(MPI) - Theo dự báo của Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế thế giới năm 2017 và 2018 được dự báo phục hồi khả quan nhờ triển vọng phục hồi mạnh mẽ trong khu vực sản xuất của một số nền kinh tế lớn.
Xu hướng tăng của giá cả hàng hóa tiếp tục là động lực cho sản xuất toàn cầu
Theo Báo cáo, kinh tế thế giới tháng 9 và 9 tháng năm 2017 vẫn có những dấu hiệu tích cực. Kinh tế tại khu vực đồng Euro, Nhật Bản và Trung Quốc tăng trưởng tốt, mặc dù kinh tế Mỹ bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng bởi thiên tai. Tháng 7/2017, Quỹ tiền tệ quốc tế nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu so với dự báo tháng 4/2017, theo đó tăng trưởng thế giới sẽ đạt 3,5% năm 2017 và 3,6% năm 2018, cao nhất kể từ 2011.
Trong đó, sản xuất chung toàn cầu tiếp tục tăng trưởng. Chỉ số sản lượng công nghiệp (PMI) tăng lên 53,9 điểm trong tháng 8/2017 từ mức 53,6 điểm của tháng 7/2017, trong đó, các nước phát triển tăng trưởng mạnh hơn so với các thị trường mới nổi. Chỉ số PMI trong lĩnh vực chế tác của khu vực Eurozone tăng mạnh từ mức 56,6 điểm trong tháng 7/2017 lên mức 57,4 điểm nhờ tăng trưởng nhanh ở Đức và Ai len. Trong số các quốc gia mới nổi, kinh tế tăng tốc ở Trung Quốc và ở Nga, nhưng suy giảm nhẹ ở Ấn Độ và Bra-xin.
Hàng hóa thế giới tiếp tục đà tăng giá trong tháng 9/2017. Trong đó, giá kim loại cơ bản cũng theo xu hướng tăng từ tháng 8/2017, đặc biệt đối với mặt hàng thép. Chỉ số giá mặt hàng lương thực thực phẩm giảm 1,3% trong tháng 8/2017 do giá ngũ cốc giảm mạnh 5,4% so với tháng 7/2017 (tuy nhiên vẫn cao hơn 6% so với cùng kỳ năm 2016). Giá thịt lợn trong tháng 8 giảm 1,2%, trong khi giá đường giảm 1,7% do triển vọng thu hoạch mía đường tại các nước sản xuất đường hàng đầu như Bra-xin, Thái Lan, Ấn Độ khá tích cực, trong khi nhu cầu tiêu thụ đường trên thế giới giảm do Trung Quốc và Ấn Độ áp đặt thuế cao hơn lên loại mặt hàng này.
Giá dầu thế giới tháng 9/2017 diễn biến khá phức tạp. Đầu tháng 9/2017, giá biến động giảm do lo ngại nhu cầu yếu hơn tại Mỹ sau ảnh hưởng của hai cơn bão Harvey và Irma. Tuy nhiên, đến trung tuần tháng 9/2017, giá dầu lên sát mức đỉnh 5 tháng trở lại đây lên mức 50 USD/ thùng đối với giá WTI và 55,6 USD/thùng đối với giá Brent nhờ dự báo nhu cầu dầu toàn cầu tăng của IEA. Hơn nữa giá dầu được hỗ trợ bởi sự sụt giảm xuất khẩu dầu thô của Saudi Arbia, nhưng cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dự báo sản lượng dầu đá phiến của Mỹ tăng.
Về đầu tư toàn cầu, một số hoạt động M&A quan trọng đã diễn ra trong tháng 9/2017. Ngày 21/8/2017, tập đoàn Rosneft của Nga cho biết đã hoàn tất việc mua 49% cổ phần tập đoàn Essar Oil của Ấn Độ, giúp Nga mở ra các thị trường mới ở châu Á. Đây được coi là một động thái chiến lược của Nga, thể hiện khả năng linh hoạt và đa dạng hóa xuất khẩu bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây nhắm vào kinh tế Nga nói chung. Tại Mỹ, tổng thống Donald Trump đã ra quyết định phản đối việc công ty tư nhân của Trung Quốc, Canyon Bridge Capital Partners, mua nhà sản xuất chip của Mỹ, Lattice Semiconductor Corp do cho rằng thương vụ này đe dọa đến an ninh quốc gia, qua đó phát đi tín hiệu tới Trung Quốc rằng Mỹ sẽ phản đối các thỏa thuận liên quan đến các công nghệ có thể ứng dụng trong lĩnh vực quân sự.
Tiến trình đàm phán của các hiệp định đa phương gặp khó khăn trong khi các FTA vẫn được ưa chuộng
Sau cuộc họp các Bộ trưởng từ 16 nước châu Á - Thái Bình Dương ngày 10/9/2017, tiến trình đàm phán Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP) giữa 16 quốc gia vẫn chưa đạt được thỏa thuận trong năm 2017 do khác biệt trong các mục tiêu giảm hoặc cắt bỏ thuế cũng như mở cửa các dịch vụ. Hiệp định thương mại tự do giữa EU và Canada (CETA) sẽ được áp dụng tạm thời từ 21/9/2017 với thỏa thuận dỡ bỏ 99% thuế quan giữa EU và Ottawa thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương tăng thêm 25%. Hiệp định đối tác kinh tế EU - Nhật Bản đã được ký kết vào 6/7/2017.
Nước Anh đang thúc đẩy hợp tác song phương với các đối tác ngoài khu vực để chuẩn bị cho thời kỳ hậu Brexit. Anh cũng đã khẳng định thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong thời kỳ hậu BREXIT. Đây là cơ hội để Việt Nam tăng cường hợp tác song phương với Anh và có thể Việt nam nên tính tới một FTA song phương với Anh trong thời gian tới.
Các cuộc họp cho TPP11 đang được gấp rút triển khai. Từ tháng 5/2017, với xúc tiến của các đối tác lớn (Nhật, Úc, Niu-Di-Lân), các nước còn lại trong khối đã nhóm họp nhiều lần bàn về triển vọng của TPP sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định này.
Dự báo kinh tế thế giới năm 2017 - 2018 dự báo phục hồi khả quan
Kinh tế thế giới năm 2017 và 2018 dự báo phục hồi khả quan nhờ triển vọng phục hồi mạnh mẽ trong khu vực sản xuất của một số nền kinh tế lớn, tác động tích cực từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự gia tăng của giá cả hàng hóa thế giới trong khả năng kiểm soát thúc đẩy tiêu dùng tăng lên tại nhiều quốc gia. Báo cáo mới nhất của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức 3,5% năm 2017 và tăng lên 3,6% năm 2018. Động lực tăng trưởng của kinh tế thế giới hai năm tới là sự tăng trưởng về thương mại toàn cầu, ổn định chính trị tại châu Âu và thị trường tài chính quốc tế cũng ổn định hơn.
Với việc cập nhật những diễn biến của kinh tế thế giới đến tháng 7/2017, NCIF dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2017 đạt 3,6% vào năm 2018 đạt mức 3,57%. Tăng trưởng tại một số thị trường trọng điểm như Mỹ, Nhật Bản và EU là những đối tác lớn của Việt Nam sẽ là điểm thuận lợi cho mục tiêu tăng xuất khẩu, đầu tư của Việt Nam trong thời gian tới./.
Bảng dự báo tăng trưởng thế giới và một số nước năm 2017 - 2018
Đơn vị : %
|
IMF (7/2017)
|
NCIF
|
|
2017
|
2018
|
2017
|
2018
|
Thế giới
|
3,5
|
3,6
|
3,6
|
3,57
|
Mỹ
|
2,1
|
2,1
|
2,1
|
2,3
|
Khu vực Eurozone
|
1,9
|
1,7
|
2,0
|
1,8
|
Nhật Bản
|
1,3
|
1,6
|
1,29
|
1,0
|
Trung Quốc
|
6,7
|
6,4
|
6,73
|
6,37
|
Thương mại thế giới
|
4,0
|
3,9
|
4,15
|
4,21
|
Giá dầu thế giới (USD/thùng)
|
51,9
|
52
|
49,97
|
49,88
|
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư