Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 30/07/2016-10:08:00 AM
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 năm 2016 tỉnh Hải Dương

Tháng 7, sản xuất nông nghiệp tập trung thu hoạch lúa và rau mầu vụ chiêm xuân, gieo cấy lúa vụ mùa và rau mầu vụ hè thu; hoạt động chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản ổn định; tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm dần.

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

1.1. Trồng trọt

Đến ngày 15/7/2016, toàn tỉnh gieo cấy được 52.901 ha lúa mùa, giảm 7% so với cùng kỳ năm trước. Việc gieo cấy lúa mùa năm nay muộn hơn so với năm 2015 từ 5-7 ngày, nguyên nhân do thời gian thu hoạch lúa vụ chiêm kéo dài hơn. Đến nay việc gieo cấy lúa mùa cơ bản đảm bảo cơ cấu giống, khung thời vụ theo kế hoạch.

Về cây ăn quả, đặc biệt là cây vải, đến nay đã thu hoạch xong. Kết quả điều tra cho thấy, năng suất trung bình đạt 36,25 tạ/ha, sản lượng chung toàn tỉnh đạt 38.341 tấn, giảm 20,8% so với năm 2015. Năng suất vải không đồng đều, có sự chênh lệch lớn giữa các huyện trong tỉnh; do đặc tính đất đai, kỹ thuật thâm canh giữa các địa phương khác nhau. Nguyên nhân năng suất, sản lượng vải giảm là do những tháng đầu năm điều kiện thời tiết không thuận lợi đối với cây vải (nhất là trà vải muộn) làm cho làm cho tỷ lệ đậu quả thấp.

Tình hình tiêu thụ vải tươi năm nay khá thuận lợi do làm tốt hoạt động xúc tiến thương mại. Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cấp thêm 9 mã vùng trồng vải xuất khẩu đi Mỹ, Australia và EU; trong đó, có thêm vùng trồng vải sớm và vải u hồng để xuất khẩu. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có tổng số 11 mô hình vải xuất khẩu sang thị trường Mỹ, EU và Australia với tổng diện tích hơn 111 ha. Ngoài ra vải thiều còn được xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Kông, Lào, Campuchia, Malaysia…nên tình hình tiêu thụ có nhiều thuận lợi hơn, giá bán đạt cao hơn nhiều so với năm 2015. Giá bán vải quả tươi năm 2016 bình quân đạt từ 18.000-22.000 đ/kg, cao hơn năm trước từ 8.000-10.000 đồng/kg.

1.2. Chăn nuôi

Trong tháng 7, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Hải Dương cơ bản ổn định, không có dịch bệnh xảy ra. Chăn nuôi trang trại và gia trại phát triển nhanh, chăn nuôi nhỏ lẻ trong hộ dân cư có xu hướng giảm dần.

Tổng đàn, bò có xu hướng tăng nhẹ, chủ yếu tăng ở đàn trâu, bò nuôi thương phẩm, ước tại thời điểm 30/7, tổng đàn trâu của toàn tỉnh ước đạt 4.893 con, tăng 0,3%; đàn bò ước đạt 21.210 con, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng đàn lợn tại thời điểm tháng 7 ước đạt 592.760 con, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2015.

Tổng đàn gia cầm các loại (gà, vịt, ngan, ngỗng, gia cầm khác) của toàn tỉnh ước đạt 9.410 nghìn con, tăng 2,1 % so với cùng kỳ năm trước, trong đó đàn gà ước tăng 2,9%.

1.3. Thuỷ sản

Trong tháng 7 sản xuất thủy sản của tỉnh vẫn duy trì ổn định và phát triển, công tác quản lý môi trường ao nuôi và phòng ngừa dịch bệnh các loại thủy sản đạt hiệu quả cao, dịch bệnh được khống chế, chỉ xảy ra ở một số ít diện tích. Phương thức nuôi thâm canh thủy sản của nông dân có nhiều tiến bộ; chú trọng đầu tư giống, thức ăn công nghiệp, sản xuất mang tính hàng hóa tập trung, mạnh dạn đầu tư đặc biệt là giống mới và loài đặc sản.

Trong tháng thời tiết khá thuận lợi, số giờ nắng trung bình trong ngày cao, có mưa rào là điều kiện tốt cho sinh trưởng và phát triển của cá; vì vậy, việc thu hoạch cá thương phẩm và thả giống nuôi vụ mới không gặp khó khăn. Việc nuôi cá lồng trên sông vẫn tiếp tục được duy trì ổn định, với các chủng loại giống đa dạng như diêu hồng, rô phi đơn tính, cá lăng, trắm cỏ và cá chép nuôi giòn.

2. Công nghiệp

Số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động hay sản xuất cầm chừng tăng lên, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chỉ số sản xuất công nghiệp chung của tỉnh. Từ cuối quý II tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm dần.

So với tháng trước, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 giảm 4,0%; trong đó, ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hoà giảm 12,0%; chế biến chế tạo 0,2%. Trong nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có một số ngành có chỉ số sản xuất giảm đó là: sản xuất chế biến thực phẩm giảm 13,4%; sản xuất trang phục giảm 12,0%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 10,0%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 5,2%.

Sản lượng điện sản xuất tháng 7 ước giảm 23,5% so với tháng 6; giảm 17,6% so với cùng kỳ năm trước. Theo kế hoạch sản xuất điện của EVN, đối với các nhà máy nhiệt điện sẽ hạn chế vận hành do giá thành cao. Vì vậy, trong tháng 7 thời tiết không còn nắng nóng gay gắt như tháng 6 vừa qua nên nhu cầu về điện tiêu thụ sinh hoạt giảm; bên cạnh đó, do việc sử dụng điện của các doanh nghiệp cho sản xuất giảm (thể hiện ở chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tháng 7 giảm so tháng trước khoảng 4,0%). Đây là nguyên nhân chính làm cho chỉ số ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt... tháng 7 giảm khá sâu (giảm 12,0% so với tháng 6, giảm 1,9% so với cùng kỳ).

Tính chung 7 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 7,7% . Trong đó nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,5%; sản xuất và phân phối điện, khí dốt, nước nóng, hơi nước, và điều hòa không khí tăng 6,5%; riêng cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 10,8%; công nghiệp khai khoáng giảm 22,5%.

3. Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn

Ước tháng 7 năm 2016, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 225,5 tỷ đồng, giảm 11,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến 15/7, trên địa bàn tỉnh chưa có dự án đầu tư nước ngoài nào được cấp mới; trong 7 tháng đầu năm, đã cấp mới cho 12 dự án với số vốn đăng ký 64,2 triệu USD.

4. Thu, chi ngân sách Nhà nước

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đến hết tháng 7 ước đạt 5.708,5 tỷ đồng, bằng 94,0% so cùng kỳ năm trước; trong đó, thu nội địa 4.662,4 tỷ đồng, bằng 96,9%; thu qua hải quan 1.046,1 tỷ đồng, bằng 83,0%.

Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến ngày 15 tháng 7 ước đạt 7.766,3 tỷ đồng, bằng 81,5% dự toán năm; trong đó, chi đầu tư phát triển 1.284,1 tỷ đồng, bằng 101,6%; chi thường xuyên 6.476,6 tỷ đồng, bằng 91,8%.

5. Thương mại, giá cả, dịch vụ

5.1. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 7 tháng ước đạt 23.479 tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước;

Phân theo ngành kinh tế, so với cùng kỳ năm trước doanh thu bán lẻ hàng hóa 7 tháng ước đạt 19.219,2 tỷ đồng, tăng 9,8%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 1.790,0 tỷ đồng, tăng 3,5%; doanh thu dịch vụ lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch ước đạt 6,3 tỷ đồng, tăng 1,3%; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 2.463,4 tỷ đồng, tăng 4,5%.

5.2. Xuất, nhập khẩu hàng hoá

Trị giá hàng hóa xuất khẩu 7 tháng năm 2016 ước đạt 2.355,3 triệu USD, giảm 1,3% so với cùng kỳ.

Trị giá hàng hóa nhập khẩu 7 tháng đầu năm ước đạt 2.035,1 triệu USD, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước.

5.3. Chỉ số giá tiêu dùng

Chỉ số giá tháng này giảm 0,1% so với tháng trước; so với tháng 12 năm trước tăng 2,5%; và so với bình quân cùng kỳ tăng 1,8%.

Sau 5 tháng liên tiếp chỉ số giá tăng, tháng này chỉ số giá có xu hướng giảm. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 so với tháng trước giảm 0,08%; so với tháng 12 năm trước tăng 2,45% và so với bình quân cùng kỳ năm trước tăng 1,85%. Mức độ giảm giữa khu vực thành thị và nông thôn tương đối đồng đều.

Nguyên nhân làm cho chỉ số tháng này giảm nhẹ chủ yếu là do nhóm hàng thực phẩm, vật liệu xây dựng ... giảm nhẹ. Ngoài ra, từ 01/7 giá ga đun giảm 14.000đ/bình 12 kg và tính bình quân so với tháng trước giảm 17.000đ/bình cũng góp phần làm giảm chỉ số CPI chung./.


Website Cục Thống kê Hải Dương

    Tổng số lượt xem: 1108
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)