Ảnh minh họa. Nguồn: MPI (MPI) – Theo đánh giá của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế-xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2017, tình hình sản xuất của 03 khu vực chính là nông-lâm-thủy sản, công nghiệp-xây dựng và dịch vụ vẫn còn tương đối khó khăn.
Trong đó, khu vực nông-lâm-thủy sản, do tình hình thiên tai gay gắt diễn ra trên diện rộng, đầu năm 2016, rét buốt, băng giá tại các tỉnh phía Bắc và hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh phía Nam và ô nhiễm môi trường biển tại các tỉnh Miền Trung, khiến khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chịu nhiều tác động tiêu cực làm tốc độ tăng trưởng khu vực nông-lâm-thủy sản đạt tốc độ tăng trưởng thấp. Sang năm 2017, tình hình thiên tai do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu vẫn sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho khu vực sản xuất này.
Khu vực công nghiệp-xây dựng, nhờ có những chính sách của Chính phủ và việc phát huy các hiệu lực của các hiệp định thương mại trong năm tới. Kỳ vọng tăng trưởng trong ngành này vẫn sẽ tương đối ổn định và cao hơn năm 2016.
Khu vực dịch vụ sẽ có thể còn khó khăn về khả năng tiêu dùng trong nền kinh tế không có nhiều khởi sắc, điều này làm GDP ước thực hiện ở nhóm ngành thương mại dịch vụ sẽ khó đạt cao. Tuy nhiên, một số nhóm ngành khác như du lịch và vận tải được kỳ vọng sẽ khởi sắc vào năm 2017.
Về hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, những yếu tố quan trọng có thể khuyến khích thúc đẩy hoạt động sản xuất và xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam năm 2017 như: việc thực hiện các Hiệp định thương mại với lộ trình cắt giảm thuế quan sâu rộng hơn với nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam; Sự cải thiện về môi trường kinh doanh (việc thực hiện Nghị quyết số 19 về cải cách môi trường kinh doanh) và nhiều chính sách cải cách quan trọng thực thi Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư đi vào cuộc sống; Tình hình lạm phát thấp góp phần ổn định chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cũng có nhiều trở ngại như sự kiện Brexit, nhiều đồng tiền lớn đang trong xu hướng mất giá làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, áp lực cạnh tranh lớn cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu.
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài được hưởng lợi khi có nhiều yếu tố tích cực sẽ hỗ trợ hơn trong năm 2017 về triển vọng kinh tế cũng như cơ hội trong quá trình hội nhập quốc tế. Các hiệp định thương mại đàm phán thành công sẽ đem lại cơ hội cho thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, không chỉ ở các khoản đầu tư mới mà cả việc mở rộng các dự án sẵn có.
Về tình hình xuất nhập khẩu, do khó khăn trong khu vực sản xuất nông-lâm-thủy sản nên xuất khẩu gạo sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi vùng sản xuất lúa gạo chính của Việt Nam là Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với thời tiết khắc nghiệt như hạn hán và hiện tượng xâm nhập mặn của nước biển. Tuy nhiên, việc phát huy hơn các hiệp định thương mại trong năm 2017 sẽ giúp có các hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ có những cải thiện hơn.
Về tiêu dùng, mặc dù tăng trưởng tiêu dùng năm 2016 có thấp hơn so với năm 2015 nhưng xu hướng phục hồi vẫn có thể thấy rõ và dự báo tiếp tục được duy trì trong năm 2017. Đà tăng trưởng của tiêu dùng tiếp tục được củng cố bởi yếu tố thu nhập, tăng trưởng kinh tế năm 2017 được dự báo tốt hơn so với năm 2016, hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục theo chiều hướng khả quan sẽ là động lực tăng thu nhập của người dân, tác động tích cực đến tiêu dùng. Mặc dù xu hướng tiết kiệm vẫn diễn ra nhưng người tiêu dùng vẫn sẵn sàng chi tiêu cho các hoạt động giải trí, du lịch sử dụng tiền nhàn rỗi. Tuy vậy, giá cả một số hàng hóa và dịch vụ thiết yếu đã tăng lên trong năm 2016, nguy cơ lạm phát trở lại trong năm 2017 là khá lớn, có thể gây tác động tiêu cực đến tâm lý tiêu dùng. Giá cả đã được bình ổn trong một thời gian tương đối dài, đã có thời điểm diễn ra nghịch lý giá cả bình ổn nhưng sức mua có tính thanh khoản vẫn yếu (cuối năm 2014). Trong thời điểm nhạy cảm đối với tâm lý thị trường, chỉ cần có biến động nhỏ về giá có thể tác động mạnh đến tâm lý tiết kiệm của người dân. Do vậy, tăng trưởng tiêu dùng khó có sự bứt phá trong năm 2017.
Về kiểm soát lạm phát, với tình hình Chính phủ vẫn ưu tiên cho chính sách ổn định vĩ mô, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ công tác quản lý và bình ổn giá. Dự báo năm 2017 lạm phát sẽ tiếp tục được duy trì ở mức trên dưới 5%.
Về lao động việc làm, trong những tháng cuối năm 2016, khó khăn vẫn còn hiện hữu và đặt gánh nặng lên cơ hội việc làm cho lao động, đặc biệt những người làm việc trong nhóm ngành thủy sản do thiếu hụt nguyên liệu thô. Thị trường lao động cả năm 2017 nhìn chung vẫn khó đạt được chỉ tiêu 1,6 triệu việc làm.
Theo đánh giá, Việt Nam vẫn trong giai đoạn được hưởng lợi từ cấu trúc dân số trẻ, với tốc độ tăng dân số duy trì ổn định, số người bước vào độ tuổi lao động vẫn duy trì được tốc độ tăng nhẹ trong cả giai đoạn. Tuy nhiên, theo dự báo của nhiều chuyên gia nhân khẩu học, Việt Nam sẽ bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2017, như vậy, nguồn lao động dồi dào với giá rẻ sẽ không còn là lợi thế cạnh tranh./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư