Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 30/09/2016-15:39:00 PM
Công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2016
(MPI) – Ngày 29/9/2016, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Họp báo “Công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2016” dưới sự chủ trì của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Bích Lâm. Tham dự buổi Họp báo có đại diện lãnh đạo Tổng cục và lãnh đạo các đơn vị thuộc Tổng cục Thống kê, một số Bộ, ngành cùng các cơ quan thông tấn báo chí.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê phát biểu tại buổi Họp báo. Ảnh: Minh Hậu (MPI)

Tại buổi Họp báo, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, trong 9 tháng năm 2016, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính tăng 5,93% so với cùng kỳ năm trước, tiếp tục xu hướng tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước nhưng vẫn thấp hơn mức tăng 6,53% của cùng kỳ năm 2015. Nguyên nhân chủ yếu do ngành công nghiệp khai khoáng tiếp tục giảm sút và nông nghiệp tăng trưởng thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm trước. Trong mức tăng 5,93% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,65%, là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ 6 năm gần đây, đóng góp 0,11 điểm phần trăm vào mức tăng chung, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,50%, đóng góp 2,52 điểm phần trăm, khu vực dịch vụ tăng 6,66%, đóng góp 2,55 điểm phần trăm.

Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành lâm nghiệp đạt mức tăng cao nhất với 6,19% so với cùng kỳ năm 2015, đóng góp 0,04 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Ngành thủy sản tăng 1,81%, đóng góp 0,06 điểm phần trăm, riêng ngành nông nghiệp mặc dù đã có dấu hiệu tăng trở lại so với mức giảm 0,78% của 6 tháng đầu năm nhưng tốc độ tăng chỉ ở mức 0,05%, đóng góp 0,01 điểm phần trăm. Ngành công nghiệp tăng 7,19% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều mức tăng 9,86% của 9 tháng năm 2015, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức tăng 11,22%, đóng góp 1,80 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Ngành khai khoáng giảm tới 3,60%, làm giảm 0,28 điểm phần trăm, nguyên nhân chủ yếu do sản lượng dầu thô khai thác giảm so với cùng kỳ năm trước, khai thác than gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm do giá giảm. Ngành xây dựng tăng trưởng khá với tốc độ 9,1%, đóng góp 0,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Toàn cảnh buổi Họp báo. Ảnh: Minh Hậu (MPI)

Trong khu vực dịch vụ, mức tăng của một số ngành có tỷ trọng lớn, bán buôn và bán lẻ tăng 8,15% so với cùng kỳ năm trước. Đây là ngành có mức tăng trưởng cao thứ hai của khu vực dịch vụ, dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 5,71%, đóng góp 0,22 điểm phần trăm, hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,38%, đóng góp 0,37 điểm phần trăm, hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 3,66%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm.

Trong 9 tháng năm 2016, cơ cấu nền kinh tế khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 15,54%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 32,48%, khu vực dịch vụ chiếm 41,8%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,18%, sử dụng GDP, tiêu dùng cuối cùng tăng 6,97% so với cùng kỳ năm 2015, đóng góp 4,96 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung, tích lũy tài sản tăng 10,12%, đóng góp 2,87 điểm phần trăm, chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tính trong GDP ở tình trạng nhập siêu làm giảm 1,9 điểm phần trăm tăng trưởng.

Về tình hình đăng ký doanh nghiệp, cả nước có 81.451 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 629,1 nghìn tỷ đồng, tăng 19,2% về số doanh nghiệp và tăng 49,5% về số vốn đăng ký, số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 7,7 tỷ đồng, tăng 25,4%. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới là 928,7 nghìn người, bằng 92,9% cùng kỳ năm 2015, có 20.510 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 59,6% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động lên gần 102 nghìn doanh nghiệp. Điều này cho thấy khung khổ pháp lý mới cùng với các giải pháp của Chính phủ trong việc hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp phát triển đã phát huy hiệu quả, giúp doanh nghiệp tìm thấy hướng đi, cơ hội phát triển mới.

Về hoạt động dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 2605,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước, loại trừ yếu tố giá còn tăng 7,7%. Vận tải hành khách ước tính đạt 2710,3 triệu lượt khách, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước và 128,1 tỷ lượt khách.km, tăng 10,5%. Vận tải hàng hóa 9 tháng đạt 937,6 triệu tấn, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước và 179 tỷ tấn.km, tăng 3,8%.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 9 tháng năm 2016 theo giá hiện hành ước tính đạt 1006,9 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước và bằng 33,1% GDP, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 378,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 37,6% tổng vốn và tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước; Vốn khu vực ngoài Nhà nước đạt 387,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 38,5% và tăng 10,1%; Vốn khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 240,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 23,9% và tăng 12,6%. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 180 nghìn tỷ đồng, bằng 69,1% kế hoạch năm, trong đó vốn Trung ương quản lý đạt 42,6 nghìn tỷ đồng, bằng 68,1%; Vốn địa phương quản lý đạt 137,4 nghìn tỷ đồng, bằng 69,4% kế hoạch năm.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm ngày 20/9/2016 thu hút 1820 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 11.164,6 triệu USD, tăng 27,1% về số dự án và tăng 1,1% về vốn đăng ký. Bên cạnh đó, có 851 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 5265,5 triệu USD. Tính chung tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn bổ sung đạt 16.430,1 triệu USD, giảm 4,2%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước tính đạt 11,02 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2015.

Về xuất, nhập khẩu hàng hóa cho thấy, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 9 ước tính đạt 15,0 tỷ USD, giảm 6,8% so với tháng trước và tăng 9%. Tính chung 9 tháng ước tính đạt 128,2 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 37,0 tỷ USD, tăng 5%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 91,2 tỷ USD, tăng 7,4%. Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 15,1 tỷ USD, giảm 2,7% so với tháng trước và tăng 9,8%. Tính chung 9 tháng năm 2016 đạt 125,4 tỷ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 51,4 tỷ USD, tăng 2%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 74,0 tỷ USD, tăng 0,9%.

Cán cân thương mại hàng hóa tháng 9 ước tính nhập siêu 100 triệu USD, tính chung 9 tháng năm 2016 xuất siêu 2,76 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 14,38 tỷ USD; Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 17,14 tỷ USD.

Cũng theo Báo cáo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2016 tăng 0,54% so với tháng trước, trong đó nhóm giáo dục tăng cao nhất với 7,19 do trong tháng có 53 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện điều chỉnh tăng giá học phí theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021. Nhóm giao thông tăng 0,55% do giá xăng dầu được điều chỉnh tăng vào các thời điểm 19/8/2016 và 05/9/2016. Các nhóm hàng hóa và dịch vụ còn lại có chỉ số giá tăng thấp hơn mức tăng chung hoặc giảm: Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,18%; May mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,14%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,11%; Nhà ở và vật liệu xây dựng; Hàng ăn và dịch vụ ăn uống cùng tăng 0,09%; Đồ uống và thuốc lá tăng 0,04%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%; Riêng bưu chính viễn thông giảm 0,07%.

CPI tháng 9/2016 tăng 3,14% so với tháng 12/2015, bình quân mỗi tháng tăng 0,34%. CPI bình quân 9 tháng năm 2016 tăng 2,07% so với bình quân cùng kỳ năm 2015, cao hơn so với mức tăng 0,74% của bình quân cùng kỳ năm trước, nhưng thấp hơn nhiều so với mức tăng CPI bình quân 9 tháng của một số năm gần đây và vẫn nằm trong giới hạn mục tiêu 5% mà Quốc hội đề ra. Tuy nhiên, từ nay đến hết năm 2016 có nhiều yếu tố gây áp lực lên CPI: Giá dịch vụ y tế, giá xăng dầu, chi tiêu dùng cuối năm, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công thương và các Bộ, ngành liên quan theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường, đồng thời cần cân nhắc thời gian điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu để tránh gây tác động lan tỏa về mặt tâm lý lên CPI.

Lạm phát cơ bản tháng 9/2016 tăng 0,07% so với tháng trước và tăng 1,85% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng năm 2016 tăng 1,81% so với bình quân cùng kỳ năm 2015./.

Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2314
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)