(Nguồn: thejakartapost.com) Phóng viên TTXVN tại Jakarta dẫn số liệu của Cục Thống kê Trung ương Indonesia (BPS) công bố ngày 3/1 cho biết nền kinh tế này đã ghi nhận mức lạm phát 3,02% trong cả năm 2016, thấp hơn so với mức 3,35% của năm ngoái và là mức thấp nhất kể từ năm 2010. Đáng chú ý, con số trên thấp hơn mức dự kiến của năm 2016 được đưa ra trước đó là dao động trong khoảng 4%.
Theo người đứng đầu BPS, ông Suhariyanto, chỉ số lạm phát trong tháng 12 vừa qua ở mức 0,42%. Giải thích về tỷ lệ lạm phát này, ông Suhariyanto cho biết BPS đã khảo sát 82 thành phố và kết quả cho thấy 78 thành phố có lạm phát, trong khi 4 thành phố còn lại cho thấy sự giảm phát.
Quan chức trên đánh giá từ đầu năm 2016, việc kiểm soát giá cả của chính phủ tương đối tốt. Tất cả giá cả hàng hóa đều ở mức kiểm soát trong năm 2016 đã góp phần đáng kể kiềm chế lạm phát.
Theo ông Suhariyanto, mức lạm phát trong năm xuất phát từ nguyên nhân giá một số mặt hàng thiết yếu tăng, điển hình như ớt đỏ, đinh hương, hành khô, tỏi, cá tươi...
Trong năm 2016, các mặt hàng như điện, nước và khí đốt không tăng giá đáng kể so với năm trước. Sự giảm giá cũng được ghi nhận trong giao thông vận tải, thông tin liên lạc và chi phí các dịch vụ tài chính, giảm 0,72% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, các mặt hàng thực phẩm và thực phẩm chế biến tăng lần lượt 5,69 và 5,38% tương ứng so với một năm trước. Tiếp theo là quần áo và chi phí sức khỏe tăng 3,05 và 3,92% tương ứng.
Các nhà phân tích cho rằng lạm phát giảm sẽ giúp đồng Rupiah mạnh lên so với đồng USD và hạ giá vàng trong nước./.