(MPI) – Ngày 28/4/2017, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo “Chính thức hóa” hộ kinh doanh ở Việt Nam: Thực trạng và khuyến nghị chính sách.
Hội thảo nhằm công bố kết quả nghiên cứu về việc “chính thức hóa” hộ kinh doanh ở Việt Nam để cung cấp những thông tin về cơ sở chuyển đổi hộ kinh doanh sang hoạt động theo các loại hình doanh nghiệp quy định tại Luật doanh nghiệp. Đây là vấn đề đang được quan tâm sâu sắc khi phát triển doanh nghiệp được coi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Chính phủ nhằm hướng tới mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động.
Hộ kinh doanh là hình thức tổ chức kinh doanh phổ biến, là một trong những chủ thể sản xuất, kinh doanh quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Số hộ kinh doanh tăng khá nhanh, từ 0,33 triệu hộ kinh doanh (năm 1989) lên 1,5 triệu hộ kinh doanh (năm 1999) và 4,75 hộ kinh doanh (năm 2015). Tuy nhiên, số lượng hộ kinh doanh đăng ký thành lập doanh nghiệp còn rất hạn chế. Theo kết quả điều tra của nghiên cứu này, có 80% doanh nghiệp điều tra được thành lập mới hoàn toàn và chỉ có 17,8% số doanh nghiệp điều tra được hình thành từ các hộ kinh doanh.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Minh Trang (MPI)
|
Báo cáo nêu rõ, trong thời gian qua, hộ kinh doanh đã có những đóng góp tích cực trong nền kinh tế, đóng góp lớn trong tạo việc làm và giải quyết các vấn đề xã hội. Hộ kinh doanh là một trong những động lực thúc đẩy tinh thần kinh doanh và phát triển kinh tế thị trường. Tuy nhiên, với đặc trưng kinh doanh nhỏ lẻ, manh mún, hộ kinh doanh có nhiều hạn chế về năng lực cạnh tranh, ứng dụng công nghệ, trình độ quản lý dẫn đến năng suất lao động, hiệu quả sản xuất còn thấp, đóng góp cho ngân sách và công nghiệp hóa, hiện đại hóa còn khiêm tốn.
Để đạt mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, Báo cáo đưa ra các nhóm khuyến nghị chính sách như: Cần nghiên cứu xây dựng Chương trình hành động khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp; Cần quy định rõ hơn thời hạn, chế tài chuyển đổi hộ kinh doanh đủ điều kiện thành các hình thức doanh nghiệp; Ban hành cơ chế, chính sách bảo đảm các hộ kinh doanh sau khi chuyển thành doanh nghiệp duy trì hoạt động và phát triển; Đảm bảo công khai, minh bạch, đặc biệt là trong công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh; Tăng cường tuyên truyền, phổ biến về những lợi thế, những cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh khi đăng ký thành lập dưới các hình thức doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục thành lập, nộp thuế, kế toán và thủ tục hành chính khác để giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư