(Nguồn: AP) Ủy ban châu Âu (EC) ngày 1/12 đã công bố một loạt đề xuất nhằm cải thiện môi trường thuế giá trị gia tăng (VAT) của các doanh nghiệp thương mại điện tử tại Liên minh châu Âu (EU), cho phép người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp mới thành lập, cùng các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có thể dễ dàng thực hiện giao dịch mua bán các sản phẩm và dịch vụ thông qua thương mại điện tử.
Việc chính thức mở cổng thông tin giao dịch duy nhất trên quy mô châu Âu dành cho thanh toán thuế VAT qua mạng Internet sẽ giúp giảm đáng kể chi phí thực hiện nghĩa vụ thuế VAT của các doanh nghiệp trên toàn EU, với số tiền tiết kiệm ước tính lên tới 2,3 tỷ euro mỗi năm (2,44 tỷ USD).
Bên cạnh đó, việc EC đề xuất phân bổ tiền thuế thu được một cách công bằng giữa các nước EU sẽ đảm bảo tiền thuế VAT được nộp cho chính quốc gia thành viên EU - nơi khách hàng của họ là người tiêu thụ cuối cùng.
Đề xuất của EC cũng sẽ tạo điều kiện cho các nước thành viên lấy lại tiền thuế VAT không hiện diện trong các giao dịch bán hàng qua mạng hàng năm khoảng 5 tỷ euro (5,31 tỷ USD) và ước tính có thể lên tới 7 tỷ euro (7,44 tỷ USD) từ nay đến năm 2020.
Các khoản thuế VAT phát sinh khi bán hàng qua biên giới có giá trị dưới 10.000 euro (10.630 USD) sẽ được quản lý ở cấp quốc gia, trong khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ kinh doanh qua biên giới với trị giá hàng hóa tối đa 100.000 euro sẽ được hưởng các thủ tục đơn giản nhất.
EC cũng cho phép các nước thành viên được áp dụng cùng một tỷ lệ phần trăm thuế VAT đối với các loại hình ấn phẩm điện tử như sách, báo điện tử, cùng các ấn phẩm xuất bản truyền thống.
Ngoài ra, cơ quan này còn đề xuất biện pháp giúp hoạt động giao nhận hàng đóng gói dễ dàng và hiệu quả hơn, nhằm bảo vệ người tiêu dùng mua hàng qua mạng, đồng thời ngăn ngừa hành động từ chối chuyển hàng mà không có lý do chính đáng nào khác ngoài lý do vị trí địa lý .
Phó Chủ tịch EC phụ trách thị trường số, ông Andrus Ansip nhấn mạnh EC giữ đúng cam kết giải phóng tiềm năng thị trường thương mại điện tử tại châu Âu, đồng thời mong muốn đơn giản hóa các quy định về thuế VAT và đây được xem là bước hoàn thiện cuối cùng.
Ông Ansip cũng cho rằng các đề xuất nói trên không chỉ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp - đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô nhỏ và các doanh nghiệp khởi nghiệp (Start-up) - mà còn giúp tăng hiệu quả các dịch vụ công và tăng cường hợp tác xuyên biên giới.
Các đề xuất mới với cách tiếp cận mới về thuế VAT trong thương mại điện tử là sự mở rộng các cam kết của EC trong khuôn khổ chiến lược về một thị trường thương mại số thống nhất toàn châu Âu qua chương trình hành động mang tên "Hướng tới không gian VAT thống nhất trong toàn liên minh."
Những đề xuất pháp lý này sẽ được trình lên Nghị viện châu Âu để xem xét và chuyển tới Hội đồng châu Âu thông qua./.