a) Trình tự thực hiện:
- Công ty TNHH một thành viên lập hồ sơ đề nghị chia, tách gửi Bộ quản lý ngành thẩm định.
- Sau khi nhận đủ hồ sơ đề nghị chia, tách công ty TNHH một thành viên, Bộ quản lý ngành chủ trì lấy ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ.
- Khi nhận được hồ sơ, các cơ quan liên quan gửi văn bản tham gia ý kiến đối với các nội dung thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình đến Bộ quản lý ngành.
- Khi nhận được ý kiến của các cơ quan liên quan, Bộ quản lý ngành lập báo cáo thẩm định, giải trình việc tiếp thu ý kiến của các cơ quan liên quan, hoàn thiện Hồ sơ đề nghị chia tách công ty TNHH một thành viên trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt chủ trương.
- Trường hợp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương chia, tách, Bộ trưởng quyết định chia, tách công ty TNHH một thành viên.
- Sau khi có quyết định chia, tách công ty TNHH một thành viên có trách nhiệm triển khai thực hiện Đề án chia, tách.
Công ty TNHH một thành viên được thành lập trên cơ sở chia, tách thực hiện các thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
b) Cách thức thực hiện:
- Thông qua hệ thống bưu chính;
- Trực tiếp tại trụ sở cơ quan hành chính nhà nước.
c) Thành phần hồ sơ:
1. Hồ sơ đề nghị chia, tách công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên gồm:
a) Tờ trình đề nghị chia, tách công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;
b) Đề án tổ chức lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, phải có các nội dung chủ yếu được quy định tại Khoản 2 Điều 19 Nghị định số 172/2013/NĐ-CP, cụ thể:
- Tên, địa chỉ các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên trước và sau khi tổ chức lại;
- Sự cần thiết tổ chức lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; sự phù hợp với quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn và trên toàn quốc;
- Mức vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên sau khi tổ chức lại;
- Phương án sắp xếp, sử dụng lao động;
- Phương án xử lý tài chính, chuyển đổi, bàn giao vốn, tài sản và giải quyết các quyền, nghĩa vụ của các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên liên quan đến việc tổ chức lại;
- Thời hạn thực hiện tổ chức lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;
- Trường hợp chia, tách công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên để hình thành các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mới thì Đề án tổ chức lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên phải có thêm các nội dung khác quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định 172/2013/NĐ-CP.
c) Báo cáo tài chính năm trước liền kề của công ty đã được kiểm toán và báo cáo tài chính quý gần nhất thời điểm chia, tách;
d) Dự thảo Điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mới;
e) Các tài liệu khác có liên quan đến việc chia, tách công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
d) Số lượng hồ sơ:
06 bộ hồ sơ gốc
đ) Thời hạn giải quyết:
- Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, các cơ quan liên quan gửi văn bản tham gia ý kiến đến Bộ quản lý ngành.
- Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến của các cơ quan liên quan, Bộ quản lý ngành lập báo cáo thẩm định, giải trình việc tiếp thu ý kiến của các cơ quan liên quan, hoàn thiện Hồ sơ đề nghị chia tách trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt chủ trương.
- Trường hợp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương chia, tách, Bộ trưởng quyết định chia, tách công ty TNHH một thành viên trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày phê duyệt chủ trương.
e) Cơ quan thực hiện:
Bộ quản lý ngành
g) Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính:
Công ty TNHH một thành viên.
h) Kết quả thực hiện thủ tục hành chính:
- Văn bản của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (hoặc không phê duyệt) chủ trương.
- Trong trường hợp được phê duyệt chủ trương, Bộ trưởng ra quyết định chia, tách.
i) Lệ phí (nếu có và văn bản quy định về phí, lệ phí):
Không có
k) Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai:
Không có.
l) Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục:
- Việc chia, tách công ty TNHH một thành viên phải phù hợp với Đề án tổng thể về sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trường hợp chưa được quy định tại Đề án tổng thể, cơ quan quyết định thành lập công ty TNHH một thành viên phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
- Các công ty TNHH một thành viên mới hình thành sau khi chia, tách công ty TNHH một thành viên phải đảm bảo đủ điều kiện như đối với thành lập công ty TNHH một thành viên (i) Thuộc ngành, lĩnh vực địa bàn được xem xét thành lập (như đã được quy định tại thủ tục thành lập công ty TNHH một thành viên); (ii) Đảm bảo đủ vốn điều lệ (như đã được quy định tại thủ tục thành lập công ty TNHH một thành viên); (iii) Phù hợp với quy hoạch, chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực và vùng kinh tế.
- Việc chia, tách không làm giảm vốn điều lệ của công ty TNHH một thành viên.
m) Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính:
Nghị định số 172/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là công ty con của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.