với việc thực hiện lộ trình Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC); Đàm phán và ký kết nhiều FTA thế hệ mới, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam – EU, Việt Nam – Hàn Quốc, không gian kinh tế của Việt Nam đang được mở rộng hơn bao giờ hết, mở ra cơ hội mới, sân chơi mới cho cộng đồng các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thứ tư, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với những thách thức lớn. Năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế còn thấp, thiên tai, hạn hán liên tiếp xảy ra tại nhiều nơi, sự cố gây ô nhiễm môi trường của Formosa tác động tiêu cực tới một số tỉnh miền Trung. Trong 6 tháng đầu năm 2016, mặc dù kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, thu hút vốn FDI tăng cao, nhưng tốc độ tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,52%, thấp hơn cùng kỳ năm trước, một số lĩnh vực như nông, lâm nghiệp, thuỷ sản, công nghiệp khai khoáng tăng trưởng âm, nguy cơ lạm phát vẫn còn tiềm ẩn, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu đạt thấp hơn mục tiêu đề ra và thấp hơn tốc độ tăng cùng kỳ năm trước…

Chủ tọa Họp báo. Ảnh: Đức Trung (MPI)

Trong bối cảnh đó, việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, tận dụng các cơ hội được mở ra từ hội nhập quốc tế, thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế nhằm đảm bảo phát triển nhanh và bền vững đang trở thành nhiệm vụ hết sức quan trọng và bức thiết đối với Chính phủ, chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. Việc xóa bỏ các rào cản để thúc đẩy thị trường M&A phát triển lành mạnh, trở thành một kênh huy động vốn hữu hiệu và yếu tố thúc đẩy tái cấu trúc hiệu quả nền kinh tế, tái cấu trúc doanh nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng.

Diễn đàn M&A Việt Nam 2016 sẽ tập trung đánh giá đúng những cơ hội và thách thức mới, đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý cho hoạt động M&A, đảm bảo cho thị trường M&A phát triển thuận lợi, mặt khác hạn chế được những tác động tiêu cực, bất lợi từ các thương vụ M&A như xu hướng thâu tóm, triệt tiêu thương hiệu nội, trốn thuế trong quá trình chuyển nhượng, mua bán doanh nghiệp. Diễn đàn cũng sẽ là cầu nối giữa các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, tạo tiền đề cho việc hình thành các thương vụ mới./.

Diễn đàn M&A Vietnam 2016 sẽ bao gồm 4 hoạt động chính:

- Chương trình Hội thảo thường niên: M&A Vietnam Forum 2016 sẽ dành thời gian để đánh giá về thị trường M&A khu vực và Việt Nam năm 2015 – 2016 và triển vọng 2016 - 2020 dưới tác động của không gian kinh tế mở. Hội thảo sẽ đánh giá tác động của các khu vực kinh tế chung như AEC, TPP đến thị trường M&A, phân tích các cơ hội M&A và đầu tư tại Việt Nam trong không gian kinh tế mở khi Việt Nam tham gia sâu vào các khu vực kinh tế chung như AEC, TPP… Các cuộc đua trong các ngành, lĩnh vực sẽ được phân tích, bình luận bởi các chuyên gia và những người trong cuộc. Ngoài ra, kinh nghiệm tạo lập vốn cho thương vụ M&A cùng chiến lược M&A của các doanh nghiệp cũng sẽ được chia sẻ và trao đổi tại Diễn đàn;

- Chương trình kết nối đầu tư MAF EXPO: Chương trình kết nối đầu tư lớn nhất trong năm – MAF EXPO 2016 cũng sẽ được tổ chức nhằm tạo điều kiện cho bên mua, bên bán và các nhà tư vấn gặp gỡ để kết nối các thương vụ. Chương trình này cũng là một hoạt động hỗ trợ công tác quan hệ nhà đầu tư cho các công ty niêm yết, công ty đại chúng nhằm giúp công chúng và các nhà đầu tư có thêm thông tin chính thống phục vụ công tác đầu tư.

- Bình chọn, trao thương vụ và nhà tư vấn M&A tiêu biểu 2015 – 2016: Nhằm tôn vinh những thương vụ và người tạo lập thương vụ, hằng năm Ban tổ chức triển khai chương trình Bình chọn và trao Thương vụ và nhà tư vấn M&A tiêu biểu Việt Nam. Các thương vụ này sẽ được công bố chính thức tại Gala Dinner ngày 18/8/2016 tại thành phố Hồ Chí Minh.

- Khóa đào tạo Chiến lược M&A: Thâu tóm và chống thâu tóm: Với sự tham gia giảng dạy của TS. Christopher Kummer, Chủ tịch Viện Mua lại, sáp nhập và liên kết, khóa đào tạo M&A thâu tóm và chống thâu tóm sẽ tiếp tục được tổ chức vào hai ngày 19 – 20/8/2016 nhằm cung cấp các kiến thức và kinh nghiệm quốc tế về thâu tóm và chống thâu tóm cho các lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam.

Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 3105
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)