“Đồng hành cùng nhà đầu tư” là chủ đề của hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu diễn ra tại TPHCM sáng 10/8. Nhiều định hướng lớn, những kiến nghị chính sách đã được nhà quản lý và các doanh nghiệp thảo luận tại đây.
|
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đặc biệt lưu ý tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về công tác bảo vệ môi trường, bởi việc phát triển công nghiệp song song với du lịch là nhiệm vụ không hề đơn giản.
Ảnh: VGP/Xuân Tuyến |
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và hơn 200 doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế, đại diện các Đại sứ quán, các tổ chức quốc tế tham dự hội nghị.
Lợi thế dầu khí, cảng biển, du lịch
Bà Rịa-Vũng Tàu là tỉnh ven biển, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, có vị trí chiến lược quan trọng với lợi thế nổi trội về công nghiệp dầu khí, phát triển năng lượng, cảng biển nước sâu, dịch vụ hậu cần biển, khai thác thủy hải sản và du lịch.
Chiếm 93% trữ lượng dầu mỏ (các mỏ Bạch Hổ, Đại Hùng, Rạng Đông...), 16% trữ lượng khí và 11,2% tổng công suất điện năng cả nước, Vũng Tàu là cái nôi của ngành dầu khí Việt Nam. Về cảng biển, tỉnh có hệ thống cảng biển liên vùng với vai trò cảng trung chuyển quốc tế, có khả năng tiếp nhận các tàu trọng tải đến 200.000 tấn, đưa hàng hóa từ Cái Mép-Thị Vải đến các cảng châu Á, châu Âu, châu Mỹ.
Theo quy hoạch nhóm cảng biển Đông Nam Bộ (nhóm 5), hệ thống cảng biển Bà Rịa-Vũng Tàu là cụm cảng tổng hợp quốc gia, cửa ngõ kết hợp trung chuyển container quốc tế. Các cảng biển nước sâu khu vực Cái Mép-Thị Vải đảm nhận vai trò trung chuyển quốc tế, có khả năng đón nhận các tàu đến 200.000 tấn.
Trong lĩnh vực du lịch, bờ biển dài 72 km, hơn 100.000 km2thềm lục địa với nhiều danh thắng, cùng với đó là hệ thống nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng khá hoàn thiện là lợi thế rất lớn. 6 tháng đầu năm nay, riêng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thu hút trên 9 triệu khách du lịch, gấp gần 8 lần dân số của tỉnh.
Có thể nói, Bà Rịa-Vũng Tàu có tiềm năng và những lợi thế rất lớn để phát triển kinh tế nhanh, mạnh, bền vững, có tác động lan tỏa ra các vùng lân cận.
|
Tại hội nghị, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ký kết biên bản ghi nhớ với 4 nhà đầu tư, tổng vốn đăng ký đến năm 2020 khoảng trên 50.000 tỷ đồng.Ảnh: VGP/Xuân Tuyến |
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận những kết quả nổi bật trong việc thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển kinh tế-xã hội.
Trong những năm qua, môi trường đầu tư kinh doanh tại Bà Rịa-Vũng Tàu ngày càng được cải thiện. Toàn tỉnh hiện có 15 khu công nghiệp với diện tích trên 8.500 ha, có vị trí rất gần khu vực cảng Cái Mép-Thị Vải, rất thuận lợi cho giao thương quốc tế. Tuyến đường cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây đã rút ngắn thời gian từ TPHCM xuống Thị Vải chỉ còn 1 giờ.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thu hút 297 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với lượng vốn đăng ký trên 27 tỷ USD, đứng thứ 3 cả nước (sau TPHCM và Hà Nội) và 442 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn trên 240.000 tỷ đồng.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2011-2015 đạt 174.000 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư của doanh nghiệp (trong, ngoài nước) đạt trên 145.000 tỷ đồng, chiếm 83,4% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Về hiệu quả kinh tế, tuy chỉ chiếm 0,6% diện tích, hơn 1% dân số nhưng theo số liệu cuối năm 2015, Bà Rịa-Vũng Tàu đóng góp gần 8% GDP và 12% tổng thu ngân sách cả nước.
Ưu tiên đầu tư kết nối hạ tầng để phát huy lợi thế
Trong thời gian tới, Bà Rịa-Vũng Tàu xác định mục tiêu trở thành một tỉnh mạnh về công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng và du lịch.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có vị trí trụ cột, là động lực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là hạt nhân thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế-xã hội của toàn vùng.
“Sự phát triển của Bà Rịa-Vũng Tàu không chỉ giúp nâng cao chất lượng cuộc sổng của người dân tại đây, mà còn có ý nghĩa thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng của các địa phương trong vùng”, Phó Thủ tướng nói.
|
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến |
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm để đạt được những mục tiêu đã đề ra.
“Trước hết, tỉnh cần tập trung hoàn thiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, trong đó yêu cầu phải rà soát, cập nhật, điều chỉnh, lập mới các quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đặc biệt là thế mạnh về cảng biển, công nghiệp dầu khí, năng lượng và phát triển du lịch để có thể tham gia sâu, kết nối vào mạng sản xuất, phân phối với các tỉnh Đông Nam Bộ, khu vực và trên thế giới”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhiệm vụ trọng tâm thứ hai đối với tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, là phải tập trung phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối vùng, các khu kinh tế, khu công nghiệp với hệ thống cảng biển; tập trung xây dựng phát triển các dịch vụ hậu cần logistics tại khu vực cảng Cái Mép-Thị Vải.
“Đề nghị tỉnh sớm xây dựng mô hình ban quản lý khu vực phát triển cảng tại khu vực Cái Mép-Thị Vải, coi đây là “nhạc trưởng” để nâng cao hiệu quả quản lý, phát huy mạnh mẽ tiềm năng trong phát triển cảng biển, thúc đẩy mạnh dịch vụ logistics”, Phó Thủ tướng nói.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường thu hút đầu tư, trong đó trọng tâm là hoàn thiện các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư và sản xuất kinh doanh, phải được coi là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên, liên tục. Năm 2015, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của Bà Rịa-Vũng Tàu xếp thứ 18/63 tỉnh thành.
Trong lĩnh vực du lịch, cần tập trung phát triển thế mạnh du lịch theo hướng bền vững, đưa du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu trở thành thương hiệu đặc sắc, điểm đến hấp dẫn của khu vực. Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, tỉnh cần đặc biệt quan tâm vào việc phát triển hệ thống hạ tầng phục vụ du lịch, chú trọng các dự án quy mô, chất lượng cao; tập trung hình thành, phát triển các sản phẩm du lịch phong phú, đặc sắc; chú trọng quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch đến bạn bè trong nước và quốc tế, tạo dấu ấn thu hút du khách và các nhà đầu tư.
Đi đôi với thu hút đầu tư phát triển kinh tế, phải đặc biệt chú ý công tác bảo vệ môi trường, coi môi trường là điều kiện cần, là yếu tố tiên quyết để phát triển bền vững. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đặc biệt lưu ý tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về nội dung này, bởi việc phát triển công nghiệp song song với du lịch là nhiệm vụ không hề đơn giản.
Trong nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực, Phó Thủ tướng lưu ý Bà Rịa-Vũng Tàu cần có các giải pháp đủ hấp dẫn để thu hút nguồn nhân lực từ các tỉnh thành lân cận, đặc biệt từ TPHCM. Quan trọng hơn, phải đặc biệt chú ý việc phát triển nhà ở xã hội, cơ sở hạ tầng thiết yếu cho công nhân, người lao động ở các khu, cụm công nghiệp; gắn phát triển công nghiệp với phát triển đô thị.
Ngay tại hội nghị này, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ký kết biên bản ghi nhớ với 4 nhà đầu tư, tổng vốn đăng ký đến năm 2020 khoảng trên 50.000 tỷ đồng. Các dự án được ký kết gồm phát triển hạ tầng cảng biển, giao thông, du lịch./.