(MPI) – Tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến về Dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (HCKTĐB). Theo dự thảo Luật sẽ có 108 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện tại đơn vị HCKTĐB, giảm 135 ngành, nghề kinh doanh so với quy định của Luật đầu tư.
|
Nhà máy lọc dầu Dung Quất, thuộc Khu kinh tế Dung Quất. Ảnh: Đức Trung (MPI)
|
Thu hẹp ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện
Qua rà soát sơ bộ các chính sách và thủ tục đầu tư kinh doanh cho thấy cần tiếp tục loại bỏ những ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện không cần thiết phải áp dụng đối với nhà đầu tư tại đơn vị HCKTĐB, chỉ giữ lại ngành, nghề thật sự đáp ứng yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội và sức khỏe của cộng đồng theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Luật đầu tư. Theo nguyên tắc đó, dự thảo Luật quy định 108 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện tại đơn vị HCKTĐB.
Đồng thời, gỡ bỏ những hạn chế, phân biệt đối xử đối với nhà đầu tư nước ngoài trong hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề ưu tiên phát triển của đơn vị HCKTĐB. Theo đó, dự thảo Luật quy định nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thành lập và hoạt động đầu tư kinh doanh tại đơn vị HCKTĐB trong những ngành, nghề ưu tiên phát triển không phải đáp ứng điều kiện đầu tư áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định và Điều ước quốc tế có liên quan (như hạn chế về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, hình thức đầu tư, phạm vi hoạt động kinh doanh, đối tác đầu tư và điều kiện khác).
Thủ tục đầu tư kinh doanh đơn giản, nhanh gọn, giải quyết tại chỗ tại Trung tâm hành chính công, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài được bình đẳng như nhà đầu tư trong nước trong thực hiện quyền tự chủ lựa chọn các hình thức đầu tư, thành lập tổ chức kinh tế. Không thực hiện thủ tục cấp giấy phép xây dựng và thẩm định thiết kế xây dựng theo quy định pháp luật về xây dựng đối với công trình xây dựng thuộc dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở đã có quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 được phê duyệt và một số công trình quảng cáo tại đơn vị HCKTĐB.
Dự thảo Luật quy định, Trưởng Đơn vị HCKTĐB (đối với phương án 1) hoặc Chủ tịch UBND đơn vị HCKTĐB (đối với phương án 2) là người có thẩm quyền trong đấu thầu, lựa chọn nhà thầu đối với các dự án, dự toán mua sắm sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn, lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án theo hình thức hợp tác công tư (PPP) và dự án có sử dụng đất.
Bên cạnh đó, mở rộng và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài trong tiếp cận đất đai, thế chấp tài sản trên đất và sở hữu nhà ở. Cụ thể, cho phép thời hạn sử dụng đất tối đa là 99 năm đối với các dự án đầu tư khu hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, y tế, giáo dục, dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu tiên phát triển của các đơn vị HCKTĐB và dự án đầu tư của nhà đầu tư chiến lược.
Cho phép tổ chức kinh tế trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thế chấp tài sản gắn liền với đất tại tổ chức tín dụng nước ngoài có hiện diện thương mại tại Việt Nam. Quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài có quyền chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng, mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu nhà ở thương mại trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở và dự án đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng từ các tổ chức, cá nhân trong nước.
Các chính sách ưu đãi đầu tư về thuế, tiền thuê đất vượt trội quy định hiện hành và cạnh tranh được với các đặc khu trên thế giới để thu hút đầu tư. Trong đó, áp dụng ưu đãi đầu tư với 02 mức: Thứ nhất, ưu đãi cao nhất, áp dụng đối với các dự án đầu tư khu hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu và phát triển (R&D), y tế, giáo dục, dự án đầu tư thuộc các ngành nghề ưu tiên phát triển của từng đơn vị HCKTĐB và dự án của nhà đầu tư chiến lược. Thứ hai, đối với ngành, nghề còn lại: ưu đãi như với KKT hiện nay.
Các cơ chế, chính sách quy định tại dự thảo Luật đã vượt trội
Qua so sánh tổng thể các cơ chế, chính sách quy định tại dự thảo Luật cho thấy, các chính sách đã vượt trội so với các quy định áp dụng đối với KCN, KCX, KKT, KCNC theo quy định pháp luật hiện hành. Các chính sách đảm bảo cạnh tranh với các ĐKKT trên thế giới. Cụ thể, xét trên 9 nhóm tiêu chí: chính sách về môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển kết cấu hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ đầu tư, ưu đãi đầu tư, đất đai, lao động, giải quyết tranh chấp, thu hút ngoại kiều và xuất nhập cảnh thì nội dung quy định tại dự thảo Luật hầu hết có ưu đãi cao hơn, thuận lợi hơn so với các ĐKKT, KKT tự do tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Thái Lan, Xin-ga-po, Mi-an-ma.
Các cơ chế, chính sách ưu đãi đã tập trung thu hút vào lĩnh vực công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển, y tế, giáo dục, khởi nghiệp sáng tạo. Các ngành, nghề ưu tiên phát triển của từng đơn vị HCKTĐB và các nhà đầu tư chiến lược, các nhà đầu tư có uy tín trên cơ sở đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước và lợi ích của nhà đầu tư.
Các chính sách đảm bảo không ưu đãi dàn trải, chỉ tập trung vào các ngành, nghề ưu tiên phát triển của từng đơn HCKTĐB, để hạn chế cạnh tranh trong thu hút đầu tư giữa các đơn vị HCKTĐB với nhau và giữa các đơn vị HCKTĐB với các mô hình khác (KCN, KCX, KKT, KCNC).
Dự kiến nếu được thông qua tại Kỳ họp thứ 5 thì Luật sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2019. Về điều khoản chuyển tiếp, nhằm đảm bảo các hoạt động sinh hoạt thường ngày và sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp không bị xáo trộn, dự thảo Luật quy định, các văn bản do các cơ quan có thẩm quyền cấp cho các tổ chức và cá nhân có liên quan đến đơn vị HCKTĐB trước ngày Luật có hiệu lực thi hành vẫn có giá trị sử dụng và không phải thực hiện thủ tục cấp đổi theo quy định tại Luật. Trường hợp có yêu cầu, trong phạm vi thẩm quyền của mình, chính quyền đơn vị HCKTĐB cấp đổi, điều chỉnh, thay đổi, cải chính, bổ sung, thu hồi văn bản đã cấp cho tổ chức và cá nhân theo quy định.
Đối với hồ sơ thủ tục hành chính được thụ lý trước ngày Luật có hiệu lực thi hành mà chưa giải quyết xong thì tiếp tục được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật có liên quan tại thời điểm tiếp nhận.
Ngoài ra, dự thảo Luật quy định các nội dung chuyển tiếp áp dụng đối với các dự án đầu tư đang triển khai tại các đơn vị HCKTĐB để tránh trường hợp lợi dụng chính sách ưu đãi đầu tư quy định tại Luật. Theo đó, dự án đầu tư tại đơn vị HCKTĐB đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước ngày của Luật có hiệu lực thi hành và đang trong thời gian được hưởng ưu đãi đầu tư thì tiếp tục được hưởng. Trường hợp dự án đầu tư này thuộc ngành, nghề ưu tiên phát triển của từng đơn vị HCKTĐB thì được lựa chọn ưu đãi đầu tư đang hưởng hoặc ưu đãi đầu tư theo quy định tại Luật cho thời gian còn lại kể từ ngày Luật có hiệu lực thi hành.
Tại Kỳ họp, Chính phủ xin ý kiến Quốc hội về 2 phương án quy định tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương đơn vị HCKTĐB bao gồm: Phương án 1: Chính quyền địa phương đơn vị HCKTĐB là thiết chế Trưởng Đơn vị HCKTĐB cùng các cơ quan chuyên môn trực thuộc và Trưởng Khu hành chính (không xác định cấp chính quyền địa phương tại ba đơn vị HCKTĐB Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc nên không tổ chức HĐND và UBND tại đơn vị HCKTĐB); Đơn vị HCKTĐB được tổ chức các khu hành chính trực thuộc, không phân định thành các đơn vị hành chính cấp dưới; Trưởng Khu hành chính là người đại diện hành chính của Trưởng Đơn vị HCKTĐB, không tổ chức HĐND và UBND cấp xã tại khu hành chính.
Phương án 2: Tổ chức một cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND tại đơn vị HCKTĐB; Tổ chức Văn phòng khu hành chính với tính chất là cơ quan đại diện hành chính của UBND đơn vị HCKTĐB; Đơn vị HCKTĐB được tổ chức thành các khu hành chính trực thuộc, không phân định thành các đơn vị hành chính cấp dưới, không tổ chức HĐND và UBND cấp xã tại khu hành chính.
Với hai phương án nêu trên, Chính phủ ưu tiên lựa chọn tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương đơn vị HCKTĐB theo phương án 1.
Về thời gian trình các đề án thành lập đơn vị HCKTĐB, Chính phủ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội và các Đề án thành lập các đơn vị HCKTĐB Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc để đại biểu Quốc hội góp ý cho các Đề án trong quá trình thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ hoàn thiện nội dung các Đề án, dự thảo Nghị quyết và trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua đồng thời với thời điểm thông qua dự án Luật tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV.
Hồ sơ dự án Luật đang tiếp tục được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin ý kiến rộng rãi trên Cổng thông tin điện tử của Bộ./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư