(MPI) – Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên thảo luận dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa diễn ra vào ngày 06/10/2016.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chủ trì họp Ban soạn thảo dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: MPI
|
Thay mặt Chính phủ trình bày Tờ trình tóm tắt về Dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, ở nhiều quốc gia, DNNVV đều chiếm tỷ lệ cao trong tổng số doanh nghiệp (97-99%) và được xác định là “động lực tăng trưởng”, “xương sống” của nền kinh tế. Các nước đã phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Xinh-ga-po, Liên minh châu Âu… và các nước đang phát triển trong khu vực như Ma-lai-xi-a, Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ… đều coi trọng vai trò của khu vực DNNVV.
Công tác hỗ trợ DNNVV được xem như một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều quốc gia đã sớm ban hành các đạo luật cơ bản về hỗ trợ DNNVV từ nhiều năm trước nhằm thúc đẩy khu vực doanh nghiệp này phát triển, đổi mới sáng tạo, đóng góp ngày càng cao trong nền kinh tế. Thậm chí ở một số quốc gia, hỗ trợ DNNVV được quy định trong Hiến pháp như Hàn Quốc, Đài Loan.
Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, đồng thời học tập kinh nghiệm của các nước trong hỗ trợ DNNVV, việc xây dựng và ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV của Việt Nam là cần thiết, phù hợp với xu hướng chung của thế giới.
Trong quá trình soạn thảo Dự án Luật, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức các cuộc họp, hội thảo, gửi văn bản để xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức hiệp hội, tổ chức quốc tế, nhà khoa học, chuyên gia trong các ngành, lĩnh vực đối với các nội dung của dự thảo Luật. Tổng cộng đã nhận được ý kiến đóng góp của 16/22 Bộ, cơ quan ngang Bộ; 47/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 11 tổ chức hội, hiệp hội có phạm vi hoạt động trong cả nước và các tổ chức, cá nhân. Đồng thời cũng đã tiến hành đánh giá tác động kinh tế - xã hội của dự thảo Luật.
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã giới thiệu dự thảo Luật trên Cổng thông tin điện tử của Quốc hội, Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tham khảo ý kiến cộng đồng. Đồng thời, các thành viên Chính phủ cũng đã cho ý kiến đóng góp đối với dự thảo Luật tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 và tháng 8 năm 2016.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, quan điểm, mục tiêu xây dựng Luật là nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân, phát triển DNNVV. Thiết lập đồng bộ các chính sách, chương trình nhằm hỗ trợ DNNVV có chọn lọc, phù hợp với mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế của đất nước, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, quốc gia và nguồn lực có thể bố trí trong từng thời kỳ; Hỗ trợ DNNVV phù hợp với nguyên tắc thị trường, không phân biệt đối xử, đảm bảo không vi phạm các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; Hỗ trợ DNNVV sử dụng nguồn lực nhà nước được thực hiện chủ yếu thông qua lựa chọn các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ hỗ trợ DNNVV theo quy định của pháp luật và thông qua thiết lập cơ chế, chính sách hỗ trợ các tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ hỗ trợ DNNVV; Tăng cường năng lực và hiệu quả cho hệ thống cơ quan, tổ chức hỗ trợ DNNVV. Nâng cao hiệu quả điều phối, xây dựng, tổ chức thực hiện, giám sát và đánh giá các hoạt động hỗ trợ DNNVV; Tạo khung pháp lý để huy động khu vực kinh tế tư nhân và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia cùng Chính phủ thực hiện hỗ trợ DNNVV.
Dự thảo Luật đã thu hẹp các đối tượng hỗ trợ có trọng tâm nhằm tập trung nguồn lực ưu tiên cho: Doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; DNNVV trong lĩnh vực sản xuất chế biến; Doanh nghiệp được chuyển đổi từ hộ kinh doanh, phù hợp với mục tiêu và định hướng phát triển của đất nước, lợi thế của từng ngành, lĩnh vực, địa bàn và khả năng nguồn lực của quốc gia trong từng thời kỳ.
Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV gồm 6 chương với 47 điều và được thiết kế 2 phần nội dung quan trọng. Thứ nhất, các nội dung hỗ trợ cơ bản, thiết yếu đối với tất cả các DNNVV. Tuy nhiên, không hỗ trợ tài chính trực tiếp hoặc bao cấp cho DNNVV. Những hỗ trợ cơ bản này được thực hiện thông qua cơ chế chính sách để hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp trung gian cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho DNNVV.
Thứ hai, các chương trình hỗ trợ trọng tâm, hỗ trợ có mục tiêu, trọng điểm theo định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và tự chủ của nền kinh tế. Cụ thể gồm 3 chương trình hỗ trợ và các chương trình khác do Chính phủ quy định phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển và điều kiện ngân sách trong từng thời kỳ.
Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Đồng thời, hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển DNNVV, doanh nghiệp khởi nghiệp.
Theo dự kiến, dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV./.
Đức Trung
Bộ Kế hoạch và Đầu tư