Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 06/05/2017-14:24:00 PM
Hội thảo trao đổi kinh nghiệm – Diễn đàn cấp cao đối tác cho mục tiêu toàn cầu tăng trưởng xanh 2030
(MPI) – Ngày 04/5/2017, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo trao đổi kinh nghiệm – Diễn đàn cấp cao đối tác cho mục tiêu toàn cầu tăng trưởng xanh 2030 với sự có mặt của đại diện các cơ quan thuộc Chính phủ, các nhà hoạch định chính sách trong nước và quốc tế, doanh nghiệp và xã hội dân sự nhằm chia sẻ về các nghiên cứu điển hình, trao đổi kinh nghiệm và tìm hiểu thực tiễn tốt trong quá trình thực hiện tăng trưởng xanh.

Diễn đàn Tăng trưởng xanh toàn cầu (3GF) bắt đầu hoạt động từ năm 2011 nhằm tập hợp các cơ quan thuộc Chính phủ, doanh nghiệp, các nhà đầu tư và các tổ chức quốc tế cùng hoạt động vì sự tăng trưởng xanh, bền vững. Trên cơ sở đó, một sáng kiến mới sẽ được khởi động vào tháng 9/2017, tập trung vào việc mở rộng thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh thông qua các quan hệ đối tác công – tư.

Dựa trên kinh nghiệm của 3GF và các hoạt động khác, Hội thảo hướng tới hai mục tiêu chính: Những bài học thành công và không thành công trong việc thúc đẩy hơn nữa các hoạt động của các cá nhân và thách thức của dự án, yếu tố đảm bảo tính hiệu quả của các mối quan hệ đối tác; Phương thức thúc đẩy quá trình tăng trưởng xanh vượt quá các hoạt động mang tính cá nhân, nhỏ lẻ thành các hoạt động có tác động ở quy mô lớn, tốc độ nhanh và được chấp nhận rộng rãi.

Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu được nghe trình bày và thảo luận về các yếu tố thành công cho các đối tác tăng trưởng xanh, bao gồm tổng quan về cách tiếp cận đối tác 3GF; Xác định rào cản và các quy định, nhận thức đã ngăn chặn và hỗ trợ việc thực hiện quan hệ đối tác tăng trưởng xanh và mức độ thay đổi theo các vấn đề và khu vực; Sáng kiến tăng tốc hiệu suất xây dựng, một quan hệ đối tác đa bên nhằm giúp chính quyền cấp địa phương và các thành phố đẩy nhanh việc thực hiện các chính sách và hiệu quả dự án trong xây dựng; Nhân rộng tác động của đối tác tăng trưởng xanh với những can thiệp chủ đạo, làm thế nào để thúc đẩy quan hệ đối tác tăng trưởng xanh vượt ra ngoài khuôn khổ những hoạt động nhỏ lẻ hướng tới tạo tác động trên quy mô lớn và đạt được sự chấp nhận rộng rãi; Sáng kiến “Đối tác cho mục tiêu toàn cầu phát triển xanh”; Thiết kế một cơ quan/đơn vị điều phối quan hệ đối tác.

TS. Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường,
Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: MPI

Tại Hội thảo, TS. Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra những nhận định, phân tích về quá trình thực hiện tăng trưởng xanh ở Việt Nam, thành tựu, thách thức và cơ hội. Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia của Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt thông qua vào năm 2012 nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu và hoàn thiện thể chế, chính sách kinh tế hướng tới sử dụng hiệu quả hơn nguồn tài nguyên thiên nhiên, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đạt được thông qua việc tăng cường đầu tư cải tiến công nghệ, nguồn vốn tự nhiên và các công cụ kinh tế, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nghèo và bảo đảm phát triển kinh tế bền vững. Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020 được phê duyệt ngày 20/3/2014 đã đề ra 12 nhóm hoạt động và 66 nhiệm vụ hành động cụ thể. Trong việc tổ chức thực hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Thủ tướng Chính phủ giao là cơ quan đầu mối về tăng trưởng xanh, có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố tổ chức triển khai thực hiện.

Theo đó, Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh đã được lồng ghép vào các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu của đất nước, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, kế hoạch phát triển vùng và cấp tỉnh. Trong đó có 7 Bộ và 15 tỉnh đã thông qua kế hoạch hành động tăng trưởng xanh. Để thực hiện Đóng góp do quốc gia xác định (NDC) được xác định tại COP 21 và Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) tới năm 2030, Việt Nam đã cụ thể hóa 169 mục tiêu được Liên hợp quốc thông qua trở thành 115 mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam (VSDGs). Việc thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh thông qua kế hoạch hành động có liên quan chặt chẽ, hỗ trợ 60% SDGs và 65% hành động của NDC.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình thực hiện như vấn đề huy động nguồn lực. Mô hình đường cong chi phí MAC cho thấy Việt Nam cần huy động 30 tỷ USD để thực hiện các kế hoạch, mục tiêu, trong đó 70% được huy động từ khu vực tư nhân. Nguồn vốn từ Chính phủ và vốn ODA sẽ giúp thu hút, tạo điều kiện cho đầu tư tư nhân trong các lĩnh vực biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. Trong đó, Việt Nam đang tiến hành tập hợp, soạn thảo khuôn khổ chính sách phù hợp để khuyến khích khu vực tư nhân tham gia thực hiện tăng trưởng xanh, tuyên truyền, đào tạo, nâng cao nhận thức cho khu vực tư nhân về tăng trưởng xanh, thực hiện một số dự án thí điểm về tăng trưởng xanh trong các lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng, giao thông… Bên cạnh đó, các vấn đề thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân, bao gồm khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư gián tiếp nước ngoài, đầu tư theo hình thức đối tác công – tư, vấn đề tiếp cận công nghệ mới cũng gặp những khó khăn nhất định.

Đánh giá về cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Đan Mạch trong lĩnh vực này, TS. Phạm Hoàng Mai cho biết, hai nước cần duy trì và tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác song phương hiện nay trong các lĩnh vực sử dụng hiệu quả năng lượng, năng lượng tái tạo và tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực tư nhân tham gia; Ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế về tăng trưởng xanh, bao gồm 3GF và P4G, chia sẻ công nghệ hiện đại, bài học thực tiễn hữu ích cho việc thực hiện tăng trưởng xanh ở Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam huy động nguồn lực tài chính từ các tổ chức tài chính quốc tế mà Đan Mạch là thành viên như Quỹ Khí hậu xanh (GCF)./.

Nguyễn Hương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1972
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)