Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 25/10/2016-09:56:00 AM
Tóm tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2016 của tỉnh Hà Giang

1. Về phát triển kinh tế:

- Sản xuất Nông lâm nghiệp và nông thôn: Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm ước178.179 ha, giảm 766 ha so với năm 2015; trong đó: Diện tích lúa gieo cấy toàn tỉnh 37.451,9 ha, tăng 698,2 ha; Ngô cả năm 53.610 ha, giảm 2,18%; Tổng sản lượng lương thực cả năm ước đạt 395,4 nghìn tấn, đạt 97,3% kế hoạch nhưng tăng 5.174 tấn so với năm 2015. Chăn nuôi phát triển ổn định, sản lượng xuất chuồng tăng so với cùng kỳ năm trước; tuy nhiên, vẫn xuất hiện rải rác dịch LMLM, tụ huyết trùng, nhiệt thán,... với 154 con mắc bệnh, đã được ngăn chặn và xử lý kịp thời. Thực hiện trồng mới 4.331 ha rừng, đạt 78,2% kế hoạch; công tác chăm sóc, khoanh nuôi, bảo vệ rừng đạt 100% kế hoạch; do thời tiết nắng nóng khô hanh đã xảy ra 37 vụ cháy rừng làm thiệt hại 262,2 ha rừng.

Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh, mở mới trên 173 km đường đất đá, nâng cấp trên 630 km đường giao thông nông thôn; nhân dân hiến trên 346 nghìn m2 đất, đóng góp gần 187 nghìn ngày công lao động,... thực hiện 417 mô hình phát triển kinh tế. Tổng vốn đầu tư từ NSNN thực hiện Chương trình 199,1 tỷ đồng, giải ngân đạt 14,5% KH; huy động vốn của các tổ chức, cá nhân 8,18 tỷ đồng.

Tình hình thiên tai: Từ tháng 4 đến 10/9/2016, xảy ra nhiều đợt gió lốc kèm theo mưa đá làm 06 người chết, 01 người mất tích, 10 người bị thương và thiệt hại về tài sản, hoa màu, tổng giá trị thiệt hại ước tính hơn 120 tỷ đồng. Đầu năm rét đậm, rét hại và nắng nóng kéo dài đã gây thiệt hại 8.835,26 ha cây trồng.

- Sản xuất công nghiệp, xây dựng: Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế ước đạt trên 2.912,5 tỷ đồng, đạt 67,7% kế hoạch. Một số sản phẩm tăng khá như: Quặng sắt và tinh quặng sắt tăng 22,46%; chè chế biến tăng 5,4%; bột giấy tăng 13,7%; sản phẩm in tăng 39,2%; xi măng tăng 14,5%; điện sản xuất tăng 9,5%; ván dán tăng hơn 5 lần so với cùng kỳ…

Công tác quản lý đầu tư xây dựng, giám sát đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản được thực hiện khá tốt; rà soát cắt giảm quy mô, giãn hoãn tiến độ và dừng thi công 80 dự án, tổng mức đầu tư giảm trên 2.916 tỷ đồng. Triển khai thủ tục đầu tư một số dự án trọng điểm, cấp thiết. Giá trị sản xuất xây dựng (theo giá hiện hành) ước đạt 3.039,7 tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ.

- Thương mại, dịch vụ và du lịch: Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ thị trường xã hội ước đạt gần 5.355 tỷ đồng đạt 73,6% kế hoạch. Kim ngạch xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu ước đạt 755,2 triệu USD, đạt 215,7% kế hoạch, trong đó: xuất khẩu địa phương 23,3 triệu USD; Nhập khẩu địa phương13,13 triệu USD.

- Doanh thu từ hoạt động vận tải ước đạt trên 326 tỷ đồng, tăng 4,2% so cùng kỳ; Các dịch vụ bưu chính, viễn thông tiếp tục phát triển. Hoạt động du lịch có nhiều đổi mới, đã đón 614,9 nghìn lượt khách, tăng 17,7% so với cùng kỳ.

- Tài chính, tín dụng: Thu ngân sách trên địa bàn đạt 1.238,2 tỷ đồng, đạt 69,6% KH tỉnh giao, trong đó: Thu nội địa 1.062 tỷ đồng; thu xuất nhập khẩu ước 160 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách 7.028,1 tỷ đồng, đạt 72% dự toán.

Tổng vốn huy động tại địa phương ước đạt 7.312 tỷ đồng, đạt 84% KH. Tổng dư nợ ước đạt 13.624 tỷ đồng, đạt 83% KH. Nợ xấu 48 tỷ đồng, chiếm 0,35%/tổng dư nợ.

- Tình hình thực hiện các chương trình, dự án và các nguồn vốn đầu tư: Kế hoạch vốn đầu tư từ NSNN năm 2016 được giao 2.348,7 tỷ đồng. Triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 60/NQ-CP của Chính phủ và Kế hoạch số 172/KH-UBND ngày 19/7/2016 của UBND tỉnh; Giải ngân các nguồn vốn ước đạt 72% KH.

- Khoa học công nghệ, Tài nguyên môi trường: Tiếp tục tổ chức thẩm định, kiểm tra, nghiệm thu các đề tài, dự án. Xây dựng, phát triển thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản của tỉnh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa cho các doanh nghiệp. Tiếp tục thực hiện đo đạc hồ sơ cấp GCN QSDĐ 15 xã tại huyện Đồng Văn, Hoàng Su Phì và TP Hà Giang. Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, khoáng sản, bảo vệ môi trường.

