Trong 2 ngày 30 và 31-10, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp cùng Đại sứ quán Anh tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp thúc đẩy liêm chính trong kinh doanh tại Việt Nam”. Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Antony Stokes đồng chủ trì Hội thảo.
Đây là hội thảo thứ 3 về thực hiện liêm chính trong hoạt động kinh doanh của DN. Kết quả các hội thảo này sẽ cung cấp thông tin đầu vào cho Đối thoại về phòng, chống tham nhũng lần thứ 12 với chủ đề “Vai trò của Doanh nghiệp và khu vực tư nhân trong công tác phòng, chống tham nhũng” vào ngày 12-11 tới.
|
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng phát biểu tại Hội thảo
|
Tại Hội thảo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho biết: hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng tham nhũng được coi là vấn đề đáng quan ngại. 60% số doanh nghiệp được hỏi cho rằng “chi phí không chính thức là khá tốn kém cho doanh nghiệp”, 57% số doanh nghiệp cho rằng “chi phí không chính thức tạo ra môi trường kinh doanh không công bằng giữa các doanh nghiệp”. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới lại cho thấy: có 30% số trường hợp doanh nghiệp đưa hối lộ là do công chức gợi ý, nhũng nhiễu; còn lại 70% số trường hợp đưa hối lộ là do doanh nghiệp chủ động thực hiện. Điều này chứng tỏ doanh nghiệp vừa là nạn nhân vừa là tác nhân của tham nhũng.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định Hội thảo là cơ hội để các cơ quan quản lý, các Doanh nghiệp và các bên liên quan trao đổi để đạt được sự đồng thuận về nhận thức trong chủ đề góp phần tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, phi tham nhũng hướng tới sự phát triển bền vững. Theo ông Trần Đức Lượng, những kinh nghiệp thành công của Mercedes, IBM, Siemens hay Vinamilk cho thấy, bên cạnh bí quyết công nghệ và các lợi thế so sánh; các doanh nghiệp thành công đều có nền tảng quản trị chuyên nghiệp, có triết lý và văn hóa kinh doanh, trong đó Liêm chính được coi là một trong những giá trị cốt lõi.
Tại Hội thảo, các đại biểu trao đổi về một lộ trình phù hợp để thực hiện Liêm chính trong kinh doanh ở Việt Nam; về vai trò của các cơ quan nhà nước, của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, các Hiệp hội Doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng trong tổ chức, thực hiện các Sáng kiến hành động tập thể về Liêm chính, về khả năng hỗ trợ kỹ thuật của các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế nhằm thúc đẩy tiến trình đó.
Ông James H.Anderson, Chuyên gia cao cấp về Quản trị Nhà nước (Ngân hàng Thế giới) cho rằng: Tốc độ đầu tư và tăng trưởng đang suy giảm và Việt Nam cần tập trung vào nỗ lực cải thiện năng suất và chất lượng đầu tư. Thế giới ngày càng hiểu biết hơn về tác động của tham nhũng và cách thức hạn chế tham nhũng, cũng như lý do tại sao bên đưa hối lộ lại làm cho mọi việc trở nên khó khăn. Các nhà đầu tư nước ngoài đang phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn và những rủi ro này cũng tồn tại với các doanh nghiệp Việt Nam.
Báo cáo kết quả nghiên cứu “Tham nhũng, hối lộ, gian lận trong hoạt động của Doanh nghiệp, thực trạng và giải pháp” của Công ty Monaco cho thấy: Nạn tham nhũng, hối lộ trong hoạt động của Doanh nghiệp đã trở thành một thách thức đối với châu Á và toàn cầu. Tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn cho Doanh nghiệp của một số cán bộ công chức trong “mối quan hệ giữa Doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước” là khá phổ biến. Hậu quả là làm tăng chi phí, mất thời gian, giảm hiệu quả hoạt động và gây tâm lý bức xúc cho Doanh nghiệp. Việc hình thành các “nhóm lợi ích” là hiện tượng không mới, nhưng rất lo ngại, dư luận xã hội đang rất quan tâm vì đã tác động tiêu cực, làm biến dạng các quan hệ thị trường, tạo lợi thế cạnh tranh không chính đáng cho “nhóm lợi ích”, gây thiệt hại cho các nhóm đối tượng khác trong xã hội. “Hối lộ thương mại” cũng là một thực trạng khá phổ biến trong “mối quan hệ giữa Doanh nghiệp và Doanh nghiệp, đáng ngại là tình trạng Doanh nghiệp đã hối lộ hay chi trả “phí môi giới” khi vay vốn tại các Ngân hàng Thương mại khi tham gia đấu thầu, tiếp cận các chính sách ưu đãi… Tình trạng “xung đột lợi ích”, nguyên nhân dẫn đến tham nhũng và các gian lận trong nội bộ Doanh nghiệp bước đầu được nhận diện; những tác động tiêu cực làm giảm hiệu quả hoạt động và sự phát triển bền vững của Doanh nghiệp bước đầu được xác định và đánh giá.
Bà Trần Thị Lan Hương, Chuyên gia về Quản trị Nhà nước (Ngân hàng Thế giới) trình bày một nghiên cứu chứng minh rằng: Doanh nghiệp tìm kiếm giải pháp khác ngoài hối lộ thì kinh doanh tốt hơn và chủ động trong phòng, chống tham nhũng bằng các biện pháp: Xây dựng quy tắc ứng xử trong kinh doanh; tổ chức chiến dịch “Nói không với tham nhũng”; tổ chức các sự kiện để nâng cao kiến thức về phòng, chống tham nhũng; rà soát, luân chuyển các vị trí có rủi ro tham nhũng; tham gia các sáng kiến phòng, chống tham nhũng,…/.