Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 10/07/2017-14:07:00 PM
G20 và vai trò dẫn dắt kinh tế thế giới
Với 12 lần tổ chức hội nghị thượng đỉnh, không thể phủ nhận đến nay, G20, với quy mô chiếm gần 90% GDP toàn cầu, 65% dân số thế giới, đóng góp tới 80% tăng trưởng kinh tế toàn cầu và thương mại quốc tế… đã từng bước chứng minh khả năng và thực lực trong việc trở thành “đầu tàu” dẫn dắt nền kinh tế thế giới.
Hội nghị G20 năm 2017 diễn ra với nhiều phiên họp căng thẳng.

Diễn ra trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế thế giới đang có những biến chuyển phức tạp, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) - 2017 trong hai ngày 7 - 8/7 tại Hamburg (Đức) đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận quốc tế.

Bối cảnh phức tạp, khó lường của thế giới, sự chia rẽ giữa Mỹ với các thành viên khác trong G20 cùng những nội dung nghị sự bao trùm nhiều vấn đề lớn toàn cầu, như tăng trưởng, thương mại, tài chính quốc tế, biến đổi khí hậu, di cư, việc làm… đã khiến ngay cả nước chủ nhà ban đầu cũng rất dè dặt về khả năng thành công của Hội nghị.

Hết ngày họp đầu tiên, hội nghị vẫn căng thẳng do không tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề, trừ sự đồng thuận duy nhất cho vấn đề chống khủng bố với cam kết hành động để ngăn chặn nguồn tài chính của các nhóm và tổ chức phi pháp.

Tuy nhiên, các bên đã đạt được nhượng bộ trong những giờ họp cuối cùng và bản Tuyên bố chung dù thừa nhận chưa hoàn toàn giải quyết hết bất đồng, song đã thể hiện tiếng nói đồng thuận của G20 trong các nội dung quan trọng bao gồm cả thương mại và biến đổi khí hậu.

Thủ tướng Đức Angela Merkel tại buổi họp báo kết thúc hội nghị.

Trong cuộc họp báo kết thúc hội nghị, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh “Tôi hài lòng khi thấy 19 thành viên của G20 đều nhất trí Hiệp định Paris là không thể đảo ngược". Mặc dù không thay đổi quan điểm về việc rút khỏi thỏa thuận này, nhưng Mỹ cam kết sẽ "hợp tác chặt chẽ để hỗ trợ các nước khác được tiếp cận và sử dụng nhiên liệu hóa thạch hiệu quả và thân thiện với môi trường hơn", cũng như hỗ trợ triển khai các nguồn năng lượng sạch và tái tạo khác.

Đối với vấn đề thương mại, các nhà lãnh đạo cam kết sẽ tiếp tục đấu tranh chống chủ nghĩa bảo hộ, trong đó có thương mại thiếu công bằng nhưng mặt khác cũng dành sự tôn trọng đối với vai trò của các công cụ phòng vệ hợp pháp trong thương mại.

Tham gia Hội nghị với tư cách đại diện nước chủ nhà Hội nghị cấp cao APEC 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cùng với các thành viên G20 tích cực đóng góp ý kiến cho những vấn đề lớn toàn cầu. Phát biểu tại phiên thảo luận về phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và năng lượng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra thông điệp mạnh mẽ về tầm quan trọng của tăng cường hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, với vai trò chủ nhà APEC 2017, Việt Nam thúc đẩy sự kết nối với G20 về các chủ đề ưu tiên trong chương trình nghị sự APEC 2017, trong đó có phát triển bền vững và sử dụng hiệu quả năng lượng.

Nhiều cuộc gặp gỡ song phương đã diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị G20.

Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay còn có “sức nặng” đặc biệt từ hàng loạt cuộc tiếp xúc cấp cao song phương diễn ra bên lề. Kết quả tích cực của các cuộc gặp “con thoi” ngoài 5 phiên thảo luận chính cũng được xem là yếu tố góp phần làm hội nghị thành công ngoài mong đợi.

Được dư luận quan tâm nhất phải kể đến cuộc hội đàm trực tiếp giữa Tổng thống Nga V.Putin và Tổng thống Mỹ D.Trump được nhận định là một tín hiệu tích cực trong bối cảnh quan hệ hai nước thời gian qua đặc biệt căng thẳng.

Việc hai bên tìm được tiếng nói chung trong một số vấn đề nóng, như nhất trí thiết lập đường dây liên lạc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine và đạt thỏa thuận ngừng bắn tại khu vực Tây Nam Syria, là kết quả nổi bật nhất.

Quan hệ Nga - Nhật Bản cũng được ghi nhận bước tiến tại thượng đỉnh G20. Sau cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, hai bên đã nhất trí tổ chức một cuộc gặp cấp thứ trưởng ngoại giao vào cuối tháng 8 tới tại Moscow. Đây được xem như một phần trong nỗ lực vạch ra những dự án cụ thể cho các hoạt động kinh tế song phương.

Cuộc gặp bộ ba giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng người đồng cấp Pháp Memmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel thảo luận về cuộc khủng hoảng Ukraine cũng được chờ đợi không kém. Mặc dù chưa có một giải pháp rõ ràng nào được đưa ra, song 3 nhà lãnh đạo đã có cuộc thảo luận xây dựng và cùng khẳng định cần phải sớm đưa ra giải pháp hiệu quả.

Với 12 lần tổ chức hội nghị thượng đỉnh, không thể phủ nhận đến nay, G20, với quy mô chiếm gần 90% GDP toàn cầu, 65% dân số thế giới, đóng góp tới 80% tăng trưởng kinh tế toàn cầu và thương mại quốc tế… đã từng bước chứng minh khả năng và thực lực trong việc trở thành “đầu tàu” dẫn dắt nền kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động chính trị - an ninh lớn gần đây, cùng với tốc độ tăng trưởng GDP của các nền kinh tế mới nổi đang chậm lại, trong khi sự phục hồi của các nền kinh tế phát triển vẫn hết sức mong manh, rõ ràng thách thức của G20 trong giải quyết những vấn đề toàn cầu là không hề nhỏ.

Mặc dù vậy, giới chuyên gia quốc tế đều có chung nhận định rằng “nếu G20 không thể giải quyết được các vấn đề toàn cầu, sẽ không có thực thể nào đủ sức giải quyết được”. Việc cơ bản dung hòa và thỏa hiệp những khác biệt về lợi ích giữa các nước trong các vấn đề chung được xem là cốt lõi thành công của G20, cơ chế vốn được coi là nòng cốt trong việc quản trị toàn cầu của thế kỷ 21./.


Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 927
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)