(MPI) – Ngày 11/8/2016, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh nhằm đưa ra các đề xuất, kiến nghị hoàn thiện pháp luật về đầu tư, kinh doanh để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
|
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Minh Trang (MPI)
|
Hội thảo do TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chủ trì, với sự tham dự của 150 đại biểu là đại diện của cùng đại diện các bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị liên quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, công ty tư vấn, luật sư, chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu và các cơ quan thông tấn báo chí.
Sau hơn một năm triển khai Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp về cơ bản đã bắt đầu đi vào cuộc sống, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thông thoáng và an toàn hơn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế còn tồn tại không ít vấn đề và vướng mắc phát sinh, còn có sự khác nhau, không tương thích, mâu thuẫn giữa các quy định của hai Luật so với các quy định của pháp luật chuyên ngành khác, dẫn tới khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trong quá trình thực thi. Theo đó, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và địa phương nghiên cứu và xây dựng Đề án Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh.
Trình bày về những chồng chéo, bất cập trong những thủ tục cấp phép đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất, theo ông Nguyễn Mạnh Hiển, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, để tháo gỡ sự chồng chéo giữa Luật đầu tư và Luật nhà ở về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, đề xuất bỏ thủ tục xin quyết định chủ trương đầu tư tại Luật nhà ở, tất cả các dự án đều xin quyết định chủ trương theo Luật đầu tư, cơ quan quản lý đầu tư sẽ tham vấn ý kiến của các cơ quan có liên quan (Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường...) trước khi trình UBND tỉnh ban hành quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho nhà đầu tư. Trong quá trình chuyển nhượng dự án bất động sản, đề xuất đối với các dự án đã thực hiện thủ tục chuyển nhượng theo Luật đầu tư thì không phải tiếp tục thực hiện chuyển nhượng dự án theo Luật kinh doanh bất động sản, đồng thời làm rõ khái niệm dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và nên bảo đảm quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án giữa các luật. Để giải quyết chồng chéo thủ tục xin phép chuyển nhượng dự án bất động sản giữa Luật đầu tư và Luật kinh doanh bất động sản, đối với các dự án đã thực hiện thủ tục chuyển nhượng dự án theo Luật đầu tư, đề xuất không phải tiếp tục thực hiện thủ tục chuyển nhượng dự án theo Luật kinh doanh bất động sản, cần sáp nhập hai thủ tục làm một để tránh lãng phí nguồn lực nhà nước cho việc phê duyệt chuyển nhượng dự án và tránh phát sinh chi phí và thời gian thực hiện thủ tục hành chính của nhà đầu tư.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Minh Trang (MPI)
|
Trình bày những vấn đề và kiến nghị sửa đổi đối với thủ tục đầu tư và thành lập doanh nghiệp, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM nhấn mạnh, định hướng sửa đổi Luật chủ yếu tập trung làm rõ một số quy định chưa rõ ràng, chưa hợp lý và sự mâu thuẫn giữa các luật có liên quan. Về đăng ký doanh nghiệp, cần thống nhất thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo Luật doanh nghiệp, không phân biệt loại hoạt động kinh doanh, nhà đầu tư. Quy định về người đại diện theo pháp luật, cần quy định rõ việc doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước bên thứ ba trong trường hợp doanh nghiệp có nhiều hơn 1 người đại diện hợp pháp và lạm quyền khi thiết lập giao dịch. Một số đề xuất khác như: Tiêu chuẩn, điều kiện của kiểm soát viên doanh nghiệp nhà nước và công ty cổ phần có trên 50% sở hữu nhà nước cần đạt trình độ chuyên môn kế toán viên, kiểm toán viên; Quy định rõ hơn quyền của cổ đông trong việc tiếp cận thông tin về cổ đông trong công ty; Sửa đổi quy định về ủy quyền dự họp đại hội đồng cổ đông...
Hội thảo cũng được nghe các đại biểu đến từ địa phương, chuyên gia kinh tế, các nhà tư vấn luật... thảo luận chuyên sâu về quy trình cấp phép đầu tư đối với các dự án có sử dụng đất, bao gồm các giai đoạn hình thành, thực hiện và kết thúc dự án đầu tư, góp phần thống nhất quy trình thực hiện. Các ý kiến và khuyến nghị tại Hội thảo sẽ được xem xét, tổng hợp và đưa vào Dự thảo Đề án Luật sửa đổi, bổ sung các luật đầu tư, kinh doanh dự kiến trình Quốc hội thông qua thời gian tới theo trình tự, thủ tục rút gọn./.
Nguyễn Hương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư