1. Tăng trưởng kinh tế
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) quý I theo giá so sánh 2010 ước đạt 27.124 tỷ đồng, giảm 1,8% so với quý I/2016. Trong đó, khu vực dịch vụ tiếp tục được mở rộng về quy mô và đạt mức tăng trưởng cao nhất (+10,9%); khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 6,6%; còn khu vực công nghiệp - xây dựng giảm 5,5%. Sở dĩ, kinh tế quý I năm nay tăng trưởng âm là do sản xuất công nghiệp của khu vực FDI sụt giảm.
2. Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm
2.1. Tài chính - ngân hàng - tín dụng
Tính chung quý I, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 6.554 tỷ đồng, đạt 34,6% dự toán năm và tăng 20,7% so với quý I/2016. Tổng chi ngân sách địa phương quý I ước đạt 3.304 tỷ đồng, đạt 27,1% dự toán năm và tăng 14,7% so quý I/2016. Trong đó, chi cho đầu tư phát triển là 1.186 tỷ đồng, đạt 38,4% dự toán và tăng 12,9%; chi thường xuyên là 1.744 tỷ đồng, đạt 21,3% dự toán và tăng 15,1%.
Tổng nguồn vốn huy động tín dụng đến cuối tháng 3 ước đạt 72.000 tỷ đồng, tăng 45,8% so cùng tháng năm trước và tăng 37,5% so cuối năm 2016. Tổng dư nợ đến cuối tháng 3 đạt 57.000 tỷ đồng, tăng 34,7% so cùng tháng năm trước và tăng 25% so cưới năm 2016. Trong đó, cho vay trung và dài hạn đạt 23.000 tỷ đồng, chiếm 40,4%, tăng 30,8% và tăng 25%. Đối với nợ xấu, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng tổ chức triển khai đồng bộ tổ hợp các giải pháp nhằm xử lý, thu hồi nợ xấu, ngăn chặn nợ xấu mới phát sinh. Đến cuối tháng 3/2017, nợ xấu trên địa bàn là 860 tỷ đồng, chiếm 1,5% tổng dư nợ, trong đó nợ xấu của DN chiếm 68,1%.
2.2. Bảo hiểm
Đến cuối tháng 3, toàn tỉnh đã có 1.005,9 nghìn người tham gia đóng bảo hiểm các loại, chiếm 86,8% dân số toàn tỉnh; so cùng kỳ năm trước, tăng 10,2% về số người tham gia và tăng 11,6% tỷ trọng so với dân số. Tổng số tiền thu bảo hiểm các loại đạt 1.167,8 tỷ đồng, tăng 5,1% so cùng kỳ; trong đó thu từ BHYT là 266 tỷ đồng, tăng 12,3%; thu BHXH bắt buộc là 832 tỷ đồng, tăng 3,2%. Quý I, toàn tỉnh đã chi trả tiền bảo hiểm các loại với tổng số 832 tỷ đồng, tăng 20,1% so cùng kỳ năm trước; trong đó sử dụng từ quỹ BHXH là 597 tỷ đồng, tăng 9,9%, sử dụng từ quỹ BHYT là 235 tỷ đồng, tăng 56,7% so quý I/2016.
3. Đầu tư và xây dựng
3.1. Vốn đầu tư: Tổng vốn đầu tư phát triển quý I ước đạt 19.972 tỷ đồng, tăng 55,1% so với quý I/2016. Trong đó, vốn đầu tư thuộc ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý đạt 625 tỷ đồng, tăng 7,3% và vốn vay từ các nguồn khác đạt 742 tỷ đồng, tăng 20,1%. Vốn ngoài Nhà nước đạt 3.962 tỷ đồng, tăng 1,3%. Vốn đầu tư của DN FDI đạt 14.505 tỷ đồng, gấp 1,9 lần so với quý I/2016. Xét theo mục đích đầu tư, chi đầu tư XDCB đạt 14.163 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất (70,9%). Vốn mua sắm TSCĐ dùng cho sản xuất đạt 4.393 tỷ đồng, chiếm 22% và gấp 2 lần.
3.2. Hoạt động cấp phép vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài
Tính từ đầu năm đến ngày 15/3, toàn tỉnh đã cấp mới giấy chứng nhận đầu tư cho 32 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 119,3 triệu USD; so cùng kỳ năm trước, giảm 10 dự án và giảm 108,8 triệu USD về vốn đăng ký. Trong đó, dự án sản xuất mạch và chíp điện tử, chất bán dẫn của Công ty Hanwha Techwin Security Việt Nam tại KCN Quế Võ đăng ký vốn đầu tư là 100 triệu USD. Cấp đăng ký điều chỉnh tăng vốn cho 8 dự án với mức tăng thêm là 2.526,4 triệu USD; trong đó riêng dự án của Công ty Samsung Dislay là 2.500 triệu USD, nâng tổng mức đầu tư đăng ký của dự án này lên 6.500 triệu USD. Luỹ kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 984 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép đầu tư (còn hiệu lực), tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh là 15.052 triệu USD. Trong đó, trong các KCN tập trung có 695 dự án (chiếm 70,6%) với tổng vốn đầu tư đăng ký là 14.130 triệu USD (chiếm 93,9%).
3.3. Xây dựng: GTSX xây dựng quý I theo giá thực tế ước đạt 7.063 tỷ đồng, tăng 38,1% so quý I/2016; trong đó xây dựng nhà ở chiếm 49,5% (tăng 14% so quý I/2016); công trình nhà không để ở chiếm 25%; công trình kỹ thuật dân dụng chiếm 17,6%. Theo giá so sánh 2010, GTSX đạt 5.607 tỷ đồng, tăng 33,3% so quý I/2016. Dự báo, hoạt động xây dựng sẽ tiếp tục tăng cao trong quý II, do một số dự án FDI có vốn đầu lớn sẽ triển khai hoạt động xây dựng nhà xưởng.
4. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
4.1. Nông nghiệp
a) Về trồng trọt:
Đến ngày 15/3, toàn tỉnh đã cơ bản kết thúc gieo cấy vụ lúa xuân với diện tích 34.775,5 ha lúa xuân, đạt 99,4% KH vụ và bằng 99,9% so với thực hiện vụ xuân năm trước. Trong đó, gieo thẳng 6.462 ha, tăng 1,2% (+77 ha) so vụ xuân năm trước. Gieo trồng được 3.680 ha cây rau màu vụ xuân, tăng 603 ha so cùng thời điểm năm trước. Trong đó, cây rau các loại là 1.941,5 ha, tăng 753,3 ha, cây ngô là 1.079 ha, giảm 65 ha.
b) Chăn nuôi và công tác thú y
Tính đến cuối tháng 3, tổng đàn lợn toàn tỉnh ước đạt 401,8 nghìn con, chỉ tăng 0,7% (+2,7 nghìn con) so cùng thời điểm năm trước; đàn gia cầm có 4.449 nghìn con, tăng 4,7% (+199 nghìn con); đàn trâu và bò tiếp tục giảm, nhưng đàn bò giảm nhiều hơn so với mức giảm cùng thời điểm năm trước (-1.250 con). Trong quý I, mặc dù đã triển khai sớm chiến dịch tiêm chủng đại trà vụ xuân hè, nhưng do thời tiết nồm ẩm nên trên địa bàn tỉnh đã phát sinh 5 ổ dịch cúm gia cầm ở xã Hòa Long và xã Nam Sơn (TP. Bắc Ninh); xã Đình Tổ (huyện Thuận Thành); xã Đông Phong (huyện Yên Phong) và xã Quế Tân (huyện Quế Võ) với 8.890 con gia cầm mắc. Nhưng do phát hiện sớm, kịp thời tiêu hủy và triển khai các biện pháp khử trùng khoanh vùng, nên đã khống chế được dịch bệnh. Đến nay, hoạt động chăn nuôi diễn ra bình thường.
4.2. Lâm nghiệp: Trong quý I, toàn tỉnh đã trồng được 90 nghìn cây phân tán, tương đương so cùng kỳ năm trước. Khai thác được 950 m3 gỗ và 1.150 Ster củi các loại. Công tác phòng chống cháy rừng được triển khai đến từng hộ được giao quản lý rừng, tổ chức tuyên truyền ở khu dân cư, nhà máy, DN sản xuất gần khu vực có rừng. Tuy nhiên, trong quý I trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 5 vụ cháy, gây thiệt hại 5,9 ha rừng. Các ngành chức năng đang điều tra nguyên nhân cháy và đánh giá thiệt hại kinh tế.
4.3. Thuỷ sản: Đến cuối tháng 3, mặc dù diện tích nuôi trồng thủy sản giảm 96 ha so cùng thời điểm năm trước. Tính chung quý I, sản lượng thu hoạch thủy sản nuôi trồng đạt 9.378 tấn, tương đương so cùng kỳ năm trước; sản lượng khai thác đạt 254 tấn, giảm hơn 10% và sản xuất được 229 triệu con giống, giảm 4,6%. Hiện nay, các cơ sở nuôi trồng thủy sản đang tổ chức vệ sinh ao nuôi, gia cố bờ, cống ao để chuẩn bị cho vụ mới.
5. Sản xuất công nghiệp
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 3 tuy tăng 2,8% so tháng trước, nhưng lại giảm tới 17,2% so cùng tháng năm trước. Trong ngành CN chế biến chế tạo, 7 ngành có chỉ số tăng so tháng trước và cùng tháng năm trước là SX đồ uống (+23,3% và +9,8%); dệt (+13% và +34,3%); SX trang phục (+58,4% và gấp 2,2 lần); SXSP từ cao su và plastic (+6,6% và +12,6%); SX kim loại (+0,9% và gấp 2 lần); SXSP từ KL đúc sẵn (+1,2% và +30,3%) và SX thiết bị điện (+10,1% và +9,2%). Tính chung 3 tháng đầu năm, IIP toàn ngành công nghiệp giảm 7,3%. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm 7,5%, do 4/11 ngành giảm ở mức hai con số, trong đó ngành SXSP điện tử giảm 10%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 18%; riêng ngành SX và PP điện, khí đốt tăng 16,7%, nhưng cũng không bù được mức giảm của 2 ngành trên.
5.2. Chỉ số tiêu thụ và tồn kho: Chỉ số tiêu thụ của ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong tháng 3 tăng 6,1% so tháng trước. Tuy nhiên, so cùng tháng năm trước chỉ số tiêu thụ lại giảm 1,6% do tháng 3/2016 là tháng đỉnh cao của năm 2016, nên tháng 3 năm nay so với tháng 3/2016 có tới 5/11ngành giảm. Tính chung 3 tháng, chỉ số tiêu thụ giảm 1,7% so cùng kỳ năm trước. Chỉ số tồn kho tháng 3 tăng 31,9% so tháng trước và tăng 19,5% so cùng tháng năm trước. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng so tháng trước và cùng tháng năm trước, như: SX đồ uống (+3,6% và +59,5%); SXSP từ cao su và plastic (gấp 4,5 lần và +18,3%); SX kim loại (+7,4% và +25,1%); SXSP từ kim loại (+5,3% và +41,7%); SXSP điện tử (+6,2% và +34,5%).
6. Thương mại, dịch vụ và giá cả
6.1. Lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ
Tổng mức bán lẻ hàng hoá tháng 3 ước đạt 2.743 tỷ đồng, tuy giảm 2,8% so tháng trước, nhưng vẫn tăng 10% so cùng tháng năm trước. Tính chung quý I, tổng mức bán lẻ hàng hoá đạt 8.482 tỷ đồng, tăng 11,9% so cùng kỳ năm trước. Tổng doanh thu lưu trú và ăn uống quý I ước đạt 744 tỷ đồng, tăng 28,1% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu ăn uống đạt 701 tỷ đồng, tăng 28,8% so cùng kỳ.
6.2. Hoạt động ngoại thương
Về xuất khẩu: Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong quý I ước đạt 3.960 triệu USD, giảm 16,2% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực FDI đạt 3.930 triệu USD, giảm 16,2%. Về nhập khẩu: Tổng kim ngạch nhập khẩu quý I ước đạt 3.522 triệu USD, tăng 45,4% so với quý I/2016. Trong đó, khu vực FDI đạt 3.424 triệu USD, tăng 44,4%; khu vực trong nước đạt 98 triệu USD, gấp gần 2 lần so cùng kỳ năm trước. Nguồn nhập khẩu lớn nhất vẫn ở thị trường châu Á, với tỷ trọng chiếm tới 85,7%.
6.3. Tình hình giá cả
Dự báo, chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 sẽ chỉ tăng trên dưới 0,1% so tháng trước và tính chung 3 tháng đầu năm CPI chỉ tăng 0,5% so tháng 12/2016 và tăng 5% so cùng kỳ năm trước. Giá vàng sau đợt tăng đột biến do tác động của ngày thần tài (ngày 10/01 âm lịch), đến nay đã ổn định trở lại. Tuy nhiên, do giá USD trên thị trường thế giới đã giảm trong 5 phiên giao dịch gần đây đã tác động và đưa giá vàng tăng lên kể từ ngày 21/3, đồng thời kéo giá vàng trong nước tăng theo với mức tăng từ 50 nghìn/lượng. Dự báo, giá vàng tháng 3 sẽ tăng gần 1% so tháng trước, còn giá USD giảm 0,5%.
7. Vận tải, du lịch và bưu chính - viễn thông
7.1 Hoạt động vận tải:
Vận tải hành khách: Quý I, khối lượng hành khách (HK) vận chuyển ước đạt 4.609 nghìn HK, tăng 11,2% so cùng kỳ năm trước; khối lượng luân chuyển đạt 221,3 triệu lượt HK.km, tăng 11,7%. Trong đó, ngành đường bộ chiếm tỷ trọng chủ yếu, tăng 12,1% về vận chuyển và tăng 11,7% về luân chuyển. Vận chuyển hàng hoá, khối lượng vận chuyển quý I ước đạt 7.982 nghìn tấn, tăng 6,3% so cùng kỳ năm trước; khối lượng luân chuyển đạt 414,5 triệu tấn.km, tăng 5,1% so cùng kỳ. Tổng doanh thu quý I ước đạt 1.315 tỷ đồng, tăng 7,2% so cùng kỳ năm trước; trong đó doanh thu vận tải đường bộ chiếm 56,9% và tăng 9,6%; doanh thu dịch vụ logistic đạt 425 tỷ đồng, tăng 4,2%,
7.2. Du lịch: Tổng lượt khách ước đạt 310 nghìn lượt, tăng 42,3% so quý I/2016; tổng ngày khách ước đạt 328 lượt.ngày, tăng 26,8%; tổng doanh thu phục vụ ước đạt gần 150 tỷ đồng, tăng 20,9%.
7.3. Bưu chính viễn thông: Tính đến cuối tháng 3/2017, toàn tỉnh có 1.354,3 nghìn thuê bao điện thoại các loại trên mạng, giảm 1,8% so cùng thời điểm năm trước (do các nhà mạng thu hồi sim đã kích hoạt, nhưng chưa đăng ký). Trong đó, cố định còn 47,2 nghìn thuê bao, giảm 17,1%; có 1.236,1 nghìn thuê bao di động trả trước, tăng 0,9%; có 517,7 nghìn thuê bao Internet (bao gồm cả dịch vụ truyền hình kỹ thuật số), tương đương cùng kỳ năm trước. Trong quý I, toàn tỉnh có 77.947 lượt người truy cập truyền hình trực tuyến, gấp 2,2 lần so quý I/2016.
8. Các lĩnh vực xã hội
8.1. Đời sống dân cư và công tác xã hội
Năm 2016, quy mô kinh tế tiếp tục được mở rộng, lao động vào làm việc trong các DN công nghiệp tăng, nên thu nhập của người lao động được cải thiện đáng kể. Tính chung, tiền lương trung bình năm 2016 trong các loại hình DN đạt xấp xỉ 7,1 triệu đồng/người/tháng. Mức thưởng Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 trung bình là 4.741 nghìn đồng/người, cao hơn mức thưởng Tết nguyên đán Bính Thân 2016 là 427 nghìn đồng. Kinh tế phát triển, thu ngân sách tăng cao, nên công tác an sinh xã hội luôn được các cấp ủy, chính quyền địa phương chăm lo. Đặc biệt, ngày càng có nhiều DN cũng tham gia vào các hoạt động này, đã góp phần nâng cao mức sống cho các đối tượng chính sách, người nghèo.
8.2. Lao động và việc làm
Tính chung, trong quý I toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho 7.560 lao động, tăng 12,5% so cùng kỳ. Trong đó, lao động mới tuyển dụng (ở trong tỉnh) thuộc khu vực CN-XD là 4.256 người, chiếm 56,3% và tăng 17,6% so cùng kỳ năm trước; khu vực dịch vụ được 2.106 lao động, chiếm 27,9% và tăng 10,5%, trong khi lao động vào khu vực NLTS giảm 2,1%.
8.3. Giáo dục - Đào tạo
Theo số liệu giữa năm học 2016-2017, toàn tỉnh có 493 trường với 10.053 lớp học các cấp được tổ chức học tập ở 8.383 phòng học; so với năm học trước, tăng thêm 3 trường (mầm non), tăng thêm 310 lớp học và tăng 167 phòng học. Tại thời 31/12/2016, có 99.394 học sinh mầm non, tăng 1,3% so cùng thời điểm năm trước; cấp tiểu học có 101.629 học sinh, tăng 3,9%; THCS có 65.720 học sinh, tăng 0,5%; THPT có 38.474 học sinh, tăng 0,2%. Lực lượng giáo viên tiếp tục được bổ sung thêm để đảm bảo đủ định mức qui định. Toàn tỉnh có 15.476 giáo viên các cấp, tăng 6,3% so với năm học trước; trong đó bậc mầm non có 4.721 giáo viên, tăng 6,9%; bậc tiểu học có 4.690 giáo viên, tăng 7,7%; bậc THCS có 4.197 giáo viên, tăng 6,5% và bậc THPT có 1.868 giáo viên, tăng 1% so với năm học trước. Năm học 2016-2017, tại các trường TCCN và dạy nghề có 2.551 học sinh đang theo học (không tính học viên trong các lớp ngắn hạn từ 3 tháng trở xuống) với 275 giáo viên giảng dạy; các trường CĐ, ĐH có 16.232 sinh viên với 983 giảng viên. Trong quý I, các cơ sở dạy nghề đã tuyển sinh đào tạo nghề ngắn hạn cho 5.325 người và đã có 2.130 người tốt nghiệp.
8.4. Chăm sóc sức khỏe cộng đồng
Trong quý I, các tuyến y tế đã khám bệnh cho 412 nghìn lượt người, chỉ tăng 0,3% so với quý I/2016; trong đó có 35,2 nghìn người điều trị nội trú, tương đương so cùng kỳ. Công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được ngành Y tế phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra chặt chẽ, trong đó tập trung lực lượng giám sát trong các cơ sở, DN chế biến suất ăn công nghiệp, trong các DN có số lượng lao động lớn và tự triển khai bếp ăn. Vì thế, trong quý I chỉ xảy ra 1 vụ ngộ độc thực phẩm với 4 người mắc và không có tử vong.
8.5. Văn hoá thông tin và thể dục thể thao
Công tác thông tin tuyên truyền và các hoạt động văn hóa, văn nghệ trong quý I được tập trung vào việc thực hiện các giải pháp của Chính phủ về xây dựng chính quyền kiến tạo và phục vụ DN; của địa phương nhằm duy trì phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; cấm đốt pháo, phòng chống tham nhũng, lãng phí trong dịp Tết Nguyên đán. Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 185 năm thành lập tỉnh, 20 năm tái lập tỉnh Bắc Ninh và đón nhân Huân chương Độc lập hạng Nhất, nhiều hoạt động và sự kiện đã được tổ chức trong quý I, như: Tỉnh ủy-HĐND-UBND tỉnh đã tổ chức lễ kỷ niệm gắn với chương trình nghệ thuật đặc sắc vào tối ngày 12/2 với chủ đề “Âm vang miền Quan họ”. Chương trình đã hội tụ các loại hình văn nghệ dân gian-di sản văn hóa từ khắp các vùng, miền Tổ quốc ngay tại Bắc Ninh. Các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao cũng được tổ chức sôi động, như: tổ chức thi “Người đẹp Kinh Bắc 2017”, Hội thi “Hát Dân ca quan họ”; trưng bày “Các cổ vật tiêu biểu”; Hội chợ triển lãm đá cảnh, sinh vật cảnh; Lễ hội Kinh Dương Vương, Hội Lim; Giải bóng chuyền nữ Quốc tế Cúp LienVietPostBank 2017; diễu hành mô tô, xe đạp thể thao; giải Cầu lông, Quần vợt; giải Vật cổ điển, kéo co, điền kinh.
8.6. An ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội
An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội: Hiện nay, tuy có số lượng lao động ngoại tỉnh lớn đang làm việc trên địa bàn và tập trung ở các xã quanh các KCN, tình hình an ninh, TTATXH luôn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, công tác đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh luôn được TU, UBND tỉnh và các ngành chức năng, các địa phương đặc biệt quan tâm lãnh đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc. Tính đến ngày 10/3, toàn tỉnh đã xảy ra 111 vụ phạm pháp hình sự, giảm 50 vụ so cùng thời điểm năm trước (có 8 vụ trọng án, tăng 3 vụ); phát hiện và bắt giữ 335 vụ buôn bán ma tuy với 368 đối tượng, thu 753 gam heroin và 1.848 gam ma túy tổng hợp; so cùng kỳ năm trước, tăng 288 vụ và tăng 244 đối tượng, nhưng giảm 1.351 gam ma tuý.
An toàn giao thông: Công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát giữ gìn trật tự an toàn giao thông tiếp tục được tập trung chỉ đạo thực hiện. Trong quý I, trên các tuyến đường bộ đã xảy ra 18 vụ TNGT, làm chết 13 người, bị thương 5 người; so cùng kỳ năm trước, giảm 9 vụ, giảm 8 người chết và giảm 1 người bị thương.
8.7. Tình hình cháy nổ và bảo vệ môi trường
Trong quý I, toàn tỉnh đã xảy ra 5 vụ cháy nổ, làm 2 người chết và 14 người bị thương; so cùng kỳ năm trước, tăng 1 vụ và giảm 12 tỷ đồng về giá trị thiệt hại. Trong đó, riêng vụ nổ xe khách biển kiểm soát 14B-006.94 khi đang lưu thông trên địa bàn huyện Quế Võ đã làm 2 chết và 14 người bị thương, gây thiệt hại hơn 700 triệu đồng. Tính từ ngày 16/12/2016 đến 15/3/2017, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 105 vụ vi phạm pháp luật về môi trường; qua điều tra đã ra quyết định xử phạt hành chính và thu nộp Kho bạc Nhà nước 639 triệu đồng; so với cùng kỳ năm trước, giảm 11 vụ và giảm 320 triệu đồng./.
Website Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh