Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 02/01/2018-13:46:00 PM
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 năm 2017 tăng 0,21%

Ảnh minh họa. Nguồn: MPI
(MPI) - Theo Báo cáo số 349/BC-TCTK ngày 27 tháng 12 năm 2017 của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2017 tăng 0,21% so với tháng 11/2017, tăng 2,6% so với tháng 12/2016 và bình quân mỗi tháng tăng 0,21%. CPI bình quân năm 2017 tăng 3,53% so với bình quân năm 2016.

Theo Báo cáo, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 8 nhóm hàng tăng giá. Cụ thể, nhóm thuốc và dịch vụ y tế có mức tăng cao nhất, tăng 2,55%; Giao thông tăng 0,84%; May mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,43%; Đồ uống và thuốc lá tăng 0,17%; Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,22%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,12%; Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,03%.

Trong tháng 12/2017 có 2 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,23%, trong đó lương thực tăng 0,56%, thực phẩm giảm 0,5%; Bưu chính viễn thông giảm 0,03%. Riêng nhóm giáo dục giá không đổi so với tháng 11/2017.

Theo Tổng cục Thống kê, CPI bình quân năm 2017 tăng chủ yếu là do trong năm 2017 đã có 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương điều chỉnh giá dịch vụ y tế, dịch vụ khám chữa bệnh theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 của Bộ Tài chính - Bộ Y tế quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và Thông tư số 02/2017/TT-BYT ngày 15/3/2017 của Bộ Y tế về việc quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh chữa bệnh trong một số trường hợp làm cho CPI tháng 12/2017 tăng khoảng 1,35% so với tháng 12/2016; CPI bình quân năm 2017 tăng 2,04% so với năm 2016.

Bên cạnh đó, thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 – 2021 làm chỉ số giá nhóm giáo dục tháng 12/2017 tăng 7,29% so với tháng 12/2016, tác động làm CPI tháng 12/2017 tăng 0,41% so với tháng 12/2016, CPI bình quân năm 2017 tăng khoảng 0,5% so với năm 2016.

Việc tăng lương tối thiểu vùng áp dụng cho người lao động ở các doanh nghiệp từ ngày 01/01/2017 và mức lương cơ sở áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang từ ngày 01/7/2017 làm giá bình quân một số loại dịch vụ như sửa chữa đồ dùng gia đình, bảo dưỡng nhà ở, dịch vụ điện, nước, dịch vụ thuê người giúp việc gia đình năm 2017 tăng từ 3%-8% so với năm 2016...

Theo Báo cáo, một số yếu tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI năm 2017 là do chỉ số giá nhóm thực phẩm bình quân năm giảm 2,6% so với năm 2016 (chủ yếu giảm ở nhóm thịt tươi sống); Các cấp, các ngành tích cực triển khai các biện pháp bình ổn giá cả thị trường trong dịp Tết Nguyên Đán; Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, tổ chức các đoàn công tác liên ngành kiểm tra tình hình triển khai thực hiện công tác quản lý bình ổn giá tại một số địa phương. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều hành chính sách tiền tệ kiên định mục tiêu giữ ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Lạm phát cơ bản tháng 12/2017 tăng 0,11% so với tháng 11/2017 và tăng 1,29% so với cùng kỳ năm 2016. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2017 tăng 1,41% so với bình quân năm 2016.

Chỉ số giá vàng tháng 12/2017 giảm 0,12% so với tháng 11/2017, tăng 4,74% so với cùng kỳ năm 2016, bình quân năm 2017 tăng 3,71% so với năm 2016. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 12/2017 tăng 0,02% so với tháng 11/2017 và giảm 0,05% so với cùng kỳ năm 2016, bình quân năm 2017 tăng 1,40% so với năm 2016./.

Minh Trang
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2052
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)