Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 10/10/2017-08:04:00 AM
Công bố kết quả Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016
(MP) – Theo Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cuộc Tổng điều tra tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 được tiến hành trên phạm vi cả nước, có quy mô lớn, liên quan tới 8.978 xã và 79.898 thôn; Gần 16,0 triệu hộ nông thôn và trên 1,0 triệu hộ thành thị hoạt động nông, lâm nghiệp, diêm nghiệp và thủy sản; Gần 33,5 nghìn trang trại và nhiều đơn vị điều tra khác.
Ngày 09/10/2017, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Họp báo Công bố kết quả chính thức Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016. Ảnh: MPI

Để tiến hành cuộc Tổng điều tra, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra các cấp đã huy động trên 18 vạn điều tra viên, tổ trưởng và giám sát viên tham gia liên tục từ 01/7/2016 đến 30/7/2016. Cuộc Tổng điều tra đã thực hiện thành công, đạt được mục tiêu, kế hoạch đề ra.

Mục tiêu chủ yếu của cuộc Tổng điều tra nhằm thu thập thông tin cơ bản về nông dân, nông nghiệp và nông thôn phục vụ việc đánh giá tình hình, xây dựng kế hoạch, chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Nội dung thông tin thu thập bao gồm: Thông tin đánh giá thực trạng kinh tế - xã hội nông thôn; Tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu của các Chương trình mục tiêu quốc gia về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Theo kết quả điều tra, tình hình phát triển kinh tế - xã hội nông thôn đã đạt được những thành tựu quan trọng, kết cấu hạ tầng nông thôn được tăng cường. Trong 05 năm 2011-2016, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đã triển khai có hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội nông thôn. Bộ mặt nông thôn có sự biến đổi sâu sắc, nhất là kết cấu hạ tầng. Sau nhiều năm đẩy mạnh đầu tư và triển khai quyết liệt, hệ thống cung cấp điện đã vươn tới tất cả các xã và hầu hết các thôn. Năm 2011, cả nước còn 17 xã chưa có điện, đến 01/7/2016 tất cả các xã này đã có điện phục vụ sản xuất và đời sống. Tỷ lệ xã có điện tăng từ 99,8% năm 2011 lên 100% năm 2016. Cả nước có 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có điện đến tất cả các thôn.

Cùng với đó, hệ thống giao thông nông thôn ngày càng thông suốt. Hệ thống trường mầm non và trường phổ thông các cấp được quy hoạch lại, bảo đảm phù hợp với sự biến động về số lượng học sinh. Cơ sở hạ tầng y tế ngày càng được bổ sung, hoàn thiện. Cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch tích cực, theo hướng nâng cao dần tỷ trọng ngành nghề phi nông, lâm nghiệp và thủy sản. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới triển khai rộng khắp, đạt kết quả quan trọng.

Phát triển nông, lâm nghiệp và thuỷ sản cũng đạt được những thành tựu như: Sản xuất đang được cơ cấu lại về hình thức tổ chức và quy mô sản xuất. Quá trình cơ cấu lại sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản trong giai đoạn 2011-2016 thể hiện trước hết ở kết quả cơ cấu lại hình thức tổ chức sản xuất theo hướng số doanh nghiệp và số hợp tác xã tăng nhanh, số hộ ngày càng giảm mạnh. Ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa sản xuất và liên kết theo chuỗi giá trị có bước phát triển mới.…

Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 đã hoàn thành mục tiêu, yêu cầu và nội dung được giao trong Quyết định số 1225/QĐ-TTg. Thông tin thu thập phản ánh thực trạng và động thái kinh tế - xã hội nông thôn và sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản 5 năm 2011-2016 với những thành tựu cơ bản như: Kinh tế nông thôn và sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục tăng trưởng; Cơ cấu sản xuất có sự chuyển dịch tích cực, đúng hướng. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và môi trường nông thôn được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. An sinh xã hội được bảo đảm, có những mặt được cải thiện.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, tình hình kinh tế - xã hội nông thôn và sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém và bất cập. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, sản xuất nhỏ vẫn phổ biến. Đời sống một bộ phận dân cư, nhất là đồng bào vùng núi, rẻo cao, vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, thiếu thốn.

Những hạn chế nêu trên đang là thách thức lớn đối với quá trình phát triển kinh tế-xã hội nông thôn và sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản. Tuy nhiên, bên cạnh khó khăn, thách thức còn có thuận lợi và cơ hội, đặc biệt là kinh nghiệm đã tích lũy được. Với sự chỉ đạo, điều hành sát sao của Chính phủ và các cấp, các ngành, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân, thành tựu đạt được trong hơn 30 năm đổi mới nói chung và 5 năm 2011-2016 nói riêng sẽ được phát huy, khó khăn, thách thức đang tồn tại sẽ được xử lý, khắc phục, đưa nông thôn, nông nghiệp nước ta tiếp tục phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững./.

Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1573
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)