Ảnh minh họa. Nguồn: MPI (MPI) - Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Chương trình công tác năm 2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai xây dựng Đề án Hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư nâng cấp chuỗi giá trị sản phẩm và nâng cấp, phát triển cụm ngành công nghiệp, du lịch. Theo đó, Bộ đã tổ chức rà soát chính sách, xin ý kiến chuyên gia, khảo sát thực tế để đánh giá các chính sách, yêu cầu hỗ trợ và hiện đang gửi xin ý kiến các Bộ, ngành.
Mục tiêu của Đề án nhằm đề xuất các cơ chế, chính sách thu hút, hỗ trợ đầu tư để nâng cấp chuỗi giá trị sản phẩm và nâng cấp, phát triển cụm ngành trên cơ sở rà soát các chính sách hiện hành và yêu cầu nâng cấp chuỗi giá trị các ngành.
Nâng cấp chuỗi giá trị của ngành là quá trình chuyển dịch (của doanh nghiệp, sản phẩm hoặc quốc gia) trong chuỗi giá trị để tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn. Trong lộ trình phát triển của mỗi quốc gia, đặc biệt, bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và gia tăng áp lực cạnh tranh, nâng cấp chuỗi giá trị các ngành không chỉ là con đường tất yếu để phát triển đi lên mà còn là cách thức để nâng cao năng lực và tồn tại trong môi trường cạnh tranh ngày càng gia tăng. Thúc đẩy nâng cấp chuỗi giá trị ngành là thúc đẩy quá trình chuyển dịch nền kinh tế sang một bước phát triển cao hơn.
Phát triển cụm ngành (hay còn gọi là cụm liên kết ngành) là thúc đẩy quá trình hợp tác, kết nối giữa các doanh nghiệp và chủ thể có liên quan tại một vùng điạ lý nhất định trong phát triển một ngành nhất định. Cụm ngành tạo ra lợi thế kinh tế do có sự gần kề về địa lý, gia tăng lợi thế kinh tế nhờ quy mô và sự quần tụ, giúp tiết kiệm chi phí, giảm giá thành sản phẩm, tăng cường liên kết, chia sẻ thông tin và các nguồn lực khác, gắn kết khoa học công nghệ và sản xuất. Phát triển cụm ngành là một trong những công cụ hữu hiệu để nâng cấp chuỗi giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển vùng. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy phát triển cụm ngành được sử dụng rất phổ biến và thành công, đặc biệt để nâng cấp chuỗi giá trị.
Tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế đã đưa ra chỉ tiêu về tăng năng suất nội ngành cho giai đoạn 2016-2020. Nâng cấp chuỗi giá trị các ngành chính là cách thức để đạt được mục tiêu trên, đồng thời đây cũng là cách thức để thúc đẩy tăng trưởng theo chiều sâu, con đường tất yếu để có thể phục hồi và duy trì phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay.
Thực tế phát triển thời gian qua cho thấy, rất nhiều ngành trong nền kinh tế như ngành may mặc, chế biến lương thực và điện tử đã phát huy rất tốt khả năng phát triển theo chiều rộng, tận dụng được lợi thế so sánh của đất nước, đặc biệt về lao động và phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, đã đến lúc yêu cầu nâng cấp chuỗi giá trị đang được đặt ra đối với các ngành này để tiếp tục chiếm lĩnh và tận dụng được thị trường trong nước đang ngày càng phát triển do thu nhập gia tăng đồng thời trước sức ép cạnh tranh khi Việt Nam tham gia mạnh mẽ hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Chính vì vậy, chính sách ưu đãi và hỗ trợ phát triển các ngành cần phải được thay đổi để phù hợp với yêu cầu phát triển của mô hình tăng trưởng trong bối cảnh mới.
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 32/QĐ-TTg ngày 13/01/2015 về phê duyệt Chương trình đồng bộ phát triển và nâng cấp cụm ngành và chuỗi giá trị sản xuất các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh: Điện tử và công nghệ thông tin, dệt may, chế biến lương thực thực phẩm, máy nông nghiệp, du lịch và dịch vụ liên quan. Chương trình nhằm mục tiêu đồng bộ phát triển và nâng cấp cụm ngành và chuỗi giá trị sản xuất của các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh thuộc 5 ngành: Điện tử và công nghệ thông tin, dệt may, chế biến lương thực thực phẩm, máy nông nghiệp, du lịch và các dịch vụ liên quan. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao thực hiện nhiệm vụ về Hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư nâng cấp chuỗi giá trị sản phẩm và nâng cấp, phát triển cụm ngành công nghiệp, du lịch.
Kết quả rà soát cơ chế chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư phát triển ngành cho thấy, hiện nay, đã có nhiều chính sách hỗ trợ và thu hút đầu tư cho 4 trong 5 ngành được xem xét trong phạm vi Quyết định số 32/QĐ-TTg. Chính sách ưu đãi cho phát triển ngành du lịch hiện đang được soạn thảo và bổ sung. Một số chính sách ưu đãi bổ sung khác cũng đang tiếp tục được ban hành như ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn, ưu đãi phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, ... Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy tác động của các chính sách đến nâng cấp chuỗi giá trị các ngành sẽ rất hạn chế với một số lý do như: Các chính sách ưu đãi và hỗ trợ hiện hành chưa bám sát vào tiềm năng sản xuất trong nước và yêu cầu hỗ trợ cụ thể về nâng cấp chuỗi giá trị trong từng ngành mà mới chủ yếu căn cứ vào những định hướng chung trong phát triển ngành. Các chính sách ưu đãi và hỗ trợ hiện nay chưa được tiếp cận theo chuỗi giá trị mà chia theo từng mảng.
Đồng thời, việc hỗ trợ thúc đẩy đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng trong nâng cấp chuỗi giá trị ngành nhưng chỉ thực sự có tác động khi tạo được đột phá ở một trong 3 khâu quan trọng trong chuỗi giá trị là nguyên vật liệu, quy trình sản xuất hoặc máy móc thiết bị. Các chính sách hiện hành chưa chú ý đến khuyến khích phát triển cụm liên kết ngành. Khái niệm này hiện chưa được quy định chính thức trong các văn bản pháp luật hiện hành. Trong khi đó, kinh nghiệm quốc tế đã chứng minh, đây là công cụ hữu hiệu để khai thác lợi thế theo quy mô, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, đây cũng là công cụ để có thể khai thác được các lợi ích của phát triển kinh tế vùng mà ở nước ta hiện nay chưa được khai thác một cách hiệu quả.
Kết cấu của Đề án gồm: Phần 1 rà soát các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư hiện hành đối với phát triển ngành và đánh giá chính sách hiện hành so với yêu cầu nâng cấp chuỗi giá trị và phát triểm cụm ngành dựa trên cơ sở lý luận. Phần 2 đánh giá yêu cầu hỗ trợ, thu hút đầu tư nâng cấp chuỗi giá trị và phát triển cụm đối với 5 ngành tại Quyết định số 32/QĐ-TTg. Phần 3 đề xuất kiến nghị đổi mới chính sách thu hút, hỗ trợ đầu tư nhằm nâng cấp chuỗi giá trị sản phẩm và nâng cấp, phát triển cụm ngành./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư