Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 31/10/2013-11:15:00 AM
Nâng cao hiệu quả và tăng trưởng bền vững
(MPI Portal) – Ngày 30, 31/10/2013, tại Hà Nội, Viện Chiến lược và Phát triển – Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) tổ chức Hội nghị khu vực châu Á trong khuôn khổ chương trình chia sẻ tri thức năm 2013 “Nâng cao hiệu quả và tăng trưởng bền vững”.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung phát biểu tại Hội nghị.
Ảnh: Thúy Quyên (MPI Portal)
Hội nghị có sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học và quản lý Việt Nam và Hàn Quốc, các chuyên gia đối tác của Chương trình Chia sẻ tri thức (KSP) ở khu vực châu Á và đại diện nhiều tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Chương trình KSP do Bộ Chiến lược và Tài chính Hàn Quốc khởi xướng năm 2004 cùng với KDI – cơ quan đóng góp vai trò chủ chốt trong việc thiết kế và thực hiện Chương trình. Đây là một chương trình hợp tác kinh tế có hàm lượng tri thức cao trong đó Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm tăng trưởng kinh tế của mình để hỗ trợ nâng cao thể chế và năng lực của các quốc gia đối tác. Tính đến năm 2012, Hàn Quốc đã thực hiện KSP tại 39 quốc gia đối tác với 460 chủ đề nghiên cứu và hoàn thành tham vấn chính sách cho 10 nước châu Á, trong đó có In-đô-nê-xi-a, Việt Nam, Cam-pu-chia, Lào, Phi-lip-pin… với khoảng 160 chủ đề nghiên cứu.
Nhằm nâng cao hiệu quả của KSP và tạo cơ hội để các quốc gia đối tác phát triển, KSP thảo luận và chia sẻ về các vấn đề chính sách của quốc gia mình. Hội nghị sẽ được tổ chức với 3 phiên họp chính là: nâng cao hiệu quả khu vực công; Đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng bền vững; và Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành.
Trong diễn văn khai mạc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung khẳng định, từ năm 2004 đến nay, Hàn Quốc đã hỗ trợ Việt Nam rất nhiều trong việc chia sẻ kinh nghiệm về tăng trưởng bền vững thông qua các hội nghị, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm tri thức. Đặc biệt, hội nghị lần này với 3 chủ đề là những vấn đề Việt Nam đang quan tâm.
Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, ông Dae Joo Jun cho rằng, nghiên cứu của Hàn Quốc về tăng trưởng bền vững, một vấn đề rất quan trọng của châu Á sau khi kinh tế toàn cầu mất năng lực từ khủng hoảng 2008. Suy thoái kinh tế vẫn tiếp tục, châu Á đứng trước thách thức phải phục hồi lại. Hàn Quốc có kinh nghiệm trong việc khắc phục thách thức mà quốc gia đang phát triển muốn xử lý. Ông khẳng định, Hàn Quốc sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với các nước châu Á và Việt Nam vì một châu Á hòa bình, tiến bộ, thịnh vượng.
Tiến sĩ Okyu Kwon, Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Hàn Quốc, Giáo sư Trường cao học Tài chính thuộc Viện khoa học và công nghệ tiên tiến Hàn Quốc cho rằng, cả thế giới đã nhận thấy rõ tầm quan trọng của châu Á, dự báo năm 2025, nền kinh tế châu Á lớn hơn nền kinh tế châu Mỹ và châu Âu cộng lại. Tiềm năng về thương mại, đầu tư, GDP tăng từ 16.000 tỷ USD lên 24.000 tỷ USD vào năm 2020. Các nước châu Á cần thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình do đó cần lỗ lực gấp đôi.
Tại phiêu thảo luận về nâng cao hiệu quả khu vực công, TS. Đoàn Hồng Quang, Kinh tế gia cao cấp, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã đề cập đến hiệu quả của hệ thống Khung thể chế quản lý đầu tư công (PIM). Qua khung phân tích của Ngân hàng Thế giới, 8 đặc điểm phải có đối với tất cả các chu trình dự án: hướng dẫn đầu tư, sàng lọc sơ bộ, thẩm định chính thức dự án, đánh giá độc lập kết quả thẩm định, lựa chọn dự án và lập ngân sách, thực hiện dự án, điều chỉnh dự án, khai thác công trình, đánh giá trước và sau dự án.
Trong đó, hướng dẫn đầu tư và sàng lọc sơ bộ sẽ sàng lọc bước đầu để bảo đảm tính nhất quán với mục tiêu chiến lược của chính phủ. Đánh giá độc lập kết quả thẩm định tránh ước lượng mang tính chất thiên vị. Lựa chọn dự án và lập ngân sách đảm bảo thẩm định và lựa chọn gắn kết với chu trình lập ngân sách, thiết lập vỏ bảo vệ cho đầu tư công (PI). Tổng kết và đánh giá hoàn thành - thiết kế phải được xây dựng theo các tiêu chí đánh giá.
Ông đưa ra nhận định, PIM đòi hỏi cả những cân nhắc vĩ mô và vi mô. PI mang tính tùy tiện và nhạy cảm đối với việc tổng hợp ngân sách. Các nguyên tắc chính để bảo đảm PIM tốt là tính minh bạch và phi chính trị hóa.
Về PIM tại Hàn Quốc, TS. Hojun Lee, Trung tâm Quản lý hạ tầng công – tư, Viện Phát triển Hàn Quốc cho biết, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính 1997 – 1998, vấn đề tài khóa lành mạnh đã thành một chương trình nghị sự chính sách quan trọng. Chỉ tiêu chính phủ cho phúc lợi xã hội gia tăng đáng kể cũng đã thu hút sự chú ý.
