(MPI Portal) – Từ ngày 5 – 7/12, Hội nghị Ủy ban điều phối chung lần thứ 8 khu vực Tam giác Phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam đã được tổ chức tại thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum. Tỉnh Kon Tum là một tỉnh có vị trí chiến lược tại vùng Tây Nguyên, Việt Nam và vùng lõi của khu vực Tam giác Phát triển. Kon Tum đang có những bước chuyển mình lớn để trở thành hàng lang giao thương quan trọng với các nước trong khu vực.
Vị trí quan trọng trong khu vực Tam giác Phát triển
|
Một góc thành phố Kon Tum. Ảnh: Internet.
|
Kon Tum là tỉnh miền núi, vùng cao, nằm ở phía bắc vùng Tây Nguyên, giáp các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, có đường biên giới dài 142km giáp với hai tỉnh Xê Kông và Attapư của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và 95km giáp với tỉnh Ratanakiri của Vương quốc Campuchia. Là một trong 5 tỉnh của Việt Nam thuộc khu vực Tam giác Phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam, Kon Tum có một vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng, với diện tích tự nhiên là 9.690km² và dân số năm 2011 khoảng 453 nghìn người. Kon Tum là tỉnh có mật độ dân số thấp nhất trong 63 tỉnh, thành phố với 35 dân tộc sống trên địa bàn tỉnh.
Với lợi thế về vị trí địa lý nằm ở vùng lõi khu vực Tam giác Phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam gồm 13 tỉnh (5 tỉnh của Việt Nam; 4 tỉnh của Hạ Lào; 4 tỉnh Đông Bắc Campuchia); mặt khác, Kon Tum lại có đường biên giới và cửa khẩu quốc gia với Nam Lào và Đông Bắc Campuchia là điều kiện thuận lợi để Kon Tum tận dụng phát huy các mối liên kết vùng trong phát triển kinh tế tại khu vực biên giới nói riêng và trên địa bàn tỉnh Kon Tum nói chung. Đặc biệt, Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y có tổng diện tích 70,438 ha là trung tâm trong khu vực Tam giác Phát triển 3 nước Campuchia – Lào – Việt Nam, trong tương lai sẽ phát triển thành đô thị loại II vùng biên giới, gắn kết với hành lang kinh tế Đông - Tây của khu vực. Đây là những điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư tìm đến khai thác tiềm năng của tỉnh Kon Tum trong khu vực Tam giác Phát triển.
Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y được khởi công năm 2003, cơ sở hạ tầng chưa được xây dựng nhiều, nhưng đã góp phần làm đổi thay đáng kể diện mạo của vùng biên giới tỉnh Kon Tum. Bờ Y đã trở thành điểm lựa chọn đầu tư của nhiều doanh nghiệp trong nước và ở khu vực Tây Nguyên.
|
Cửa khẩu quốc tế Bờ Y. Ảnh: Internet
|
Với mục tiêu xây dựng Khu trung tâm, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y trở thành đô thị biên giới loại II nhằm khai thác có hiệu quả các điều kiện về vị trí địa lý, chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội trong quá trình giao lưu kinh tế quốc tế để thúc đẩy phát triển kinh tế, phát huy tác dụng lan tỏa của Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y đối với khu vực Tam giác Phát triển ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia trong quá trình hội nhập.
Thủ tưởng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án "Rà soát, xây dựng tiêu chí lựa chọn một số khu kinh tế (KKT)cửa khẩuđể tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2013 - 2015". Trong đó, Khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y thuộc tỉnh Kon Tum là một trong 8 Khu kinh tế cửa khẩu được lựa chọn để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2013 – 2015.
Kon Tum cùng với Ratanakiri và Attapư được coi là 3 tỉnh thuộc vùng lõi Khu vực Tam giác phát triển. Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, Đề án phát triển vùng lõi Khu vực Tam giác phát triển đang được khảo sát xây dựng nhằm tiến tới phát triển nhanh và bền vững của khu vực Tam giác phát triển trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Ông cũng nhấn mạnh, tỉnh Kon Tum luôn nỗ lực tìm tòi và tham gia có trách nhiệm trong các cam kết của Khu vực, cũng như thực hiện các nội dung hợp tác nhằm góp phần vào sự thịnh vượng chung của khu vực Tam giác phát triển.
Tiềm năng phát triển của Kon Tum trong khu vực Tam giác Phát triển
Nhằm thúc đẩy hợp tác trong khu vực Tam giác Phát triển, tỉnh Kon Tum đã có sáng kiến hợp tác phát triển với các tỉnh: Ubon Ratchathani, Sisaket (Thái Lan), Champasak, Sê Kông, Attapu (Lào), Quảng Ngãi, Bình Định (Việt Nam) để tạo điều kiện cho các tỉnh trên hành lang tuyến này trao đổi với nhau về tiềm năng, lợi thế so sánh, cơ hội và khả năng hợp tác của địa phương mình, hướng đến chủ trương biến hành lang tuyến giao thông này thành trục hành lang kinh tế Đông – Tây, Núi – Biển qua Cửa khẩu quốc tế Bờ Y (Kon Tum) với trọng tâm là khai thác có hiệu quả hai cặp cửa khẩu Vang Tao (Champasak, Lào) – Chongmek (Ubon Ratchathani, Thái Lan) và Phu Kua (Attapu, Lào) – Bờ Y (Kon Tum, Việt Nam) hướng ra các cảng biển của Quảng Ngãi và Bình Định (Việt Nam). Sáng kiến này nhằm mục tiêu hiện thức hóa quy hoạch tổng thể khu vực Tam giác Phát triển, đồng thời mở rộng tầm ảnh hưởng của khu vực Tam giác Phát triển, tạo mối liên kết, hợp tác phát triển giữa các tỉnh trong khu vực Tam giác phát triển với các khu vực phát triển năng động khác, nhất là Đông Bắc Thái Lan và duyên hải miền Trung Việt Nam.
Đến nay, Kon Tum có 06 doanh nghiệp đã, đang và chuẩn bị đầu tư tại Lào và Campuchia thông qua 08 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 3,160 tỷ đồng, lĩnh vực đầu tư chủ yếu là trồng cây công nghiệp (cây cao su) và khai thác khoáng sản (vàng, vật liệu xây dựng).
Tạo đột phá trong phát triển du lịch và phát triển cây công nghiệp
Kon Tum đặc biệt chú trọng vào lĩnh vực du lịch, được xem là lĩnh vực đột phá, làm nền tảng cho hợp tác trên các lĩnh vực khác. Tỉnh mong muốn tăng cường hợp tác thúc đẩy du lịch giữa các tỉnh khu vực biên giới 3 nước để phục vụ nhu cầu du lịch, giải trí của nhân dân ở sát biên giới cũng như nhân dân của ba nước và khách du lịch của các nước khác, góp phần thúc đẩy hơn nữa công tác đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, cơ sở vật chất, kỹ thuật du lịch, xây dựng các tuyến điểm du lịch mang tính liên vùng.
Hợp tác phát triển giữa tỉnh Kon Tum với các tỉnh của Thái Lan, Lào và Việt Nam trên tuyến hành lang thương mại Đông – Tây qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y, trên cơ sở đó triển khai ý tưởng khai thác tuyến du lịch qua 8 tỉnh của ba nước Việt Nam, Lào, Thái Lan theo phương châm “ba quốc gia, một điểm đến”; xây dựng mô hình “một cửa, mộ điểm dừng” với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi và nhanh chóng nhất cho người, hàng hóa, phương tiện qua lại Cửa khẩu quốc tế Bờ Y (Việt Nam) và Cửa khẩu quốc tế Phu Kua (Lào); phối hợp với tỉnh Ratanakiri (Campuchia) thống nhất mở cửa khẩu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của khu vực Tam giác Phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam.
Hình thành các tuyến du lịch lữ hành dọc tuyến Đông – Tây, Núi – Biển qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y, Kon Tum, Việt Nam thông qua ký kết hợp tác giữa các doanh nghiệp của các địa phương, điểm đầu xuất phát từ Sisaket hoặc Ubon Ratchathani (Thái Lan), có đi qua cửa khẩu Bờ Y và khu du lịch sinh thái Măng Đen (Kon Tum) hướng ra biển tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định (Việt Nam). Theo đó, lấy du lịch để tạo điều kiện mở đường cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động đầu tư, thương mại.
Bộ trưởng 3 nước Việt Nam – Lào – Campuchia trong Hội nghị Ủy ban điều phối Khu vực Tam giác Phát triển đã nhấn mạnh cần ưu tiên phát triển cây cao su trong khu vực lên vị trí hàng đầu để thu hút các nhà đầu tư vào vùng. Việc phát triển cao su cần diễn ra ở quy mô lớn để biến khu Tam giác phát triển trở thành vùng trọng điểm của cao su không chỉ trong khu vực mà cả trên thế giới. Cùng với đó là phát triển ngành công nghiệp chế biến sản phẩm cao su trong khu vực.Theo đó, với việc xác định cao su là cây công nghiệp mũi nhọn của tỉnh Kon Tum, tỉnh này cần đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển trồng cây cao su làm trọng điểm cho khu vực cao su Việt Nam trong Tam giác Phát triển./.
Phương Linh
Cổng Thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư