Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 27/03/2017-17:42:00 PM
Đối thoại chính sách cấp cao trong khuôn khổ Chương trình Chia sẻ tri thức của Hàn Quốc với Việt Nam năm 2016-2017
(MPI) – Ngày 27/3/2017, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã diễn ra Đối thoại chính sách cấp cao trong khuôn khổ Chương trình Chia sẻ tri thức của Hàn Quốc với Việt Nam năm 2016-2017 (KSP 2016/17) để chia sẻ kinh nghiệm phát triển của Hàn Quốc về 03 chủ đề nghiên cứu trong khuôn khổ KSP 2016/17 và những đề xuất chính sách từ các nghiên cứu này do các chuyên gia Hàn Quốc và Việt Nam phối hợp thực hiện.

Đối thoại diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương và nguyên Bộ trưởng Bộ Điều phối chính sách nước Cộng hòa Hàn Quốc, Cố vấn cao cấp KSP 2016/17, TS. Yoon Daehee. Tham dự Đối thoại còn có GS. Sang-Woo Nam, Quản đốc KSP 2016/17, các chuyên gia của Hàn Quốc và Việt Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương phát biểu tại Đối thoại. Ảnh: Minh Trang (MPI)

Phát biểu khai mạc Đối thoại, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cho biết, tiếp nối thành công lớn của KSP 2004-2005, 2009-2011 và KSP 2012, 2013 và 2014, 2015, Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) đã phối hợp với Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư điều phối thành công Chương trình KSP năm 2016 dành cho Việt Nam với chủ đề “Nâng cao tính hiệu quả từ nội tại” bao gồm 03 chủ đề: Bài học cho Việt Nam từ kinh nghiệm chính sách của Hàn Quốc về hình thành và phát triển công nghiệp hỗ trợ - trường hợp tổ hợp ngành công nghiệp hỗ trợ điện tử vùng Thủ đô và một số tỉnh lân cận; Chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc tư nhân hóa các đơn vị cung cấp dịch vụ công và hỗ trợ Việt Nam trong việc xác định các tiêu chí phân loại dịch vụ công phục vụ cho kế hoạch cổ phần hóa giai đoạn 2016-2020; Xây dựng hệ thống đánh giá kết quả làm việc của cán bộ công chức Việt Nam. Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương tin tưởng rằng, các kết quả nghiên cứu của các KSP trước đây đã, đang và sẽ có những đóng góp tích cực vào quá trình phát triển của Việt Nam.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Điều phối chính sách nước Cộng hòa Hàn Quốc, Cố vấn cao cấp KSP 2016/17,
TS. Yoon Daehee phát biểu tại Đối thoại. Ảnh: Minh Trang (MPI)

Tại Đối thoại, trình bày và tham vấn Lãnh đạo cấp cao về chủ đề nghiên cứu Bài học cho Việt Nam từ kinh nghiệm chính sách của Hàn Quốc về hình thành và phát triển công nghiệp hỗ trợ - trường hợp tổ hợp ngành công nghiệp hỗ trợ vùng thủ đô Hà Nội, GS.TS. Sung Keuk-je, Đại học Kyunghee Hàn Quốc cho rằng, mặc dù trong chuỗi giá trị toàn cầu ngành điện tử, Việt Nam đã tham gia vào tất cả các khâu sản xuất và lắp ráp như: sản xuất linh kiện, lắp ráp sản phẩm trung gian, lắp ráp sản phẩm cuối cùng. Tuy nhiên, ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam mới chỉ ở những bước ban đầu trong chuỗi giá trị của ngành điện tử và đang phụ thuộc chủ yếu vào các doanh nghiệp FDI. Hiện nay, năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc đáp ứng yêu cầu của các công ty đa quốc gia còn hạn chế. Số lượng các công ty vốn nội tham gia vào chuỗi cung ứng của các công ty đa quốc gia tại Việt Nam còn rất nhỏ. Từ những quan sát nêu trên, nghiên cứu đưa ra những đề xuất cụ thể bao gồm: phát triển thương hiệu quốc gia, mở rộng kế hoạch hợp tác với các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, mua công nghệ nước ngoài, nới lỏng những điều kiện cho vay và phát triển ngành công nghiệp vật liệu. Đặc biệt, một đề xuất quan trọng là những quyết định mang tính đột phá cần phải là sáng kiến của người lãnh đạo cao nhất; Không có những cam kết mạnh mẽ và đáng tin cậy của những người lãnh đạo cao nhất thì những quyết định mang tính đột phá khó có thể được đưa ra.

Theo GS.TS. Yoon Jiwoong, Đại học Kyunghee Hàn Quốc, báo cáo Nghiên cứu tiêu chí và mô hình cổ phần hóa dịch vụ công ở Việt Nam cho thấy, Chính phủ Việt Nam đang thể hiện quyết tâm mạnh mẽ về cải cách dịch vụ công thông qua việc ban hành hệ thống văn bản pháp lý về cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập. Báo cáo cho rằng, thứ nhất, Chính phủ Việt Nam cần có tiêu chí rõ ràng, cụ thể để cổ phần hóa dịch vụ công. Thứ hai, khi cổ phần hóa các cơ sở y tế cần được xem xét đồng thời với hệ thống bảo hiểm y tế và tính chất của dịch vụ. Thứ ba, khi xây dựng chính sách cổ phần hóa các cơ sở giáo dục cần xác định rõ ràng vai trò của các trường đại học công và tư. Thứ tư, khi xem xét cổ phần hóa các tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ, Chính phủ cần xem xét và đánh giá lợi ích của các dự án nghiên cứu do mỗi tổ chức này thực hiện.

Chia sẻ kinh nghiệm đánh giá kết quả làm việc của công chức Hàn Quốc và khuyến nghị cho Việt Nam, GS.TS. Kim Sun Hyuk, Trường Đại học Hàn Quốc cho rằng, các tiêu chí đánh giá không được cụ thể hóa thành các chỉ số cụ thể và điểm số để đánh giá một cách khách quan do vậy một số nội dung và tiêu chí đánh giá có thể không còn phù hợp.

Toàn cảnh Đối thoại. Ảnh: Minh Trang (MPI)

Dựa trên phân tích hệ thống đánh giá kết quả hoạt động của cán bộ công chức Việt Nam và nghiên cứu điển hình của hệ thống đánh giá kết quả của hoạt động của Hàn Quốc, các chuyên gia nghiên cứu đã đưa ra các khuyến nghị đề xuất cho Việt Nam như: Coi kết quả công việc là nguyên tắc trung tâm trong đánh giá hiệu quả công việc của khu vực công; Vai trò của sự lãnh đạo Chính phủ cấp cao trong đánh giá hiệu quả; Đánh giá hiệu quả của các cơ quan Chính phủ; Sự phù hợp giữa đánh giá công chức với tầm nhìn và mục tiêu của tổ chức; Mối liên kết giữa đánh giá hiệu quả của tổ chức và cá nhân; Xây dựng các chỉ số đánh giá định lượng và cụ thể hơn; Xác định các tỷ lệ công chức theo cấp bậc; Cải thiện các cuộc họp đánh giá tập thể; Tăng cường sử dụng kết quả đánh giá và hình thành các đơn vị phụ trách đánh giá.

Kết luận Đối thoại, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cho biết, Việt Nam đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế và xã hội của Hàn Quốc trong những thập kỷ qua và mong muốn được tiếp tục học hỏi kinh nghiệm phát triển của Hàn Quốc trong nhiều lĩnh vực thông qua Chương trình KSP vào những năm tiếp theo.

Về hợp tác trong năm 2017, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gửi danh sách đề xuất đến Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam với nhiều chủ đề phía Việt Nam quan tâm và mong muốn phía Hàn Quốc xem xét, lựa chọn để hỗ trợ nghiên cứu như: Mô hình tăng trưởng kinh tế cho chuyển dịch không gian phát triển ở Việt Nam trong thời gian tới; Phát triển khu vực tư nhân; Phát triển những ngành/nghề mới thích ứng với biến đổi khí hậu; Bảo vệ, khai thác hiệu quả tài nguyên nước; Đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế biển; Công bằng và hòa nhập xã hội./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1676
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)