- Hoạt động thu hút đầu tư và phát triển các thành phần kinh tế: Huy động vốn đầu tư phát triển ước đạt trên 4.046 tỷ đồng, tăng 4,8% so cùng kỳ. Tổ chức thành công Diễn đàn gặp mặt - đối thoại với doanh nghiệp Hà Giang với gần 160 doanh nghiệp tham gia, Ngày hội khởi nghiệp tỉnh Hà Giang với 200 đoàn viên, thanh niên có nhu cầu khởi nghiệp tham gia; làm việc với các đoàn công tác, doanh nghiệp Nhật Bản; tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc)... để thu hút các dự án đầu tư vào tỉnh; ký kết hợp đồng với Công ty TNHH McKinsey&Company Việt Nam lập Quy hoạch đầu tư phát triển du lịch Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn và thành phố Hà Giang. Công tác thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc, đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 25 dự án mới với tổng vốn đăng ký trên 2.807 tỷ đồng.

Trong 9 tháng, vận động thu hút được 05 dự án ODA với tổng mức đầu tư khoảng 79 triệu USD và thực hiện tốt 25 dự án sử dụng vốn ODA; 19 dự án sử dụng vốn NGO. Có 83 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 1.128 tỷ đồng, đến nay, toàn tỉnh có 1.436 doanh nghiệp và 280 chi nhánh, văn phòng đại diện; 688 HTX; duy trì hoạt động 1.309 tổ hợp tác.

- Về tình hình thực hiện các cơ chế, chính sách của Tỉnh: Đang hướng dẫn, triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách về phát triển nông nghiệp hàng hóa, du lịch và kinh tế biên mậu, trong đó thực hiện chính sách phát triển nông nghiệp hàng hóa theo Nghị quyết 209/2015/NQ-HĐND; đến 31/8/2016, có 1.869 hộ đủ điều kiện vay vốn, nhu cầu vay trên 151 tỷ đồng, giải ngân trên 90 tỷ đồng cho 1.308 hộ. Tập trung triển khai Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy; đã ban hành các quyết định phân cấp, ủy quyền cho vùng động lực trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

2. Lĩnh vực văn hóa - xã hội

- Quy mô giáo dục tiếp tục phát triển, chất lượng được nâng lên; kết quả năm học 2015 - 2016 đạt khá, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 90,15%; tổ chức Lễ công nhận đạt chuẩn Quốc gia về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Năm học mới 2016-2017 có 853 trường học và cơ sở giáo dục; tỷ lệ huy động trẻ 6 đến 14 tuổi đến trường đạt 98,3%.

- Tổ chức khám chữa bệnh cho trên 915 nghìn người; Chủ động giám sát dịch bệnh; các dự án thuộc chương trình y tế, dân số kế hoạch hoá gia đình được thực hiện tốt. Công tác An toàn vệ sinh thực phẩm được đẩy mạnh; tuy nhiên vẫn xảy ra 07 vụ ngộ độc thực phẩm với 75 người mắc, 01trường hợp tử vong.

- Công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm được thực hiện đồng bộ, đã giải quyết việc làm cho 13.900 lao động đạt 86,9% kế hoạch; xét cho 1.419 dự án vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm với số tiền 25,52 tỷ đồng. Sắp xếp lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh; tiếp tục duy trì đào tạo hệ Cao đẳng nghề, Trung cấp nghề cho 1.230 người, tuyển mới và đào tạo nghề cho 5.783 người đạt 62,9% KH. Các chính sách an sinh xã hội được quan tâm, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện.

- Các hoạt động văn hóa, thể thao, thông tin, truyền thông, báo chí, phát thanh, truyền hình phong phú, có chất lượng. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây đựng đời sống văn hóa" phát triển sâu rộng gắn với xây dựng nông thôn mới. Công tác trùng tu, tôn tạo, lập hồ sơ đề nghị công nhận các di tích trên địa bàn được đẩy mạnh. Phong trào thể dục, thể thao phát triển ngày càng sâu rộng.

3. Công tác cải cách hành chính được tập trung đẩy mạnh; Hoàn thành xây dựng hệ thống danh mục các dịch vụ trực tuyến cấp độ 3 gắn với hệ thống giao dịch một cửa điện tử. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT Trung tâm hành chính công đi vào hoạt động đã đạt được mục tiêu, hiệu quả. Công tác tổ chức cán bộ có nhiều chuyển biến tích cực.

* Đánh giá chung: Tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển ổn định; các chỉ tiêu cơ bản đạt khá và tăng so với cùng kỳ năm trước; thu ngân sách đạt khá cao; sản xuất nông nghiệp được chú trọng; SXCN có sự phục hồi; chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội được nâng lên; các chế độ chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Công tác cải cách hành chính, môi trường đầu tư, kinh doanh từng bước được cải thiện. Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được quan tâm chú trọng. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững; chủ quyền lãnh thổ, biên giới ổn định; quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế được mở rộng, phát triển có chiều sâu.

Tuy nhiên, kinh tế phát triển chưa vững chắc; Hoạt động sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp vẫn còn khó khăn; Một số sản phẩm công nghiệp giảm so với cùng kỳ;Các HTX có quy mô nhỏ, hoạt động sản xuất còn manh mún, chưa năng động; Tiến độ giải ngân một số nguồn vốn từ NSNN đạt thấp; huy động học sinh đến trường, duy trì sỹ số học sinh còn nhiều khó khăn; Tình hình ngộ độc thực phẩm vẫn xảy ra. Công tác giảm nghèo theo tiêu chí đa chiều; đào tạo nghề chưa thực sự hiệu quả; việc quán triệt, phổ biến và tổ chức các cơ chế, chính sách của Tỉnh còn hạn chế./.


Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Giang

    Tổng số lượt xem: 1300
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)