Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 29/03/2018-11:54:00 AM
Công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý I năm 2018
(MPI) – Ngày 29/3/2018, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Họp báo “Công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý I năm 2018” dưới sự chủ trì của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm.
Toàn cảnh buổi Họp báo. Ảnh: Mai Phương (MPI)

Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2018 ước tính tăng 7,38% so với cùng kỳ năm 2017, đây là mức tăng cao nhất của quý I trong 10 năm gần đây. Trong mức tăng 7,38% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,05%, đóng góp 0,46 điểm phần trăm, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,70%, đóng góp 3,39 điểm phần trăm, khu vực dịch vụ tăng 6,70%, đóng góp 2,75 điểm phần trăm.

Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành nông nghiệp tăng 3,76% so với cùng kỳ năm 2017, cao hơn mức tăng của quý I các năm 2011-2017, đóng góp 0,31 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Điều đó cho thấy xu hướng chuyển đổi cơ cấu sản phẩm trong nội bộ ngành theo hướng đầu tư vào những sản phẩm có giá trị kinh tế cao đã mang lại hiệu quả, ngành lâm nghiệp tăng 5,03%, do chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,03 điểm phần trăm, ngành thủy sản tăng 4,76%, đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 8 năm trở lại đây đóng góp 0,12 điểm phần trăm.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 10,08% so với cùng kỳ năm 2017, đóng góp 3,01 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Điểm sáng của khu vực này là sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 13,56% (là mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây), đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng chung với 2,46 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng quý I/2018 đạt mức tăng trưởng dương với 0,40% sau 02 năm liên tục giảm, đóng góp 0,03 điểm phần trăm do khai thác than, kim loại và khí đốt tăng so với cùng năm 2017. Ngành xây dựng 3 tháng đầu năm 2018 tăng 7,46%, thấp hơn so với tốc độ tăng 8,60% của cùng kỳ năm 2016 và 7,60% của cùng kỳ năm 2017, đóng góp 0,38 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành có tỷ trọng lớn vào mức tăng trưởng chung như: Bán buôn và bán lẻ tăng 7,45% so với cùng kỳ năm 2017, là ngành có đóng góp cao nhất vào mức tăng trưởng chung với 0,79 điểm phần trăm, dịch vụ lưu trú và ăn uống có mức tăng trưởng khá cao 7,60% so với mức tăng 6,03% của quý I/2017, đóng góp 0,32 điểm phần trăm, hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,72%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm, hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 3,56%, đóng góp 0,22 điểm phần trăm.

Về cơ cấu nền kinh tế quý I/2018, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 10,34%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,26%, khu vực dịch vụ chiếm 43,77%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,63% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2017 là: 11,19%; 34,14%; 43,92%; 10,75%).

Xét về góc độ sử dụng GDP quý I, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,13% so với cùng kỳ năm 2017, đóng góp 5,04 điểm phần trăm vào mức tăng chung (trong đó tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư tăng 7,15%, đóng góp 4,65 điểm phần trăm), tích lũy tài sản tăng 6,46%, đóng góp 1,15 điểm phần trăm, chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ ở tình trạng xuất siêu làm tăng 1,19 điểm phần trăm của mức tăng trưởng chung.

Tại buổi Họp báo, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, kinh tế - xã hội Việt Nam trong quý I/2018 tiếp tục diễn biến tích cực. Nền kinh tế đạt mức tăng trưởng cao, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Sản xuất nông nghiệp phục hồi rõ nét. Môi trường và điều kiện kinh doanh tiếp tục cải thiện, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) liên tiếp được cải thiện trong những tháng đầu năm. Xuất khẩu và thu hút khách du lịch quốc tế tiếp tục tăng cao. Các lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện và đạt kết quả nhất định, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm có xu hướng giảm dần. Bên cạnh những kết quả đạt được, trong 3 tháng đầu năm 2018 vẫn còn một số hạn chế, bất cập: Tiến độ giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước đạt thấp, chăn nuôi lợn vẫn gặp khó khăn… Năm 2018 có ý nghĩa rất quan trọng, năm bản lề thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, dự báo kinh tế Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, để thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, trong thời gian tới, các cấp, các ngành và địa phương cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung vào những nội dung chủ yếu: Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, có giải pháp hiệu quả ứng phó với Cục dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất cơ bản trong năm 2018 và hấp thụ các luồng tiền từ việc cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp lớn nhằm kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng tín dụng phù hợp gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, trong đó chú trọng các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, kinh doanh hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, tăng cường kỷ luật tài chính. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế, quản lý chặt kê khai và hoàn thuế giá trị gia tăng, có biện pháp hiệu quả chống thất thu đối với các hoạt động chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại, thu hồi nợ đọng thuế…

Đồng thời, tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường, có giá trị gia tăng cao và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh liên kết sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là công nghệ bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch...

Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, nhất là công nghiệp chế biến sâu, chế biến sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ, sản xuất hàng tiêu dùng. Tiếp tục kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp để nâng cao năng lực sản xuất. Tập trung phát triển các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng...

Tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường cho xuất khẩu sản phẩm nông sản chủ lực... Đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm, đáp ứng tốt các quy định của nhà nhập khẩu. Kịp thời nắm bắt thông tin, chính sách mới, các biện pháp thuế quan, hàng rào kỹ thuật, thông tin thị trường của các nước để có giải pháp tháo gỡ.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội. Thực hiện tốt công tác trợ giúp đột xuất, bảo đảm người dân khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời, khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ./.

Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2038
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)