Theo Báo cáo Thương mại thế giới 2017 do Tổ chức Thương mại rhế giới (WTO) công bố ngày 9/11, Trung Quốc, Ấn Độ và các nền kinh tế mới nổi lớn khác - hiện đại diện cho gần 1/3 dân số thế giới - đang nhanh chóng vươn lên để bắt kịp các nước phát triển, kể cả khi kinh tế toàn cầu trong quá trình tự "làm mới" và tiến bước về phía trước.
Báo cáo trên nêu rõ quy mô của kinh tế toàn cầu đã tăng gấp đôi kể từ năm 1990, sự mở rộng lớn nhất trong lịch sử, bất chấp cuộc Đại suy thoái 2007.
Theo báo cáo, trình độ phát triển, phúc lợi xã hội và điều kiện sống của hàng tỷ người trên thế giới, kể cả những người nghèo nhất, đang tiến triển với nhịp độ nhanh chưa từng thấy.
Tuy nhiên, giai đoạn tăng trưởng và phát triển phi thường này cũng đi kèm với những năm tháng gián đoạn đặc biệt lớn, khi các nền kinh tế mới đẩy các nền kinh tế khác đứng trước lựa chọn phải thích nghi hoặc tụt hậu, khi nhu cầu đối với những lao động có kỹ năng và chuyên môn cao gia tăng tại nhiều quốc gia và lĩnh vực. Báo cáo nhấn mạnh khi kinh tế toàn cầu trở nên đa dạng và năng động hơn, một số người đang tụt lại phía sau.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng phân tích những thách thức đối với người lao động và doanh nghiệp trong quá trình điều chỉnh và thích ứng với những thay đổi trên thị trường lao động, đồng thời chỉ ra cách thức các chính phủ có thể tạo ra môi trường thuận lợi thúc đẩy quá trình đó để đảm bảo hoạt động thương mại và tận dụng các công nghệ.
Báo cáo cho rằng sự mở cửa kinh tế thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo và ngược lại. Các công nghệ mới kết hợp với mạng Internet đang gắn kết với nhau và “lập trình” nền kinh tế toàn cầu hóa hiện nay.
Báo cáo nhấn mạnh Trung Quốc sẽ không thể trở thành “công xưởng của thế giới” nếu không có sự tương tác và tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu, và Ấn Độ sẽ không trên bước đường trở thành trung tâm dịch vụ toàn cầu nếu không tiếp cận được mạng lưới thông tin www./.