Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 17/11/2017-08:09:00 AM
Tăng cường hợp tác Việt Nam - WEF trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng (Xem tin ảnh)
(MPI) – Để khởi động triển khai hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Diễn đàn kinh tế Thế giới (WEF) về “Tương lai của đầu tư dài hạn, cơ sở hạ tầng và phát triển”, ngày 16/11/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với WEF tổ chức hội thảo với chủ đề Hợp tác Việt Nam - WEF trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Tham dự Hội thảo có đại diện các Bộ, ngành, chuyên gia nghiên cứu, các doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Minh Trang (MPI)

Việt Nam triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới diễn biến rất phức tạp. Nhiều nước tăng cường bảo hộ thương mại và sản xuất. Khủng hoảng nợ ảnh hưởng trong khu vực. Việt Nam cũng bị tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu làm cho những yếu kém nội tại của nền kinh tế bị bộc lộ nặng nề hơn. Lạm phát tăng cao, kinh tế vĩ mô không ổn định, sản xuất kinh doanh và đời sống người dân gặp nhiều khó khăn,… Do vậy, Việt Nam phải tập trung ưu tiên kiềm chế lạm phát; Ổn định kinh tế vĩ mô; Bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; Duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý gắn với đẩy mạnh thực hiện ba khâu đột phá chiến lược; Cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng; Đảm bảo quốc phòng, an ninh và ổn định chính trị - xã hội; Tăng cường hoạt động đối ngoại và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế.

Tình hình phát triển kết cấu hạ tầng của Việt Nam, mặc dù vẫn còn thiếu, chất lượng chưa cao và vẫn là một điểm nghẽn hạn chế sự phát triển chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, từ xuất phát điểm khá thấp, sau nhiều năm được chú ý hơn, hệ thống kế cấu hạ tầng Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể. Theo báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017 - 2018 của WEF, Việt Nam đã tăng vọt lên vị trí thứ 55, tăng 5 bậc so với năm trước và 20 bậc so với 5 năm trước. Theo đó, Việt Nam có đến 10/12 trụ cột được cải thiện về chỉ số so với trung bình và trung bình thấp. Đặc biệt về cơ sở hạ tầng, Việt Nam vẫn xếp hạng 79/137 nước được so sánh. Điều này cho thấy, rõ ràng được cải thiện song kết cấu hạ tầng của Việt Nam vẫn còn yếu.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Minh Trang (MPI)

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu cho biết, Việt Nam đã trải qua hơn 30 năm đổi mới và đạt được một số thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, thực tiễn trong những năm gần đây cho thấy, nền kinh tế Việt Nam có dấu hiệu suy giảm tăng trưởng, rất khó khăn để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Xu hướng hiện nay cho thấy, chi phí đầu tư, hiệu quả dự án đang thiếu sức hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư dài hạn vào các dự án động lực, có quy mô chuỗi toàn cầu và tầm vóc cạnh tranh quốc tế và khu vực. Đây là thách thức cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam.

Vấn đề đầu tư đồng bộ và chất lượng yếu kém của hệ thống kết cấu hạ tầng cũng được Chính phủ Việt Nam và một số tổ chức quốc tế quan tâm. Quan điểm của Đảng và Chính phủ Việt Nam đã xác định mục tiêu lựa chọn phát triển cơ sở hạ tầng là nhiệm vụ quan trọng và cũng là một trong ba khâu đột phát của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020.

Theo tính toán, quy hoạch về nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng của Việt Nam thực hiện đến năm 2030 là khoảng 3 triệu tỷ đồng, chưa tính đến hạ tầng đường sắt cao tốc. Trong khi, nguồn nhân lực cân đối từ ngân sách Nhà nước được Quốc hội thông qua trong kế hoạch trung hạn 2016 - 2020 là khoảng 150.000 tỷ đồng. Chính vì vậy, vấn đề huy động nguồn lực ngoài Nhà nước với nhiều hình thức trên cơ sở tăng cường xã hội hóa các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng đang là giải pháp được Chính phủ quan tâm trong giai đoạn tới. Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

Việt Nam đã nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của những nước thành công và chưa thành công trong thu hút nguồn lực phát triển hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng, đồng thời trao đổi, học hỏi tại những cuộc hội thảo quốc tế. Chính phủ Việt Nam đã ký Thỏa thuận hợp tác với WEF về “Phát triển nền kinh tế Việt Nam tự cường trước tương lai” với 7 lĩnh vực hợp tác, trong đó có một nội dung quan trọng là “Tương lai của đầu tư dài hạn, kết cấu hạ tầng và phát triển”. Hội thảo có ý nghĩa là bước khởi động cho nội dung hợp tác do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và WEF cùng chủ trì, phối hợp thực hiện.

Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Thành viên Ủy ban Chấp hành, WEF Justin Wood phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Minh Trang (MPI)

Phát biểu tại Hội thảo, ông Justin Wood, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thành viên Ủy ban Chấp hành, WEF cho biết, Hội thảo sẽ đề cập đến các vấn đề hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và WEF trong đó tập trung thảo luận vào các nội dung định hướng hợp tác trong Chương trình nghị sự năm 2017 và năm 2018, việc tổ chức thực hiện hợp tác như thành lập Nhóm công tác về cơ sở hạ tầng (IWG), Nhóm thư ký và cơ chế hoạt động của Nhóm công tác. Trao đổi kinh nghiệm về các vấn đề nhằm đánh giá những cơ hội và thách thức đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng ở Việt Nam trong bối cảnh chung của thế giới và khu vực và thúc đẩy phát triển hạ tầng bền vững thông qua tài chính kết hợp, trong đó khuyến khích xã hội hóa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thông qua hình thức PPP. Đây là những nội dung có giá trị thực tiễn sẽ được trao đổi tại Hội thảo với đội ngũ chuyên gia có kinh nghiệm quốc tế, đã có những nghiên cứu sâu về vấn đề này, cùng với sự tham dự của nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp hàng đầu./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 3846
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)