Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi. (Ảnh: AFP/TTXVN) Trong bài phát biểu hàng quý trước Ủy ban về các vấn đề kinh tế và tiền tệ của Nghị viện châu Âu ngày 6/2 tại Brussels, Bỉ, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi khẳng định lạm phát tăng sẽ không khiến ngân hàng này kết thúc chính sách tiền tệ siêu nới lỏng sớm hơn dự kiến.
Ông Draghi cho rằng sự hỗ trợ của các biện pháp thuộc về chính sách tiền tệ vẫn cần thiết để đưa lạm phát lên mức mục tiêu cận 2% mà ECB đề ra. Sau nhiều tháng ở mức thấp, lạm phát ở Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đã tăng lên 1,1% trong tháng 12/2016 trước khi tăng mạnh hơn lên 1,8% trong tháng 1/2017, mức cao nhất trong gần bốn năm và được cho là sẽ đạt mức mục tiêu trong tháng Hai.
Ông Draghi cho rằng sự gia tăng này chủ yếu là nhờ giá dầu tăng gần đây và sức ép giá cả ở Eurozone vẫn rất thấp khi tỷ lệ thất nghiệp cao dai dẳng và tăng trưởng năng suất yếu, cản trở mức tăng lương. Theo ông, không nên phản ứng trước sự gia tăng lạm phát trong thời gian ngắn mà ECB nên hành động với một tầm nhìn trung hạn.
Các nhà hoạch định chính sách của ECB đang đối mặt với sức ép phải phản ứng trước việc lạm phát tăng từ một số nước thành viên, đặc biệt là Đức. Theo Bộ trưởng Tài chính Đức, Wolfgang Schaeuble, chính sách tiền tệ mà ECB thực hiện là quá nới lỏng và làm giảm giá trị đồng tiền.
ECB hồi tháng 12/2016 đã quyết định gia hạn thực hiện chương trình mua trái phiếu từ tháng 3/2017 tới tháng 12/2017, trong khi giảm quy mô của chương trình này xuống 60 tỷ euro (64 tỷ USD) kể từ tháng Tư, so với mức trước đó là 80 tỷ euro./.