Các số liệu công bố trong tuần đã cho thấy tình trạng suy thoái tại các nền kinh tế yếu nhất ở Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) trong năm ngoái, điều có thể lại làm dấy lên cuộc tranh cãi vốn đã nóng về việc liệu các biện pháp khắc khổ quá hà khắc có ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế hay không.
Tuần trước, Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) cho biết Eurozone lún sâu hơn vào suy thoái trong quý 4/2012, với hoạt động kinh tế chung giảm 0,6%, sau khi giảm 0,1% trong quý trước đó. Trong cả năm 2012, kinh tế khu vực giảm 0,6%.
Trong khi đó, các số liệu thống kê về tình hình kinh tế Italy, Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Síp đến vào lúc hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu trong các ngày 14-15/3 sắp diễn ra nhằm tìm kiếm giải pháp ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ, với các nước mà dẫn đầu là Pháp kêu gọi áp dụng các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng, còn các nước khác mà đi đầu là Đức vẫn ủng hộ việc thắt chặt kỷ luật tài chính.
Các thống kê chính thức chỉ ra rằng kinh tế Italy giảm 0,9% trong quý cuối năm ngoái đúng như dự báo trước đó rằng nền kinh tế lớn thứ ba Eurozone này suy thoái nghiêm trọng hơn. Kinh tế Italy đã trải qua 6 quý suy thoái, giai đoạn suy thoái dài nhất trong hai thập niên và có thể phải chờ đến quý 2 năm nay mới phục hồi. Tình hình của Bồ Đào Nha cũng không khả quan hơn, khi kinh tế nước này giảm 1,8% trong quý 4/2012.
Trong khi đó, những con số tương ứng của Hy Lạp là giảm 5,7% (giảm 6,4% cản năm 2012), và có thể giai đoạn tồi tệ nhất đối với nước này đã qua, song kinh tế Hy Lạp sẽ chưa thể tăng trưởng trở lại trước năm 2014. Còn theo các dự báo chính thức từ Síp cho thấy kinh tế đảo quốc này giảm 3,4% trong quý 4/2012 so với cùng kỳ năm 2011, sau khi giảm 1,1% trong quý 3và là quý suy giảm thứ 6 liên tiếp.
Tuy nhiên, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) mới đây nhận định dấu hiệu tăng trưởng đã bắt đầu xuất hiện ở Eurozone, đặc biệt là Đức. Còn Eurostat dự báo kinh tế khu vực sẽ giảm 0,3% trong năm 2013, trước khi đạt mức tăng trưởng 1,4% năm 2014. Trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu nhận định hoạt động kinh tế ở Eurozone sẽ giảm 0,5% trong năm nay và tăng 1% trong năm tới./.