(MPI) – Ngày 09/8/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 75/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2017.
Theo Nghị quyết, Chính phủ thống nhất đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2017 tiếp tục chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định; Lạm phát được kiểm soát. Tín dụng cho nền kinh tế đạt mức cao nhất so với cùng kỳ 6 năm gần đây. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng cao. Gần 73 nghìn doanh nghiệp đăng ký mới và trên 17 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại. Môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia tiếp tục được cải thiện. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức. Sản xuất công nghiệp 7 tháng tăng thấp hơn cùng kỳ, trong đó ngành khai khoáng chưa phục hồi; Chỉ số sản xuất công nghiệp của một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn tăng thấp hơn so với bình quân cả nước. Tình hình sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn. Giải ngân các nguồn vốn đầu tư vẫn ở mức thấp, chưa đáp ứng yêu cầu. Tình hình trật tự an toàn giao thông, cháy nổ, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, nhất là dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp.
Để phấn đấu đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2017, đặc biệt là tăng trưởng kinh tế 6,7%, Chính phủ yêu cầu các ngành, các cấp chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, đặc biệt là các Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2017; Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ; Các Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 19/4/2017; Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 02/6/2017; Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 06/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát, cập nhật kịch bản tăng trưởng để có giải pháp cụ thể đối với từng ngành, từng lĩnh vực, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/8/2017. Khẩn trương hoàn thành việc giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát tháo gỡ các rào cản, điều kiện kinh doanh không phù hợp. Tiếp tục cập nhật, tổng hợp một số vấn đề vướng mắc trong Luật đầu tư công và các Nghị định số 77/2015/NĐ-CP; Nghị định số 136/2015/NĐ-CP; Nghị định số 161/2015/NĐ-CP; Đề xuất sửa đổi, bổ sung, báo cáo Chính phủ trong tháng 8/2017. Chủ trì, rà soát các điều kiện kinh doanh theo nguyên tắc thị trường cạnh tranh của OECD, đề xuất bãi bỏ các điều kiện hạn chế cạnh tranh thị trường, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước tháng 12/2017. Khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, báo cáo Chính phủ trong tháng 8/2017 và dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để trình Quốc hội khóa XIV kỳ họp thứ tư.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI |
Đồng thời, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương quyết liệt triển khai thực hiện Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 03/8/2017 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. Đề xuất các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư tư nhân, vốn ODA và FDI, phấn đấu tổng đầu tư toàn xã hội đạt mục tiêu 34-35% GDP.
Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tạo mọi thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; Phấn đấu hoàn thành toàn diện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017. Thực hiện nghiêm các quy định về khai thác cát, có giải pháp về bình ổn giá cát, đặc biệt kiểm soát cung cầu, vận chuyển, bến bãi, đầu cơ tích trữ, tăng giá bất hợp lý.
Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương rà soát, kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước bảo đảm minh bạch và theo cơ chế thị trường. Thực hiện nghiêm kế hoạch, lộ trình cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước; Đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình trì hoãn, làm chậm tiến độ triển khai. Trước hết, thực hiện thoái vốn Nhà nước đối với các doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán. Chú trọng kiểm tra, giám sát toàn bộ quá trình cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước, không để thất thoát, sai quy định; Xử lý nghiêm các vi phạm.
Các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước chủ động quyết liệt, đẩy nhanh việc cổ phần hóa, bảo đảm tiến độ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 về phê duyệt Danh mục doanh nghiệp nhà nước hoàn thành cổ phần hóa theo từng năm giai đoạn 2017 – 2020.
Chính phủ phân công Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan tập trung xử lý dứt điểm các tập đoàn, tổng công ty, các dự án, công trình đầu tư không hiệu quả, thất thoát lớn, thua lỗ kéo dài; Đẩy nhanh tiến độ xử lý cơ bản 12 dự án thua lỗ, nhất là 05 dự án của ngành dầu khí trong năm 2017.
Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai nhiệm vụ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 theo Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 05/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó rút kinh nghiệm trong xây dựng kế hoạch năm 2017, nhận định, đánh giá, phân tích đúng tình hình, tính toán kỹ khả năng thực hiện để xác định các chỉ tiêu kế hoạch của năm 2018, bảo đảm phù hợp, khả thi. Gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
Chính phủ yêu cầu từng Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bám sát công việc, đổi mới, sáng tạo trong tổ chức thực hiện, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh và hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra của từng Bộ, ngành, địa phương và cả nước. Thực hiện nghiêm chủ trương tinh giản biên chế, xây dựng bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả. Từng cán bộ, công chức phải có thái độ đúng mực trong thực thi công việc, giải quyết công việc kịp thời, trách nhiệm cao theo tinh thần phục vụ, củng cố niềm tin đối với người dân và doanh nghiệp; Xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, vi phạm quy định, gây cản trở hoạt động chính đáng của người dân và doanh nghiệp.
Chính phủ khuyến khích các địa phương xây dựng hệ thống dữ liệu mở theo tinh thần công khai, minh bạch, sát thực tế, sát dân để thúc đẩy khởi nghiệp và đầu tư tư nhân; Theo đó nghiên cứu, xem xét nhân rộng mô hình Trung tâm cơ sở dữ liệu dùng chung của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.
Để giảm mức phí, chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các biện pháp loại bỏ ngay các thủ tục, quy định làm phát sinh chi phí không chính thức; Thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động thực thi công vụ của cán bộ, công chức; Xử lý nghiêm các trường hợp gây phiền hà, nhũng nhiễu đối với doanh nghiệp; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công khai, minh bạch hoạt động quản lý nhà nước. Rà soát, giảm chi phí tuân thủ điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện; Bãi bỏ điều kiện kinh doanh không cần thiết, làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp, gây cạnh tranh không bình đẳng. Chủ động chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, đơn giản hóa và cải tiến quy trình, thủ tục kiểm tra, kiểm dịch, kiểm soát, kiểm nghiệm, thẩm định và các hoạt động có liên quan đến cấp giấy phép và các giấy tờ khác, trên cơ sở đó tiếp tục đề xuất giảm mức thu phí gắn với hoạt động chuyên môn nghiệp vụ có liên quan trực tiếp đến chi phí của doanh nghiệp, gửi Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức sơ kết việc thực hiện giảm chi phí cho doanh nghiệp; Báo cáo kết quả gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 15/10/2017.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan rà soát toàn bộ các loại chi phí chính thức khác ngoài phí, lệ phí theo quy định pháp luật phí, lệ phí và chi phí phát sinh để làm các thủ tục liên quan đến cấp phép đầu tư, cấp giấy phép xây dựng, tiếp cận đất đai,… đối với doanh nghiệp cần phải cắt giảm trong các lĩnh vực, đề xuất giải pháp giảm; Báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 10/2017./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư