Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 23/02/2018-11:38:00 AM
Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tạo sân chơi mới cho các nhà đầu tư
(MPI) - Chia sẻ với báo chí về dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Việt Nam đang xây dựng Luật với mong muốn tạo ra sân chơi mới với cơ chế vượt trội, thu hút, cạnh tranh với nước ngoài trong khi Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế với 20 hiệp định thương mại tự do. Đồng thời nhấn mạnh, đây là một dự án Luật khó khi thế giới đã có đặc khu từ rất lâu.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại buổi gặp gỡ báo chí và chia sẻ tầm nhìn 2018. Ảnh: Minh Trang (MPI)

Tại Kỳ họp lần thứ 4, Quốc hội khóa XIV, dự án Luật được đánh giá cao với ba nội dung. Thứ nhất, cơ chế chính sách phát triển kinh tế - xã hội vượt trội so với khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghệ cao… nhưng vẫn đảm bảo cạnh tranh với các đặc khu trong khu vực. Tính cạnh tranh cho các đặc khu trong nước đã được tư vấn, đánh giá khách quan từ các tổ chức quốc tế.

Thứ hai, tổ chức chính quyền địa phương đảm bảo bộ máy đổi mới, việc lựa chọn Trưởng đặc khu và các cơ quan chuyên môn đảm bảo tinh gọn, giải quyết nhanh chóng yêu cầu của doanh nghiệp, người dân. Luật trao 126 thẩm quyền cho Trưởng đặc khu và có cơ chế giám sát để tránh lạm quyền. Mô hình này đề cao vai trò cá nhân trong chịu trách nhiệm, thẩm quyền, kể cả bổ nhiệm phó đặc khu.

Thứ ba, sự đổi mới về cơ quan tư pháp, giải quyết tranh chấp được phân quyền cho tòa án tương đương cấp huyện, nhưng liên quan tới giải quyết dân sự, thương mại… đều phân quyền cho đặc khu thông qua thẩm phán cao cấp để xử lý, giúp giải quyết các tranh chấp của các nhà đầu tư hiệu quả hơn.

Ông Trần Duy Đông cho biết, về Trưởng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, khác với Hội đồng nhân dân hiện nay, Thủ tướng Chính phủ sẽ thành lập thêm Hội đồng đặc khu. Hội đồng này phải thực hiện tư vấn phản biện bắt buộc đối với các vấn đề lớn của đặc khu, khi ban hành văn bản pháp lý định hướng chiến lược về đặc khu. Hội đồng tối đa gồm 11 người, là các nhà khoa học, nhà đầu tư chiến lược… kịp thời thông báo cho Trưởng đặc khu, độc lập báo cáo đánh giá hoạt động quản lý của Trưởng đặc khu để có thể thay thế, cách chức Trưởng đặc khu.

Về phương án giao đất và cho thuê đất, theo ông Trần Duy Đông, phương án được Chính phủ đề xuất vẫn là 99 năm, nhưng chỉ đối với rất ít dự án do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư. Ngoài ra, dự thảo Luật tiếp tục hoàn thiện thêm những chính sách mới, được sự đồng thuận của Ủy ban Pháp luật Quốc hội như: Khu thương mại tự do, khu thương mại tự do gắn với sân bay để cạnh tranh, vấn đề công chức hợp đồng tại đặc khu, đất đai…

Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được ban hành sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng và phát triển của ba đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Hình thành khu vực tăng trưởng cao với phương thức quản lý mới và ổn định trong một thời gian dài. Tạo ra khu vực có môi trường sống hiện đại, xanh, sạch, an toàn. Tạo ra được giá trị mới và gia tăng cao trong một thời gian ngắn để bắt kịp với các nước trong khu vực và trên thế giới. Nâng cao thu nhập bình quân đầu người và đóng góp cho ngân sách nhà nước.

Đồng thời, tạo ra một môi trường đầu tư kinh doanh đặc biệt thuận lợi cho khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, các ngành khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sinh học, giáo dục, y tế, dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, công nghiệp văn hóa, phát triển ngành dịch vụ hậu cần cảng biển và sân bay, thương mại, tài chính./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 2325
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)