(MPI) – Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và dự Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 23 tại Nhật Bản, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản (JETRO) và Ngân hàng Tokyo Mitsubishi UFJ (BTMU) tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam, Tọa đàm giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản, Đối thoại với Liên đoàn kinh tế Nhật Bản (Keidanren) và tổ chức đoàn doanh nghiệp.
|
Tọa đàm bàn tròn giữa Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc với các doanh nghiệp Nhật Bản. Ảnh: MPI
|
Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam là sự kiện lớn nhất từ trước đến nay với sự tham dự của hơn 1.600 đại biểu, doanh nghiệp Nhật Bản và khoảng trên 400 đại biểu các tỉnh, thành phố và doanh nghiệp Việt Nam, thể hiện sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản đối với việc đầu tư kinh doanh và sức hấp dẫn tại Việt Nam. Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã có bài phát biểu quan trọng gửi đi thông điệp của Chính phủ Việt Nam đối với cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản và chứng kiến Lễ trao Giấy chứng nhận đầu tư, Hợp đồng hợp tác và Thỏa thuận hợp tác của các Bộ, tỉnh, thành phố và doanh nghiệp hai nước. Cụ thể, đã có 03 Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của 03 dự án, 04 Hợp đồng kinh tế và 29 Thỏa thuận hợp tác với tổng giá trị khoảng trên 22 tỷ USD. Thủ tướng Chính phủ cùng các Bộ trưởng đã trực tiếp giải đáp các vấn đề doanh nghiệp hai nước quan tâm, tập trung vào việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là hải quan, nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nông nghiệp chất lượng cao, nông nghiệp sạch, công nghiệp ô tô, mở cửa thị trường dịch vụ, bán lẻ, …
Tham dự Tọa đàm giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản có Chủ tịch, Tổng Giám đốc và lãnh đạo cao cấp của 11 doanh nghiệp lớn của Nhật Bản, trong đó có nhiều doanh nghiệp đang có kế hoạch đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Các doanh nghiệp Nhật Bản bày tỏ kỳ vọng Chính phủ Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hơn môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng minh bạch, thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động. Đồng thời, mong muốn Chính phủ cùng các Bộ, ngành, địa phương của Việt Nam xem xét và giải quyết một số kiến nghị, vướng mắc. Tại Tọa đàm, Thủ tướng Chính phủ đã có những giải đáp thỏa đáng, đặc biệt là những nội dung về cơ chế, chính sách trong hoạt động đầu tư, xuất nhập khẩu, vận tải, năng lượng, thủ tục hải quan, dịch vụ tài chính ngân hàng, đào tạo nguồn nhân lực,… nhằm tăng cường đầu tư và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Sau Tọa đàm, các nội dung trao đổi của Thủ tướng Chính phủ và kiến nghị của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục được các Bộ, ngành mà đầu mối là Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, giải quyết.
Tham dự buổi Đối thoại giữa Thủ tướng với Keidanren có 10 đại biểu đại diện cho nhiều doanh nghiệp lớn hàng đầu Nhật Bản. Các lĩnh vực doanh nghiệp quan tâm gồm năng lượng, cơ sở hạ tầng giao thông, viễn thông, tham gia cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và tái cấu trúc ngân hàng, các dự án PPP, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực. Các vấn đề doanh nghiệp nêu với Chính phủ Việt Nam như đẩy mạnh triển khai Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản, đảm bảo công bằng minh bạch trong khuôn khổ pháp luật, thúc đẩy thực hiện đàm phán các Hiệp định FTA (TPP, RCEP), tạo điều kiện cấp visa dài hạn hơn cho các lao động của Nhật Bản tại Việt Nam,…
Qua các cuộc Hội nghị, Tọa đàm, Đối thoại và tiếp xúc với các doanh nghiệp Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc muốn gửi thông điệp tới cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản: “Chính phủ Việt Nam cam kết đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng đầu tư kinh doanh có hiệu quả tại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam coi việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và phát triển doanh nghiệp thành động lực phát triển của nền kinh tế là nhiệm vụ số 1”.
Chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản. Qua đó, có thể kỳ vọng dòng vốn đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ tương xứng với mong muốn của lãnh đạo và nhân dân hai nước và tiềm năng hợp tác của hai bên. Tính đến nay, Nhật Bản có 3.411 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 44 tỷ USD, xếp vị trí thứ 2 trên tổng số 116 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án FDI tại Việt Nam. Năm 2016, có khoảng 5 tỷ USD vốn FDI của Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam và kỳ vọng con số cao hơn trong các năm tới./.
Đức Trung
Bộ Kế hoạch và Đầu tư