Ảnh minh họa. Nguồn: MPI (MPI) – Ngày 07/02/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 167/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Chính sách phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, gắn phát triển kết cấu hạ tầng trong nước với mạng lưới hạ tầng trong các liên kết khu vực”.
Theo Quyết định, mục tiêu chính của Đề án là phấn đấu hình thành khung kết nối hạ tầng theo chương trình tổng thể kết nối ASEAN, đặc biệt là hạ tầng giao thông, đồng thời kết nối được một cách tương đối đồng bộ mạng hạ tầng trong nước với khung hạ tầng kết nối khu vực ASEAN, nhất là các tuyến trục chính thuộc các hành lang Đông Tây. Xây dựng đồng bộ hạ tầng giao thông trong nước, gắn kết chiến lược phát triển giữa các ngành nhằm phát triển vận tải đa phương thức, đưa Việt Nam trở thành cửa ngõ kết nối Đông Nam Á tới Ấn Độ Dương. Hài hòa hóa một bước căn bản về các chính sách thương mại, đầu tư và xuất nhập cảnh với các quốc gia trong khu vực đảm bảo giao thương thuận lợi, nâng cao hiệu quả đầu tư kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng kết nối khu vực nói riêng.
Định hướng chính sách phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, gắn phát triển kết cấu hạ tầng trong nước với mạng lưới hạ tầng trong các liên kết khu vực giai đoạn đến năm 2020 và năm 2030 tập trung vào 3 lĩnh vực chính là hạ tầng giao thông, hạ tầng cung cấp điện và hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông.
Cụ thể, tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường thực hiện kết nối giao thông vận tải trong ASEAN giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 604/QĐ-TTg ngày 08/5/2015. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trong nước đồng bộ, hiện đại để kết nối với hạ tầng giao thông khu vực, trên cơ sở sử dụng nguồn lực hợp lý để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; Ưu tiên các công trình có tính lan tỏa, đảm bảo kết nối các phương thức vận tải, các trung tâm kinh tế lớn, các vùng kinh tế trọng điểm, các cửa ngõ, đầu mối giao thông quan trọng gắn với mạng lưới hạ tầng giao thông trong các liên kết khu vực…
Đối với hạ tầng cung cấp điện, tiếp tục nghiên cứu mô hình hệ thống điện liên kết với các nước trong khu vực, nhất là với các nước tiểu vùng sông Mê Kông (GMS) bằng lưới điện truyền tải 500kV và 200kV phù hợp với hạ tầng cung cấp điện của nước ta và các nước trong từng giai đoạn; Phát triển hợp lý và đa dạng các loại hình sản xuất điện trên cơ sở khai thác hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên trong nước, nhập khẩu hợp lý nhiên liệu từ nước ngoài cho phát điện, đẩy mạnh khai thác nguồn năng lượng tái tạo phù hợp với nền kinh tế nước ta…
Đối với hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông, tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch tổng thể Công nghệ thông tin và Truyền thông ASEAN đến năm 2020 (ASEAN ICT Master Plan 2020) đã được Hội nghị Bộ trưởng Viễn thông và Công nghệ thông tin ASEAN lần thứ 15 (TELMIN) diễn ra tại Đà Nẵng ngày 26-27/11/2015 thông qua; Đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, nâng vị trí của Việt Nam về Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên Hợp Quốc; Phát triển mạnh hệ thống kết nối đa dạng với quốc tế, hình thành siêu xa lộ thông tin trong nước và liên kết quốc tế; Tiếp tục phát triển vệ tinh viễn thông, xây dựng khu công nghệ thông tin trọng điểm quốc gia; Đẩy mạnh nghiên cứu cơ chế và ưu tiên triển khai các dự án công nghệ thông tin theo hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin đã được quy định tại Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg ngày 30/12/2014 về việc thí điểm dịch vụ công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước…
Tại Quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, điều phối hoạt động của Ban chỉ đạo về điều phối kết nối ASEAN của Việt Nam, phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Ngoại giao và các Bộ ngành, địa phương có liên quan để đảm bảo việc triển khai, thực hiện các chiến lược, kế hoạch hành động, các dự án quốc gia thuộc khuôn khổ Kế hoạch tổng thể và kết nối ASEAN; Làm đầu mối quốc gia về triển khai Kết nối ASEAN, phối hợp với Ủy ban Điều phối kết nối của ASEAN, với các nước đối tác của ASEAN, các ngân hàng phát triển đa phương, các tổ chức quốc tế, khu vực, với Đại diện thường trực của Việt Nam tại ASEAN và các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương trong nước, bao gồm cả khu vực tư nhân nhằm huy động tối đa các nguồn lực phục vụ quá trình thực hiện Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN.
Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu sửa đổi Luật đầu tư công và các văn bản hướng dẫn bảo đảm chủ trương cải cách thủ tục hành chính; Hoàn chỉnh các thể chế, chính sách về đầu tư, chính sách về phí sử dụng kết cấu hạ tầng; Nghiên cứu thêm các mô hình đầu tư, kinh doanh các công trình kết cấu hạ tầng, dịch vụ công theo hướng nhượng quyền đầu tư, khai thác kinh doanh có điều kiện; Tổ chức thực hiện tốt các chính sách về đầu tư PPP đã được Chính phủ ban hành tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổ chức theo dõi, giám sát, xây dựng kế hoạch, cân đối vốn để thực hiện Đề án. Phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng cơ chế sử dụng vốn ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển hạ tầng, ưu tiên bố trí vốn đầu tư phát triển của Ngân sách nhà nước, ODA thực hiện các dự án quốc gia có phần góp vốn của Nhà nước để tăng cường kết nối hạ tầng, đặc biệt là giao thông vận tải trên các trục hành lang kết nối khu vực.
Các Bộ, ngành địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành liên quan, rà soát, đánh giá thực hiện đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo tinh thần Nghị quyết số 13/NQ-TW ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương về “Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020” và Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08/6/2012 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-TW, chủ động nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách cần sửa đổi, bổ sung trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết…/.
Minh Trang - Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư