Sáng 19/4, tại TP. Phan Thiết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Thuận, một tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, nằm liền kề với vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Thuận.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai cho biết lãnh đạo tỉnh luôn xác định doanh nghiệp là động lực quan trọng để phát triển kinh tế và luôn đồng hành, tháo gỡ khó khăn, tạo lập môi trường kinh doanh cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp vào Bình Thuận.
Tại Hội nghị này, tỉnh Bình Thuận giới thiệu, kêu gọi đầu tư vào 3 lĩnh vực là phát triển du lịch xanh, bền vững; năng lượng tái tạo và nông nghiệp công nghệ cao.
Những lĩnh vực nói trên được Bình Thuận xác định là 3 trụ cột quan trọng để phát triển bền vững và cũng là để thực hiện mục tiêu chiến lược xây dựng, hình thành 3 trung tâm mang tầm quốc gia, gồm trung tâm du lịch- thể thao biển, trung tâm năng lượng và trung tâm chế biến sâu khoáng sản titan.
Hội nghị là dịp để các nhà đầu tư gặp gỡ lãnh đạo tỉnh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư, tìm hiểu thông tin đầu tư vào các dự án cụ thể. Từ ý kiến của các nhà đầu tư, doanh nghiệp, các đại biểu sẽ giúp tỉnh tìm ra cơ chế, chính sách để tiếp tục phát triển mạnh mẽ, cải thiện môi trường đầu tư.
Theo Danh mục kêu gọi đầu tư từ nay đến năm 2030 được Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Thuận giới thiệu, tỉnh đang ưu tiên thu hút đầu tư vào 9 dự án trong lĩnh vực du lịch-dịch vụ-hạ tầng; 31 dự án lĩnh vực công nghiệp và 7 dự án khác trong lĩnh vực nông-lâm-thủy sản.
|
Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận giới thiệu danh mục dự án kêu gọi đầu tư.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Bình Thuận là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, nằm liền kề với vùng kinh tế trọng điểm phía nam, cách TPHCM gần 200 km.
Hệ thống hạ tầng giao thông tại tỉnh này đang được tăng tốc đầu tư. Theo đó, tuyến quốc lộ từ TPHCM đi Phan Thiết đã được nâng cấp mở rộng; đường cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết và Phan Thiết-Nha Trang bắt đầu triển khai. Đến và đi từ Bình Thuận đã có tuyến tàu du lịch 5 sao TPHCM-Phan Thiết. Cảng vận tải chuyên dụng Vĩnh Tân đang được đầu tư xây dựng 2 bến tổng hợp để tiếp nhận tàu tải trọng 30.000 DWT và một bến cho tàu đến 3.000 DWT. Dự án sân bay Phan Thiết bắt đầu được triển khai xây dựng tại xã Thiện Nghiệp, thành phố Phan Thiết.
Với bờ biển dài 192 km, Bình Thuận có nhiều bãi tắm đẹp, đồi cát trắng hoang sơ, khí hậu trong lành. Nhiều khu vực có cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn như Hàm Tiến-Mũi Né, Thuận Quý-Kê Gà, núi Tà Cú, Hàm Thuận-Đa Mi, Vĩnh Hảo-Cà Ná, Bàu Trắng, Thác Bà, Núi Ông. Bên cạnh đó, Bình Thuận còn có các điểm di tích văn hóa, lịch sử nổi tiếng như tháp Chăm Pôshainư, chùa núi Tà Cú, dinh Thầy Thím, chùa Hang...
Tỉnh mong muốn qua Hội nghị, sẽ có nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu và lựa chọn đầu tư, đưa Bình Thuận trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài./.