Bên cạnh đó, việc tách Bộ Kế hoạch và Ngân sách ra khỏi Bộ Tài chính và Kinh tế, với nhiệm vụ cốt lõi là nâng cao hiệu quả tài chính, được coi là một sáng kiến cải cách của chính phủ. Hệ thống quản lý tổng thể chi phí dự án là một công cụ mà Bộ Kế hoạch và Ngân sách sử dụng để theo dõi chi đầu tư công để nhằm nắm được chi phí phát sinh trong suốt chu kỳ dự án từ lập kế hoạch đến hoàn thành xây dựng.
Về vai trò của hợp tác công – tư (PPP) trong việc cung cấp kết cấu hạ tầng, TS. Jung Wook Kim, Giám đốc Trung tâm Quản lý đầu tư hạ tầng công – tư, Viện Phát triển Hàn Quốc đã chia sẻ việc hợp tác chia sẻ kiến thức để thúc đẩy PPP tại In-đô-nê-xia. Nghiên cứu này rà soát lại hệ thống PPP của In-đô-nê-xia và phân tích những điểm mạnh và điểm yếu của hệ thống cũng như gợi ý các hướng cải thiện hệ thống PPP và thúc đẩy các dự án PPP ở In-đô-nê-xi-a dựa trên kinh nghiệm của Hàn Quốc.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Thúy Quyên (MPI Portal)
Theo TS. Jung Wook Kim, để đáp ứng nhu cầu cơ bản và nâng cao khả năng cạnh tranh các sản phẩm của mình, Chính phủ In-đô-nê-xi-a cần tập trung vào đầu tư kết cấu hạ tầng làm việc trong đó khuyến khích khu vực tư nhân tham gia cung cấp các kết cấu hạ tầng và các dịch vụ liên quan, tạo điều kiện thuận lợi cho kết cấu hạ tầng phát triển để duy trì sự tăng trưởng kinh tế.
Để phát triển PPP tại In-đô-nê-xi-a, khung pháp lý cần phải được thiết lập bằng luật pháp, xây dựng hướng dẫn để bảo đảm tính minh bạch, khách quan và nhất quán bằng cách tăng cường năng lực từ thiết kế và thực hiện dự án đến quản lý và giám sát cho các cơ quan công quyền. Đồng thời, tăng cường sự hiểu biết của nhà đầu tư và bảo đảm giải thích rõ ràng và thực hiện ổn định, thiết lập một khung thể chế rõ ràng, có khả năng dự báo và hiệu lực. Bên cạnh đó, Chính phủ In-đô-nê-xi-a cần cung cấp bảo lãnh hợp lý và mang tính thực tế để tạo điều kiện thuận lợi cho dự án PPP trong giai đoạn đầu, đảm bảo nguồn thu trong thời gian khai thác có thể tăng cường chia sẻ rủi ro, trong khi rủi ro tài chính đòi hỏi thời gian dài.
Chính phủ cần tạo thuận lợi cho việc thu hồi đất vì vấn đề thu hồi đất ảnh hưởng đến lĩnh vực kết cấu hạ tầng như đường bộ, đòi hỏi những diện tích đất rộng lớn, cần rất nhiều thời gian để giải quyết vấn đề này giữa các bên liên quan và làm trì hoãn việc bắt đầu triển khai dự án, đó là một trong những thách thức lớn nhất đối với các nhà đầu tư trong việc thực hiện.
In-đô-nê-xia cũng cần thiết lập hệ thống quản lý rủi ro tài chính hợp lý cho các dự án PPP để xác định mức độ tham gia thích hợp của khu vực tư nhân và tỉ lệ đầu tư so với ngân sách và các tiêu chí đề xuất cho việc lựa chọn dự án.
Bình luận về hợp tác chia sẻ kiến thức để thúc đẩy PPP tại In-đô-nê-xi-a do TS. Jung Wook Kim nêu ra, ông Saiful Islam Nguyên Phó Vụ trưởng, Bộ Tài chính, Cộng hòa In-đô-nê-xi-a cho rằng, kinh nghiệm của Hàn Quốc về thu hút khu vực tư nhân tham gia cung cấp kết cấu hạ tầng công có thể coi là những tài liệu tham khảo đáng lưu ý nhất. Cung cấp kết cấu hạ tầng tại Hàn Quốc có lợi thế về mức độ ủng hộ cao về chính trị, hỗ trợ tài chính từ nguồn ngân sách và nguồn vốn tư nhân, nguồn cung dự án bền vững và nhu cầu đối với kết cấu hạ tầng của các nhà đầu tư ngày càng tăng.
Ông cho rằng, để giải quyết các vấn đề về phát triển PPP ở In-đô-nê-xi-a, Chính phủ cần cụ thể hóa những kiến nghị đó thành hành động có thể thực hiện được, khẳng định việc tiếp tục phát triển PPP, tìm kiếm sự hỗ trợ chính trị từ cơ quan lập pháp và thu hút sự tham gia của xã hội để có được hỗ trợ về mặt xã hội.
Trong phiên họp thứ 3, hội nghị tiếp tục thảo luận về vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh ngành với các chủ đề năng lực cạnh tranh công nghiệp Việt Nam, ngành công nghiệp thời trang, công nghiệp chế biến nông sản, công nghệ thông tin và truyền thông và công nghệ sản xuất ô tô./.
Thúy Quyên
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1642
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)