(MPI) – Ngày 10/3/2017, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết 19-2017/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh và Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông. Hội nghị có sự tham dự của hơn 200 đại biểu đến từ các Bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp, các tổ chức, đối tác quốc tế tại Việt Nam, các chuyên gia kinh tế, luật sư và cơ quan thông tấn báo chí.
|
Thứ trưởng Đặng Huy Đông phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Minh Trang (MPI)
|
Cạnh tranh là một trong những yếu tố nền tảng kinh tế thị trường, đảm bảo cho nền kinh tế hoạt động hiệu quả, thúc đẩy đầu tư, hội nhập kinh tế quốc tế và góp phần nâng cao năng suất lao động. Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường là ưu tiên hàng đầu của Đảng và Chính phủ. Tại Nghị quyết 19, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng thể chế cạnh tranh của Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết, trong 4 năm qua, Chính phủ đã liên tục ban hành Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đây là nỗ lực thực hiện đột phá chiến lược về thể chế mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Qua đó, lần đầu tiên Việt Nam định vị và đặt mục tiêu về chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia trong xếp hạng toàn cầu, đồng thời xây dựng và thực hiện hệ chính sách tương ứng theo thông lệ quốc tế. Cụ thể, Nghị quyết 19-2017/NQ-CP rất toàn diện, bao phủ hết các yếu tố của môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia, sử dụng đồng thời 4 đánh giá xếp hạng toàn cầu là: Đánh giá, xếp hạng về mức độ thuận lợi kinh doanh (của Ngân hàng Thế giới); Đánh giá, xếp hạng về năng lực cạnh tranh quốc gia (của Diễn đàn kinh tế thế giới); Đánh giá, xếp hạng về năng lực đổi mới sáng tạo (của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới); Đánh giá, xếp hạng Chính phủ điện tử (của Liên hợp quốc).
Nỗ lực của Việt Nam trong những năm qua đã đem lại kết quả đáng ghi nhận. Ba năm gần đây, thứ hạng môi trường kinh doanh liên tục được cải thiện. Trong đó, năm 2016 tăng 9 bậc (từ vị trí 91 lên 82), đây là mức cải thiện thứ hạng nhiều nhất kể từ năm 2008. Tuy vậy, tốc độ triển khai thực hiện còn rất chậm, kết quả đạt được hằng năm còn ít, chưa đạt được mục tiêu đề ra, chưa thu hẹp được khoảng cách về chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh so với các quốc gia trong khu vực. Năm 2017, Chính phủ vẫn tiếp tục đặt mục tiêu cao hơn, toàn diện hơn, cụ thể là: Đến hết năm 2017, đạt trung bình ASEAN 4 trên 10 chỉ tiêu về môi trường kinh doanh; Giai đoạn 2017-2020, cải thiện điểm số và thứ hạng trên 4 nhóm trụ cột; Gắn trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương với gần 250 chỉ tiêu cụ thể.
|
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Minh Trang (MPI)
|
Tại Hội nghị, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã chia sẻ một số bài học kinh nghiệm và thách thức trong thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong đó, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 23/2016/TT-BCT ngày 12/10/2016 bãi bỏ Thông tư số 37/2015/TT-BCT ngày 30/10/2015 quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may; Quyết định 4846/QĐ-BCT ngày 09/12/2016 về phê duyệt phương án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương năm 2017, bãi bỏ thủ tục xác nhận khai báo hóa chất giúp tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng (55.000 tờ khai/năm); Thông tư 36/2016/TT-BCT ngày 28/12/2016 về quy định dán nhãn năng lượng cho các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương…
Theo đó, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp cần chủ động, kiên trì và bền bỉ cung cấp chứng cứ, tập hợp và trình bày khó khăn, vướng mắc đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan. Bộ phận theo dõi thực hiện Nghị quyết 19 thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tập hợp, cập nhật các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, báo cáo trung thực, đầy đủ ý kiến đến Thủ tướng Chính phủ. Báo chí, truyền thông có vai trò quan trọng trong việc làm sống động quá trình triển khai thi hành Nghị quyết 19, thu hút sự quan tâm của xã hội, khích lệ sự tham gia đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp. Để đạt được kết quả theo cấp số nhân, cần hành động trên nhiều tuyến, cần có sự phối hợp chặt chẽ dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng, nâng cao trách nhiệm giải trình…
Hội nghị đã được nghe tham luận giới thiệu những nội dung cơ bản của Nghị quyết 19-2017/NQ-CP, đề ra nhiệm vụ, giải pháp và cách thức thực hiện đối với các Bộ, ngành, địa phương, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 19 trong ba năm qua, thảo luận về những bài học kinh nghiệm và các mục tiêu trong những năm tới. Hội nghị cũng là diễn đàn để các Bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, khó khăn vướng mắc và đề xuất kiến nghị nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra.
|
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: Minh Trang (MPI)
|
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, 84% doanh nghiệp được khảo sát đánh giá, thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp đã được rút gọn và tạo thuận lợi rất nhiều. Nhưng theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, tiêu chí khởi sự của Việt Nam vẫn đứng thứ 121 trên thế giới vì trong đó bao gồm 9 yếu tố, liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của nhiều Bộ, ngành, địa phương. Về thuế, 75% doanh nghiệp được khảo sát đánh giá hài lòng, nhưng Việt Nam vẫn xếp thứ 167. Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, mặc dù đã nỗ lực và cải thiện rất nhiều, đạt được một số kết quả, nhưng các cán bộ quản lý hoàn toàn có thể làm tốt hơn nữa.
Để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, GDP cần đạt tăng trưởng 8-9%/năm cho đến năm 2035, đảm bảo phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, giảm tỷ lệ nghèo đói, quan tâm đến người dân ở vùng sâu vùng xa. Trong đó, việc thực hiện thành công Nghị quyết 19 do Chính phủ đề ra không chỉ giải quyết các vấn đề trước mắt của các doanh nghiệp mà còn đạt được các mục tiêu phát triển lâu dài của Việt Nam. Do vậy, Chính phủ luôn lắng nghe những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị và đánh giá cao tinh thần đối thoại thẳng thắn của các doanh nghiệp, sự phân công chỉ đạo thực hiện giữa Trung ương và địa phương, Chính phủ và các Bộ, ngành…
Phó Thủ tướng đánh giá cao những ý kiến góp ý của cộng đồng doanh nghiệp, đối tác quốc tế trong quá trình xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam và nhấn mạnh nguyên tắc tiếp cận theo thông lệ quốc tế, bảo đảm đo được, đếm được, có giám sát trong quá trình thực hiện các chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia./.
Nguyễn Hương - Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư