(MPI) – Ngày 28/11/2016, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư diễn ra Hội nghị giao ban đầu tư nước ngoài khu vực phía Bắc năm 2016. Tham dự Hội nghị có đại diện Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Trung tâm xúc tiến đầu tư 29 tỉnh, thành phía Bắc cùng đại diện Lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
|
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Minh Hậu (MPI)
|
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình đầu tư nước ngoài tại Việt Nam lũy kế đến tháng 11/2016 có 22.280 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 292,6 tỷ USD từ 114 quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong 11 tháng năm 2016 có 2.240 dự án cấp mới tăng 20,8% cùng kỳ, 1075 dự án tăng vốn, tăng 55,3% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký 18,1 tỷ USD bằng 89,5% cùng kỳ năm 2015. Lý do giảm vốn, không có nhiều dự án quy mô lớn được cấp phép trong năm 2016 so với cùng kỳ năm trước (11 tháng chỉ có dự án của LG Hải Phòng là dự án lớn nhất được cấp phép với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,5 tỷ USD, có 2 dự án điện lớn dự kiến cấp phép nhưng khó có khả năng cấp phép trong năm nay). Dự kiến cuối năm 2016 tổng vốn thu hút khoảng hơn 20 tỷ USD giảm so với năm ngoái (24,1 tỷ USD).
Về chính sách đầu tư nước ngoài, triển khai Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp đã tạo môi trường thông thoáng cho hoạt động đầu tư. Tuy nhiên, đối với các dự án đầu tư nước ngoài cần bổ sung thêm các chính sách đặc thù để tăng cường quản lý, kiểm soát, từ chối dự án hoặc nhà đầu tư nào đó hoặc địa điểm không khuyến khích. Dự án có vốn đầu tư nước ngoài cần sửa theo hướng chỉ cần có sự chấp thuận chủ trương của cấp có thẩm quyền đối với từng loại dự án. Ngoài ra, đề nghị phân biệt rõ việc chấp thuận chủ trương của dự án cụ thể với việc chấp thuận chủ trương về quy hoạch. Xem xét, nghiên cứu bổ sung quy định về vốn chủ sở hữu của dự án tối thiểu bằng 30% tổng vốn đầu tư của dự án. Đồng thời, cân nhắc tách biệt xem xét các dự án sản xuất và dự án dịch vụ. Kiểm soát việc góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài. Thời hạn của dự án đầu tư không áp dụng đại trà cho mọi dự án mà sẽ theo từng loại dự án. Kiểm soát nguồn gốc của dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và tại Việt Nam. Cần bổ sung quy định về thẩm quyền, trình tự đối với dự án trên nhiều tỉnh, cần có quy định về xử lý đối với các trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký thành lập nhưng sau đó không góp vốn điều lệ.
Về kiểm tra, giám sát đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 09/2016/TT-BKHĐT ngày 30/6/2016 về theo dõi, kiểm tra, đánh giá đối với hoạt động đầu tư nước ngoài với mục tiêu tăng cường hậu kiểm theo tinh thần Luật đầu tư về việc đơn giản hóa quá trình đăng ký, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quản lý nhà nước được thực hiện thông qua công tác theo dõi, kiểm tra, đánh giá sau cấp phép. Thống nhất quy trình kiểm tra, đánh giá đối với các dự án có vốn đầu tư nước ngoài tại tất cả các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư. Bên cạnh đó, thực hiện việc rà soát để hạn chế tình trạng kiểm tra tràn lan đối với các doanh nghiệp, dự án. Việc kiểm tra theo kế hoạch được một cơ quan đầu mối rà soát, tổng hợp. Đồng thời, cụ thể hóa công tác theo dõi, kiểm tra, đánh giá đối với các cơ quan đăng ký đầu tư, giám sát cả cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.
Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe báo cáo và thảo luận về tình hình thi hành Luật đầu tư, rà soát kế hoạch, thực hiện chương trình xúc tiến đầu tư của các địa phương theo tinh thần của Quyết định số 03/2014/QĐ-TTg ngày 14/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế quản lý nhà nước đối với hoạt động xúc tiến đầu tư; Thảo luận những vướng mắc của các địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện công tác đầu tư nước ngoài./.
Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư