Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 31/10/2016-10:08:00 AM
Hội nghị Quan chức cấp cao (SOM) lần thứ 11 Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam diễn ra tại Đắk Nông
(MPI) - Hội nghị SOM lần thứ 11 Khu vực Tam giác Phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV) diễn ra từ ngày 31/10 đến ngày 02/11/2016 tại tỉnh Đắk Nông dưới sự đồng chủ trì của Quốc vụ khanh, Bộ Thương mại Campuchia; Thứ trưởng, Bộ Ngoại giao Lào và Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam. Tham dự Hội nghị còn có đại diện của một số Bộ, ngành liên quan của ba nước Campuchia, Lào và Việt Nam.

Hội nghị nhằm đánh giá tình hình hợp tác giữa ba nước kể từ Hội nghị cấp cao lần thứ 8 năm 2014 và Hội nghị Ủy ban điều phối chung lần thứ 10 năm 2015. Đồng thời, đánh giá tình hình triển khai Biên bản ghi nhớ giữa ba nước về cơ chế ưu đãi đặc biệt; Bản sửa đổi Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Khu vực Tam giác phát triển CLV đến năm 2020; Kêu gọi các Bộ, ngành, địa phương có liên quan của ba nước tiếp tục triển khai Biên bản ghi nhớ và bản Quy hoạch Khu vực Tam giác phát triển CLV thành các hoạt động và chương trình, dự án cụ thể.

Bên lề Hội nghị SOM, sáng ngày 31/10/2016, tại Đắk Nông, một trong 13 tỉnh trong tam giác phát triển CLV đã diễn ra Hội nghị của 04 Tiểu ban: An ninh - Đối ngoại; Kinh tế; Môi trường - Xã hội và Địa phương.

Toàn cảnh Hội nghị Tiểu ban Kinh tế.

Tại Hội nghị Tiểu ban Kinh tế, một trong những trụ cột chính yếu trong hợp tác Khu vực Tam giác phát triển CLV, các đại biểu 3 nước đã dành thời gian để đánh giá về việc triển khai những cam kết của 3 Thủ tướng tại Hội nghị cấp cao năm 2014 trên lĩnh vực kinh tế, nhìn nhận những thành tựu, tìm ra những khó khăn, thách thức, từ đó đề xuất những biện pháp khắc phục và đưa ra phương hướng hợp tác trong thời gian tới tại 13 tỉnh trong Khu vực.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Nhật Thành, Trưởng Tiểu ban Kinh tế Việt Nam, Vụ trưởng - Phụ trách Ban Hợp tác Campuchia – Lào, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Khu vực Tam giác phát triển CLV đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Cơ cấu kinh tế của Khu vực chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm, thủy sản, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, dịch vụ. Hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng được nâng cấp, hoàn thiện và mở rộng nhất là trong lĩnh vực giao thông, cấp điện. Nhiều công trình thuỷ điện lớn được đầu tư xây dựng...

Các tuyến trục giao thông quan trọng trong Khu vực đã được nâng cấp, mở rộng như Quốc lộ 14C giai đoạn 2, Quốc lộ 14 (đi trùng đường Hồ Chí Minh), tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng nền, mặt đường, riêng đoạn nối với tuyến đường 76 (Campuchia) dài 65km, vốn đầu tư 480 tỷ đồng, hiện đang được đưa vào Kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh Đắk Nông để triển khai.

Hiện tại 5 tỉnh thuộc Khu vực Tam giác phát triển CLV của Việt Nam thu hút 203 dự án từ 23 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký là 1,63 tỷ USD. Các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư vào Khu vực Tam giác phát triển CLV của Lào và Campuchia 109 dự án với tổng vốn đăng ký phía Việt Nam khoảng 3,842 tỷ USD (trong đó: 48 dự án đầu tư nằm trong Khu vực Tam giác phát triển CLV thuộc Campuchia; 61 dự án đầu tư vào Khu vực Tam giác phát triển CLV thuộc Lào). Các dự án của Việt Nam tập trung vào một số lĩnh vực như: nông nghiệp, trồng và khai thác cao su, khai khoáng, công nghiệp chế biến chế tạo, tài chính ngân hàng...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được của Khu vực trong thời gian qua, các bên cũng nhận thấy rằng những kết quả này vẫn khiêm tốn và hạn chế, chưa tạo được bước đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong Khu vực và rút ngắn khoảng cách về phát triển so với bình quân của mỗi nước.

Tại Hội nghị Tiểu ban Kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam đã trình bày dự thảo Kế hoạch hành động kết nối ba nền kinh tế Campuchia - Lào - Việt Nam đến năm 2030 nhằm tạo điều kiện thuận lợi về hạ tầng; Thông thoáng về thể chế; Hiểu biết về văn hóa, con người giữa ba nước. Theo đó, tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, năng lượng, thông tin liên lạc…, đảm bảo tính hiện đại và đồng bộ hạ tầng trong mỗi nước với hạ tầng kết nối giữa các nước; Gỡ bỏ các rào cản, thủ tục cản trở việc lưu thông hàng hóa, con người; Tăng cường giao lưu, hiểu biết giữa nhân dân ba nước. Thông qua kết nối kinh tế tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi nước, đồng thời tạo cơ sở để ba nước CLV hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN và hội nhập khu vực, quốc tế sâu rộng, hiệu quả hơn.

Các đại biểu Tiểu ban Kinh tế chụp ảnh lưu niệm.

Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam là một khu vực ngã ba biên giới của ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Phạm vi của Tam giác phát triển này bao gồm 13 tỉnh, gồm: Ratanakiri, Stung Treng, Mondulkiri và Kratié ở miền Đông Campuchia, Attapu, Salavan, Sekong và Champasak ở miền Nam Lào, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Bình Phước ở vùng Tây Nguyên, Việt Nam./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1160
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)