Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 22/3 đã đưa ra đề xuất cải tổ nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới, gọi tắt là BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) từ diễn đàn đối thoại thành cơ chế phối hợp hành động chiến lược để tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề then chốt của nền chính trị thế giới.
|
Tổng thống Vladimir Putin
|
Phát biểu với báo giới trước thềm Hội nghị thượng đỉnh BRICS, dự kiến diễn ra trong các ngày 26-27/3 tới tại thành phố Durban của Nam Phi, Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng Nga đề xuất từng bước cải tổ BRICS từ diễn đàn đối thoại phối hợp lập trường về một số vấn đề có giới hạn trở thành cơ chế đầy đủ phối hợp hành động chiến lược.
Theo nhà lãnh đạo Nga, BRICS là một trong những nhân tố chủ chốt trong thế giới đa cực, giúp hình thành hệ thống quan hệ quốc tế công bằng và cân bằng hơn. Trong suốt hai thập kỷ vừa qua, các nước thành viên BRICS luôn dẫn đầu thế giới về tăng trưởng kinh tế.
Chỉ tính riêng trong năm 2012, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt mức 4%, trong khi các nước Nhóm các nền kinh tế phát triển (G-7) chỉ dừng ở con số khiêm tốn 0,7%. Do vậy, BRICS mong muốn góp phần đưa nền kinh tế thế giới trở lại con đường tự phát triển bền vững, cải tổ cấu trúc kinh tế-tài chính quốc tế.
Tuy nhiên, Tổng thống Putin nhấn mạnh điều quan trọng nhất là tìm được giải pháp có khả năng đẩy nhanh phát triển toàn cầu, kích thích dòng vốn vào nền kinh thế thực, tăng trưởng việc làm. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới đang trì trệ và tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao không thể chấp nhận được.
Mặc dù, những hiện tượng này xuất hiện chủ yếu tại các nước phương Tây phát triển, song chúng vẫn tác động tiêu cực tới các nước thành viên BRICS vì thị trường xuất khẩu bị co hẹp lại và sự bất ổn trong hệ thống tài chính toàn cầu vẫn chưa được giải quyết.
Tổng thống Putin cũng nhấn mạnh rằng các nước thành viên BRICS thường thống nhất lập trường chung trong việc giải quyết các cuộc xung đột quốc tế bằng con đường chính trị-ngoại giao. Do vậy, tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới, nhóm này sẽ ra tuyên bố chung về những vấn đề thời sự quốc tế nóng bỏng như cuộc khủng hoảng tại Syria, các vấn đề Iran, Iraq, Trung Đông...
Song, Thủ tướng Putin cũng nêu rõ "không được coi BRICS là đối thủ cạnh tranh địa chính trị với các quốc gia phương Tây hoặc các tổ chức của họ, ngược lại đây là cơ chế mở để thảo luận với tất cả những ai quan tâm trong khuôn khổ mô hình thế giới đa cực."./.