Năm tháng sau khi tái đắc cử hồi tháng 10/2012, Tổng thống Venezuela Hugo Chávez đã qua đời, kết thúc 14 năm liên tục lãnh đạo đất nước Nam Mỹ này với nhiều dấu ấn.
Sau khi thắng cử vào năm 1998, ông Hugo Chavez trở thành tổng thống trẻ tuổi nhất Venezuela (nhậm chức ở tuổi 44).
Ông Chavez đã tiến hành một loạt cải cách sâu rộng nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21 hướng tới công bằng xã hội, bảo vệ lợi ích của nhân dân lao động.
Những thành công của thời kỳ Chavez
Báo Le Figaro (Pháp) ngày 7/3 nhận định ông Hugo Chavez đã làm thay đổi sâu sắc đất nước Venezuela.
Về kinh tế, ông đã làm thay đổi căn bản tình cảnh của những người dân nghèo nhất cũng như mặt bằng kinh tế Venezuela.
Một trong những hành động nổi bật của ông là bác bỏ dự án thiết lập Khu vực Tự do Mậu dịch châu Mỹ (FTAA) tại Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ tổ chức năm 2005 ở Argentina và đề xuất thiết lập Liên minh Boliva vì các dân tộc châu Mỹ chúng ta (ALBA), một tổ chức hợp tác khu vực vận hành dựa trên ý tưởng hội nhập xã hội, chính trị và kinh tế của các nước Mỹ Latinh và Caribe, trong đó có Cuba, Ecuador, Bolivia, Nicaragua và Honduras.
Uy tín, được lòng dân trong nước của Chavez chủ yếu gắn chặt với một chính sách xã hội được thực hiện nhờ nguồn thu nhập từ dầu mỏ.
Theo số liệu thống kê, Venezuela - thành viên Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) - là nhà cung cấp dầu thô quan trọng cho hai nền kinh tế lớn nhất và thứ hai thế giới là Mỹ và Trung Quốc.
Năm 2011, Venezuela đã vượt qua Arập Xêút trở thành quốc gia có dự trữ dầu thô lớn nhất thế giới.
Hơn một thập kỷ qua, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Chavez, Venezuela đã thu được nhiều thành tựu quan trọng trên mọi lĩnh vực, tạo nên những đổi thay sâu sắc, tích cực.
Thành tựu nổi bật trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước là cải thiện rõ rệt đời sống của các tầng lớp nhân dân lao động. Tỷ lệ thất nghiệp của Venezuela giảm thấp nhất từ trước tới nay, xuống còn 6,3% và tỷ lệ người nghèo giảm hơn mức trung bình của khu vực, xuống còn khoảng 27%.
Nhờ phát triển kinh tế và các chính sách xã hội, đời sống của người dân được cải thiện đáng kể với mức lương tối thiểu tăng từ 100.000 bolivar lên 614.000 bolivar (286 USD), sức mua trong dân tăng 400%, thu nhập bình quân đầu người đạt 12.800 USD.
Với sự giúp đỡ của Cuba , Venezuela đã hoàn thành chương trình xóa nạn mù chữ và đang phấn đấu phổ cập tiểu học. Nhà nước dành cho ngân sách giáo dục 20% tổng chi ngân sách. Học sinh các cấp, kể cả bậc đại học, đều không phải đóng học phí. Hàng triệu lượt người được khám, chữa bệnh miễn phí.
Hơn nữa, vai trò và vị thế của Venezuela trên trường quốc tế và khu vực ngày càng được củng cố và nâng cao, đặc biệt khi Venezuela luôn tích cực chia sẻ nguồn lợi từ dầu khí của mình để hỗ trợ các nước khác.
Trong thời gian qua, Chính phủ Venezuela tiếp tục triển khai nhiều chính sách nhằm thúc đẩy công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và cải thiện đời sống của các tầng lớp nhân dân lao động, nhất là người nghèo.
Đáng chú ý có chương trình xã hội "Sứ mệnh lớn về nhà ở" với mục tiêu xây dựng hơn 350.000 căn hộ mới trong hai năm 2011 và 2012, chương trình "Sứ mệnh lớn về việc làm" nhằm phấn đấu tới năm 2019 tạo thêm khoảng 3,2 triệu việc làm mới, cấp lương hưu cho 365.000 người già, trợ cấp 100 USD/tháng cho các bà mẹ mang thai và trẻ em của gia đình nghèo và tăng lương tối thiểu cho công nhân viên chức thêm 25%.
Tổng thống Chavez cũng là tác giả của những kế hoạch giúp đỡ Nicaragua , Bolivia và Cuba. Với nguồn dầu mỏ dồi dào, ông đã đưa ra sáng kiến thành lập Tổ chức Petrocaribe do Venezuela hỗ trợ tài chính vào năm 2005, theo đó tất cả thành viên được phép mua dầu của Venezuela với các điều khoản ưu đãi.
Petrocaribe cho phép các quốc gia thanh toán dần 40% giá trị hóa đơn dầu cho Venezuela trong khoảng thời gian tới 25 năm với tỷ lệ lãi suất 1% và mức giá được quy định trong phạm vi hơn 40 USD/thùng.
Thậm chí, các đảo quốc nghèo ở Caribe như Jamaica , Haiti và cộng hòa Dominicana có thể thanh toán một phần tiền mua dầu của mình bằng chuối và đường. Một số quốc gia khá giả hơn thì có thể đổi dầu giá rẻ bằng hàng hóa và các dịch vụ khác thay vì tiền mặt.
Tổng thống Chavez cho biết kế hoạch cung cấp dầu giá rẻ cho toàn khu vực thông qua các hình thức thanh toán ưu đãi như “đổi bác sĩ lấy dầu.”
Hiện Venezuela vẫn duy trì chuyển gần 100.000 thùng dầu trợ cấp/ngày tới Cuba, đổi lại, hàng nghìn bác sĩ Cuba được đưa tới Venezuela để chăm sóc y tế cho các bệnh nhân nghèo. Trong ba năm qua, Nicaragua được nhận số dầu mỏ lên đến hơn 1 tỷ USD.
Kinh tế Venezuela sẽ đối mặt những khó khăn nào?
Xã luận Libération viết: "Với trữ lượng dầu mỏ hàng đầu thế giới, Nhà nước Venezuela của Chavez đã phân phối lại các khoản lời từ vàng đen cho những người nghèo nhất, qua các chương trình phúc lợi, đặc biệt trong y tế và giáo dục. Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra những khó khăn nhất định cho ngân sách, cho nền kinh tế.
Một trong số những khó khăn lớn nhất là đồng nội tệ bolivar đang bị mất giá. Sự chênh lệch giữa tỷ giá quy định và thị trường chợ đen là một bài toán khó cho các nhà lãnh đạo.
Trong khi đó, hoạt động chi tiêu công mạnh mẽ đã khiến thâm hụt tài khóa của Venezuela tăng gấp 3 lần trong năm 2012. Theo số liệu của hãng đánh giá tín nhiệm Moody’s, mức thâm hụt tài khóa của Venezuela đã tăng lên mức 11% GDP vào năm ngoái, từ mức 4% trong năm 2011. Việc giảm giá đồng nội tệ có thể giúp Venezuela thu hẹp mức thâm hụt ngân sách, vì đồng nội tệ mất giá sẽ làm tăng số lượng tiền bolivar mà Chính phủ nước này thu được từ hoạt động xuất khẩu dầu.
Theo chiến lược gia Kathryn Rooney Vera thuộc công ty Bulltick Capital Markets (Mỹ), Venezuela cần phải hành động thêm để khắc phục tình trạng mất cân đối tài khóa và những méo mó của nền kinh tế.” Dự đoán, nếu phá giá nội tệ thì có thể đẩy tốc độ lạm phát ở Venezuela lên 22%.
Các chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra tình trạng Venezuela tiếp tục phụ thuộc ngày càng nặng hơn vào dầu mỏ. Kể từ năm 1998, ông Chavez đã nhiều lần tuyên bố tìm cách đưa kinh tế-xã hội đất nước thoát khỏi tình trạng phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ, nhưng thực tế cho thấy bài toán này chưa được giải.
Venezuela không còn sản xuất thép, nhôm, ximăng nữa, trong khi lĩnh vực chế biến nông-lương ngày càng không đáp ứng được nhu cầu trong nước.
Rõ ràng là bước vào thời kỳ mới, thời kỳ hậu Hugo Chavez, Venezuela đứng trước không ít khó khăn và việc bảo đảm cho nền kinh tế phát triển ổn định, cân đối, đời sống người dân tiếp tục được cải thiện là một đề mục lớn trong chương trình nghị sự của người kế nhiệm vị lãnh đạo mà hơn 14 năm qua đã giành được lòng kính yêu của đa số người dân nước này./.