Logo Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Nguồn: MPI (MPI) – Ngày 25/7/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 86/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Theo Nghị định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về kế hoạch, đầu tư phát triển và thống kê, bao gồm: Tham mưu tổng hợp về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công của quốc gia; Cơ chế, chính sách quản lý kinh tế; Đầu tư trong nước, đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài; Khu kinh tế; Nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi và viện trợ phi chính phủ nước ngoài; Đấu thầu; Phát triển doanh nghiệp, kinh tế tập thể, hợp tác xã; Thống kê; Quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ theo quy định của pháp luật.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ và những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể khác. Trong đó, về đầu tư phát triển và phân bổ ngân sách nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp chung về đầu tư phát triển, xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm, danh mục các chương trình, dự án ưu tiên thu hút vốn đầu tư nước ngoài, vốn ODA, vốn vay ưu đãi, danh mục các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình mục tiêu, các dự án quan trọng quốc gia, danh mục dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn đầu tư công khác theo quy định của pháp luật; Xây dựng tổng mức và cơ cấu vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, tổng mức và cân đối các nguồn vốn đầu tư công theo ngành, lĩnh vực, chương trình, tổng mức vốn chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu; Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm, dự kiến phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm cho các Bộ, ngành trung ương và địa phương, vốn đầu tư từ nguồn hỗ trợ tín dụng nhà nước; Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc sử dụng nguồn dự phòng từ ngân sách trung ương và bổ sung vốn ngân sách trung ương trong năm để thực hiện các nhiệm vụ đầu tư phát triển; Phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng phương án sử dụng số tăng thu và tiết kiệm chi của ngân sách trung ương, trong đó bao gồm cả việc phân bổ cho các dự án đầu tư quan trọng (nếu có); Tổng hợp phân bổ chi tiết kế hoạch vốn ngân sách nhà nước trung hạn và hằng năm của từng chương trình mục tiêu quốc gia (bao gồm vốn đầu tư và vốn sự nghiệp), các chương trình mục tiêu và các khoản bổ sung có mục tiêu khác; Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm, chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu và dự án đầu tư do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư…
Về đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý hoạt động đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Việt Nam, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP), tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư, hướng dẫn thủ tục đầu tư; Thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh và chấm dứt hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư các dự án đầu tư theo hình thức PPP; Xây dựng, quản lý, khai thác và hướng dẫn sử dụng Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư; Kiểm tra, giám sát, đánh giá tổng thể hoạt động đầu tư công.
Về ODA và vốn vay ưu đãi, Bộ là cơ quan đầu mối trong việc vận động, điều phối, quản lý nhà nước về vốn ODA, vốn vay ưu đãi và viện trợ phi chính phủ nước ngoài, chủ trì soạn thảo chiến lược, chính sách, định hướng thu hút, sử dụng ODA, vốn vay ưu đãi; Chủ trì việc chuẩn bị nội dung, tổ chức vận động và điều phối các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi, trình Chính phủ việc ký kết điều ước quốc tế khung về ODA, vốn vay ưu đãi và điều ước quốc tế cụ thể về ODA không hoàn lại theo quy định của pháp luật, trình Thủ tướng Chính phủ về việc ký kết thỏa thuận quốc tế về vốn ODA viện trợ không hoàn lại theo thẩm quyền; Tổng hợp và trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi…
Về lĩnh vực thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nhiệm vụ xây dựng, tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển hoạt động thống kê, điều phối, tổ chức các hoạt động thống kê và cung cấp thông tin thống kê theo quy định của pháp luật; Xây dựng, thống nhất quản lý hệ thống thông tin thống kê quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện, tổ chức điều phối việc kết nối, cung cấp dữ liệu, thông tin giữa các hệ thống thông tin thống kê nhà nước, xây dựng tiêu chuẩn và thực hiện đánh giá chất lượng thông tin thống kê trong hoạt động thống kê nhà nước; Xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê, chế độ báo cáo thống kê, chương trình điều tra thống kê và phân loại thống kê theo quy định của pháp luật.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư có các nhiệm vụ quản lý nhà nước về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đấu thầu, quản lý các khu kinh tế, đăng ký và phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; Thực hiện hợp tác quốc tế, quản lý nhà nước các dịch vụ công, quản lý các hoạt động của hội, tổ chức phi chính phủ trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ; Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ; Tổ chức và chỉ đạo thực hiện kế hoạch nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, công nghệ thông tin trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ; Quyết định và chỉ đạo thực hiện chương trình cải cách hành chính của Bộ theo mục tiêu và nội dung, chương trình cải cách hành chính nhà nước sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…
Về cơ cấu tổ chức, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bao gồm 25 tổ chức giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước (Vụ Tổng hợp Kinh tế quốc dân, Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ, Vụ Tài chính, tiền tệ, Vụ Kinh tế công nghiệp, Vụ Kinh tế nông nghiệp, Vụ Kinh tế dịch vụ, Vụ kết cấu hạ tầng và đô thị, Vụ Quản lý các khu kinh tế, Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư, Vụ Kinh tế đối ngoại, Vụ Lao động, văn hóa, xã hội, Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường, Vụ Quản lý quy hoạch, Vụ Quốc phòng, an ninh, Vụ Pháp chế, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Thi đua – Khen thưởng và Truyền thông, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ, Cục Quản lý đấu thầu, Cục Pháp triển doanh nghiệp, Cục Đầu tư nước ngoài, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Cục Phát triển Hợp tác xã, Tổng cục Thống kê) và 8 đơn vị sự nghiệp phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Bộ (Viện Chiến lược phát triển, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Trung tâm Tin học, Báo Đầu tư, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Học viện Chính sách và Phát triển, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ Kinh tế - Kế hoạch)./.
Nguyễn Hương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư