Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản Haruhiko Kuroda. (Nguồn: Reuters) Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã cam kết thúc đẩy tự do thương mại nhằm giải quyết tình trạng bất bình đẳng giữa các nước.
Trong ngày họp đầu tiên 12/5 tại thành phố cảng Bari ở miền Nam Italy, các bộ trưởng tài chính G7 đã tập trung thảo luận các biện pháp khắc phục tình trạng bất bình đẳng, vốn là căn nguyên đưa ứng cử viên có quan điểm chống toàn cầu hóa Marine Le Pen tới cuộc bầu cử tổng thống Pháp vừa qua, và thắng lợi của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm ngoái, cũng như đóng vai trò trong quyết định rời Liên minh châu Âu (EU) của cử tri Anh.
Theo dự kiến, Italy, nước giữ chức chủ tịch luân phiên G7 năm nay, sẽ đưa ra tuyên bố chung sau khi kết thúc 2 ngày làm việc vào ngày 13/5, trong đó nhấn mạnh tinh thần đoàn kết và thống nhất của các nước.
Phát biểu với báo giới sau cuộc họp, Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản Haruhiko Kuroda nhận định chính sách bảo hộ thương mại và nói "Không" với cải tiến công nghệ và toàn cầu hóa sẽ không giúp giải quyết tình trạng bất bình đẳng.
Ông cảnh báo tình trạng bất bình đẳng, vốn đang gia tăng ở cả các nước phát triển và đang phát triển, sẽ gây ra vấn đề lớn về mặt kinh tế và xã hội.
Cuộc họp tại Bari diễn ra trong bối cảnhgia tăng quan ngại giữa các đối tác G7 của Mỹ về chiến lược kinh tế "Nước Mỹ trên hết" mà chính phủ của Tổng thống Donald Trump chủ trương theo đuổi.
Các vấn đề về thương mại được dự báo sẽ bao trùm không gian thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra ở Taormina, Sicily, từ ngày 26-27/5 tới.
Trước đó, tại cuộc họp hồi tháng 3 vừa qua ở Đức, các bộ trưởng tài chính Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) - bao gồm cả G7, đã cam kết chống lại mọi hình thức của chủ nghĩa bảo hộ./.