(Nguồn: image.stern.de) Các vấn đề liên quan đến tiền tệ, chủ nghĩa thương mại tự do, bảo hộ và biến đổi khí hậu đã trở thành chủ đề chính tại Hội nghị Bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng Nhóm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra trong 2 ngày 17 và 18/3 tại thành phố Baden-Baden của Đức.
Tuy nhiên, kết thúc ngày họp đầu tiên, quan chức các nước vẫn chưa thống nhất được nền tảng chung trong các cuộc thương lượng về thương mại toàn cầu.
Theo các nguồn tin tại chỗ, Mỹ đã tỏ rõ thiện chí sẵn sàng tham gia các cuộc thương lượng về thương mại.
Giới phân tích đánh giá bài phát biểu của người đứng đầu Bộ Tài chính nước này, ông Steven Mnuchin, mang nhiều màu sắc của hòa đàm, thay vì một cuộc chiến "một mất một còn."
Sắc thái này cũng thể hiện trong cuộc hội đàm bên lề giữa ông Mnuchin với người đồng cấp Đức Wolfgang Schauble khi đại diện Washington khẳng định Mỹ không muốn khơi mào một cuộc chiến thương mại với các cường quốc thế giới.
Tuy nhiên, giữa các nước vẫn tồn tại những khác biệt lớn về trong thương mại mở và biến đổi khí hậu, khi Mỹ và các nước khác có ý kiến trái ngược.
Washington chủ trương theo đuổi chính sách "mua hàng Mỹ, thuê người Mỹ" và phản đối nội dung về biến đổi khí hậu trong dự thảo tuyên bố chung của Hội nghị G20 lần này.
Trước đó, ngày 16/3, Tổng thống Trump đề xuất cắt giảm 1/3 quỹ môi trường nội địa cũng như cắt giảm sự đóng góp của Mỹ liên quan đến các chương trình chống biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc.
Sự bất đồng giữa Mỹ và các nước tham dự hội nghị liên quan đến hai vấn đề nói trên có thể ảnh hưởng đến tuyên bố chung kết thúc hội nghị. Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin cho biết trong lãnh đạo các nước G20 sẽ nhóm họp trong vài tuần tới để xác định những mục tiêu chung.
Hội nghị bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng G20 năm nay được diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều mối quan ngại nhiều cuộc chiến thương mại sẽ bùng nổ do chính quyền Tổng thống Mỹ Trump chủ trương bảo hộ thương mại.
Trước đó, cố vấn kinh tế của Nhà Trắng Peter Navarro đã chỉ trích Đức và Trung Quốc lợi dụng các đồng tiền trong nước giảm giá để tạo lợi thế cho hàng hóa xuất khẩu và làm chênh lệch cán cân thương mại với Mỹ.
Trong nhiều năm qua, các nước thành viên G20 đã cam kết không định giá thấp tiền tệ, đồng thời chống lại "mọi hình thức bảo hộ thương mại."
Trong khi đó, trước khi tham dự Hội nghị G20 lần này, Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tái khẳng định lập trường lập trường của Mỹ là sẽ làm mọi cách để bảo đảm quyền lợi công bằng cho người lao động Mỹ, song không mong muốn lâm vào cuộc chiến tranh thương mại với các cường quốc kinh tế khác./.